Sử dụng thức ăn chăn nuôi Trung Quốc tại Mỹ làm tăng rủi ro lây dịch tả heo châu Phi
Thức ăn chăn nuôi Trung Quốc dấy lên lo ngại dịch tả heo châu Phi lây lan sang Mỹ.
Thức ăn chăn nuôi Trung Quốc có thể mang mầm bệnh
Ít nhất 129 trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc đã được báo cáo kể từ tháng 8/2018 và dịch bệnh đã lây lan sang các khu vực lân cận tại châu Á, gồm Việt Nam và Mông Cổ.
Nhiều người lo ngại dịch tả heo châu Phi có thể tiến đến Mỹ và tàn phá ngành công nghiệp thịt heo trị giá hơn 20 tỉ USD của Mỹ.
"Thức ăn chăn nuôi có thể mang mầm bệnh, và một trong những mối lo ngại của chúng tôi là Mỹ đang sử dụng vitamin và khoáng vi lượng từ nhà sản xuất Trung Quốc để nuôi đàn heo", ông Steve Meyer, một chuyên gia ngành chăn nuôi heo tại Kerns & Associates ở Iowa, cho hay. "Dịch tả heo châu Phi có thể tồn tại trong những thứ đó một thời gian".
Chẳng hạn, sản phẩm bột đầu nành hữu cơ - được biết đến với hàm lượng protein cao - được vận chuyển từ Trung Quốc và thường được dùng cho vật nuôi hữu cơ, trong đó có heo, theo ông Meyer.
Mỹ và Canada chưa cấm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc vì thiếu dữ liệu xác thực
Cho đến nay, Mỹ và Canada vẫn chưa cấm nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc, tuy nhiên một số chuyên gia đã khuyến nghị cách li đối với thức ăn nhập khẩu ít nhất 20 ngày trước khi sử dụng.
"Hai nước này vẫn có thể nhập khẩu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc, nhưng phải thực hiện theo một cách có trách nhiệm", ông Meyer nói. "Chúng tôi vẫn lo ngại rằng sẽ có ai đó vô trách nhiệm và tôi sẽ cảm thấy tốt hơn nếu chúng ta có qui định cụ thể tại Mỹ".
Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng số bột đậu nành mà Mỹ nhập khẩu từ nước ngoài vào năm 2018 mặc dù Ấn Độ cũng là một nguồn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lớn khác, theo WISERTrade, một tổ chức nghiên cứu thương mại có trụ sở tại Massachusetts.
"Các thành phần trong thức ăn chăn nuôi có khả năng là con đường truyền nhiễm dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên thông tin này vẫn chưa chắc chắn vì thiếu dữ liệu liên quan đến việc truyền nhiễm từ những nguồn trên", theo một báo cáo được công bố gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong đó đánh giá khả năng xâm nhập dịch tả heo châu Phi đến Mỹ.
Một cuộc họp đã được tổ chức tại Ottawa vào tuần trước. Tại đây các quan chức chính phủ và ngành chăn nuôi heo Mỹ, Canada và Mexico đã tập trung để cùng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch tả heo châu Phi sang Bắc Mỹ.
"Chúng tôi chưa bao giờ có dịch bệnh này tại Mỹ, chúng tôi không muốn nó", Tiến sĩ Dave Pyburn, một bác sĩ thú ý kiêm Phó Chủ tịch phụ trách khoa học và công nghệ tại tập đoàn thương mại National Pork Board. "Nếu dịch tả heo châu Phi lan đến đây, nó sẽ tàn phá đàn heo của chúng tôi".
Mỹ đang xuất khẩu gần 30% lượng thịt heo của nước này, do đó điều này có thể gây rủi ro nếu dịch tả heo châu Phi lan đến thị trường nội địa Mỹ, ông Pyburn nói. Ông cho biết dịch chỉ ảnh hưởng đến heo chứ không phải con người.
Chính phủ Mỹ gia tăng biện pháp bảo vệ ngành chăn nuôi heo trong nước
Cùng với thức ăn bị nhiễm dịch, các chuyên gia cho rằng dịch tả heo châu Phi có thể lây lan từ chất thải và thịt của heo cũng như từ heo rừng và động vật ăn rác chưa nấu chín. Bọ ve hút máu cũng có thể mang dịch và lây lan sang đàn heo, đây được cho là nguyên nhân lây lan ban đầu ở châu Phi.
Tuy nhiên, Hải quan và Biên phòng Mỹ có thể đảm bảo thịt heo từ các quốc gia đã nhiễm dịch không vào đến Mỹ.
Tháng 3, cơ quan hải quan ở New Jersey đã thu giữ khoảng một triệu pound thịt heo bất hợp pháp vào Mỹ từ Trung Quốc. Ngoài ra, các quan chức Nhật Bản tháng trước cũng tuyên bố họ đã phát hiện virus tả heo châu Phi trong xúc xích mà du khách mang vào từ Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố các biện pháp tăng cường để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các nguồn cung thịt trong nước, trong đó có chính sách tập trung vào biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt tại nông trại. Chính sách này sử dụng các đội chó săn nhằm phát hiện thực phẩm bất hợp pháp được đưa vào sân bay và cảng biển.
Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ số lượng heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên Rabobank ước tính có đến 200 triệu con heo đã bị ảnh hưởng và sản lượng thịt heo có thể giảm 30%. Tại Mỹ, số lượng heo đạt tổng cộng 75 triệu con.
Chưa có vacxin hiệu quả để điều trị dịch tả heo châu Phi mặc dù nghiên cứu đã được tiến hành từ lâu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/