Startup đem giải pháp số hóa 3D lên Shark Tank, tự tin tối ưu hơn Google Street View chốt deal thành công với Shark Hưng
Lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 12, ông Trần Duy Hào, founder và CEO của CTCP Giải pháp chuyên gia StarGlobal 3D, một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên triển khai các giải pháp số hóa 3D 360 kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần.
Mô hình kinh doanh của StarGlobal 3D là sử dụng các máy quét 3D, máy camera 360, máy bay không người lái và những thiết bị kỹ thuật số để quay chụp lại các không gian như showroom, nhà máy,…nhằm chuyển đổi từ dạng physical sang digital.
Thông qua việc số hóa cũng có thể tạo nên một hệ sinh thái trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, ông Hào cũng giới thiệu tới các Shark một ví dụ về hệ sinh thái trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện doanh nghiệp đã nhận được bằng sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu Trí tuệ Mỹ.
Shark Bình nhận xét về bản chất, hệ sinh thái được xây dựng bởi StarGlobal 3D có dạng tương tự như Google Street View.
Ông Hào cũng đồng ý với ý kiến này, nhưng ông chia sẻ rằng StarGlobal 3D đem đến những tính năng ưu việt hơn so với Google Street View, đặc biệt là nó có thể in vào indoor và những khu vực trong nhà máy, trong khi Google Street View chỉ đem đến những hình ảnh về các địa điểm công cộng bên ngoài.
Một điều thú vị mà StarGlobal 3D đem đến chương trình đó là việc ứng dụng có thể số hóa luôn cả con người. Ông Hào cũng trình chiếu một ví dụ cụ thể về Shark Bình khi được số hóa. Theo ông, nếu ứng dụng này có thể được tích hợp cho lĩnh vực bảo tàng thì sẽ đem lại những kết quả tốt.
Ông Hào cũng chia sẻ rằng công ty đã thực hiện việc số hóa cho một vài địa điểm như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng TP HCM, nhà máy Ajinomoto Long Thành & Biên Hòa, khu công nghiệp Long Hậu,…
Khi được Shark Phú đặt câu hỏi về cách kiếm tiền và bức tranh tài chính của công ty, ông Hào trả lời rằng hiện Star Global 3D có ba phân khúc, bao gồm các dự án chính phủ như bảo tảng, du lịch và những doanh nghiệp tư nhân với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ vài chục cho tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng.
Cách để kiếm tiền, theo chia sẻ của ông Hào, bước thứ nhất là B2B và bước thứ hai sẽ là B2C. Năm 2017, doanh số của StarGlobal 3D đạt khoảng 500 triệu đồng; năm 2018 đạt khoảng 1,5 tỷ đồng; năm 2019 khoảng 3,5 tỷ đồng và năm 2020 đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm nay, StarGlobal 3D đã đạt doanh số 2 tỷ đồng. Ông Hào ước tính doanh thu của công ty trong năm 2021 sẽ đạt 10 tỷ đồng.
Theo Shark Bình, mô hình của StarGlobal 3D không quá mới và điều quan trọng vẫn là thị trường đầu ra. Trong khi đó, Shark Hưng cho biết Cen Land hiện đã áp dụng mô hình này, đồng thời cũng chỉ ra hai vấn đề chính, bao gồm chi phí và tốc độ đường truyền.
Ông Hào giải thích nguyên nhân doanh số trong ba năm đầu không quá đẹp vì công ty của ông tập trung vào R&D và đặc biệt là phải đạt được mục tiêu được đăng ký sở hữu trí tuệ. Năm 2021 mới là thời điểm để StarGlobal 3D phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng là việc đăng ký thành công sở hữu trí tuệ.
Ông Hào chia sẻ rằng đã góp đủ vốn đăng ký 10 tỷ đồng cho công ty và cũng đã chi tiêu hết, trong đó khoảng 3 tỷ đồng dành cho việc mua máy móc thiết bị.
Sau khi nhận được câu trả lời về việc khi nào thì doanh nghiệp của ông Hào sẽ bùng nổ, tương tự như ảnh kỹ thuật số, Shark Hưng đã đưa ra lời mời đầu tư trị giá 5 tỷ đồng cho 35% cổ phần.
Trong khi đó, Shark Bình nhận xét mô hình kinh doanh của StarGlobal 3D đang thuần túy B2B. Ngoài ra, đối với hướng B2C, Shark Bình cho biết ông chưa quá tin tưởng, đồng thời chia sẻ rằng bản thân yêu thích mô hình B2B2C hoặc B2C đối với các startup công nghệ chuyển đổi số. Vì vậy, Shark Bình quyết định không đầu tư.
Theo ông Hào, StarGlobal 3D đang ở giai đoạn sẵn sàng để mở rộng quy mô, thậm chí là mở rộng quy mô trên toàn cầu dựa trên nền tảng là bằng sáng chế ở quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết rằng sẵn sàng đưa ra những KPI cụ thể để ràng buộc lẫn nhau.
Năm 2021, dự báo nếu doanh thu đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ là 50%. Ông Hào dự đoán con số tương tự cho năm 2022 sẽ là 30 tỷ đồng.
Shark Phú đưa ra mức giá 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần nếu kết quả kinh doanh của công ty đạt đúng kết hoạch như ông Hào đề ra. Ngược lại, nếu không đạt kết quả đúng như kế hoạch, mọi thứ sẽ được xử lý dựa trên tỷ lệ giá trị của công ty.
Trong khi đó, cả Shark Linh và Shark Liên đều quyết định không đầu tư vào StarGlobal 3D. Ông Hào tiếp tục đưa ra lời đề nghị đầu tư trị giá 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Dù vậy, mức giá này không được Shark Phú chấp nhận.
Shark Hưng tiếp tục đưa ra lời đề nghị đầu tư trị giá 5 tỷ đồng cho 18% cổ phần và 5 tỷ giá trị hợp đồng. Ông Hào cũng đưa ra lời mời tiếp theo với giá trị 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần nhưng Shark Hưng quyết định không thay đổi.
Kết thúc chương trình, ông Hào đồng ý chốt deal với Shark Hưng ở mức đầu tư trị giá 5 tỷ đồng cho 18% cổ phần và 5 tỷ giá trị hợp đồng.