|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup của cô gái Việt tham vọng giúp người Châu Á học Tiếng Anh, thị trường edtech có 'dễ ăn'?

13:34 | 15/08/2019
Chia sẻ
Sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói và trí tuệ nhân tạo, Elsa mong muốn giúp học viên cải thiện kĩ năng phát âm.

Tham vọng sớm mở văn phòng tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia

Startup giáo dục Elsa, sáng lập bởi CEO người Việt Văn Đinh Hồng Vũ, đang lên kế hoạch mở văn phòng ở Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia với tham vọng tiếp cận được với nhu cầu học Tiếng Anh khổng lồ tại Châu Á.

el1

Văn Đinh Hồng Vũ, CEO Elsa. (Ảnh: Nikkei)

Sự mở rộng của Elsa, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, tiếp tục khẳng định xu hướng phát triển của các startup giáo dục trên nền tảng công nghệ (edtech) của Châu Á. Elsa sử dụng công nghệ với mong muốn thay đổi cách người dùng học Tiếng Anh và phục vụ những nhu cầu chưa được đáp ứng.

Với công nghệ nhận diện giọng nói độc đáo, dịch vụ của Elsa tập trung vào khả năng phát âm Tiếng Anh của người dùng khi học viên nhận được các bài học được cá nhân hóa dựa trên trình độ của mỗi người.

Khả năng nhận diện giọng nói được thiết kế để xác định được lỗi phát âm của học sinh khi họ nói Tiếng Anh.

Elsa hiện đang có gần 5 triệu người dùng trên toàn thế giới, Văn Đinh Hồng Vũ cho biết, trong đó người dùng Việt Nam đang chiếm một phần ba.

Công ty của Vũ đang có kế hoạch thành lập đội ngũ tại Nhật Bản trong thời gian ngắn tới và sau đó là tại Ấn Độ và Indonesia. Đây là những thị trường Elsa có lượng người dùng tải về lớn.

Với đội ngũ địa phương, Elsa mong muốn mở rộng hợp tác với các trường học và công ty trong việc cung cấp công cụ học Tiếng Anh cho nhân viên và học sinh.

 "Ngay khi chúng tôi có nhân sự tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ mở văn phòng tại đây, hi vọng trong vòng hai tháng tới", Hồng Vũ chia sẻ với Nikkei. "Chúng tôi cũng muốn nhanh chóng tuyển dụng nhân sự ở Indonesia và Ấn Độ".

Elsa hiện đang có khoảng 40 nhân sự, một nửa trong số này đang làm việc tại văn phòng TP HCM. Ở Việt Nam, Elsa đang có khoảng 30 khách hàng doanh nghiệp và đối tác trưởng học.

CEO Elsa đồng thời tiết lộ ứng dụng này sẽ "tùy chỉnh" giáo trình cho từng quốc gia và mảng kinh doanh, ví dụ như Tiếng Anh giao tiếp trong ngân hàng.

Thị trường rộng lớn nhưng không thiếu thách thức

el2

Ứng dụng Elsa đánh dấu chữ cái với màu đỏ, xanh và vàng để đánh giá phát âm của người dùng. (Ảnh: Nikkei)

Văn Đinh Hồng Vũ, tốt nghiệp Đại học Stanford, thành lập Elsa bốn năm trước ở Mỹ. Công ty của cô đã gọi được tổng cộng 12 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư như Gradient Ventures (quỹ đầu tư trí tuệ nhân tạo của Google), 500 Startups và Monk's Hill Ventures.

Học Tiếng Anh là một mảng kinh doanh giáo dục lớn tại Châu Á.

"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi muốn tập trung vào khu vực Châu Á", Hồng Vũ nói. "Châu Á là một thị trường lớn, thậm chí chỉ tính riêng tại Đông Nam Á, dung lượng thị trường đã thực sự lớn".

Elsa cũng sẽ tiếp tục tập trung vào tiếng Anh nói, vị CEO trẻ tuổi nói thêm, bởi những khảo sát Elsa thực hiện cho thấy 90% học viên cho rằng đây là kĩ năng họ cần hỗ trợ nhiều hơn.

Công nghệ giáo dục, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ học trực tuyến, đang tăng ở Châu Á do những thách thức đến từ thiếu học giáo viên và hạ tầng trường học ở vùng sâu vùng xa.

Hạ tầng Internet phát triển, smartphone và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu – sẵn sàng đầu tư vào vấn đề học hành của con cái – cũng góp phần đẩy mạnh xu hướng này.

Đó là chưa kể đến sự hỗ trợ đến từ chính phủ, Gervasius Samosir, giám đốc thị trường Châu Á của công ty tư vấn YCP Solidiance, chia sẻ.

"Một số quốc gia Đông Nam Á đã tạo ra các kế hoạch khung để đẩy mạnh công nghệ giáo dục trong hệ thống", anh chia sẻ, nhấn mạnh Indonesia đang muốn 270.000 trường học được kết nối với Internet để đặt nền móng triển khai công nghệ giáo dục.

Thị trường edtech của Ấn Độ thì đặt mục tiêu "đóng vai trò là một giải pháp thay thế làm mới giáo dục", Pavan Kumar Madamsetty, giám đốc YCP Solidiance ở New Delhi, chia sẻ.

"Chỉ một số lượng nhỏ học sinh được tiếp cận với giáo dục bậc cao khiến một tỉ lệ lớn thế hệ tiếp theo của Ấn Độ chìm sâu vào bóng tối của việc không được học hành", ông nói thêm, "chưa kể đến việc những người học cao hơn cũng không có kết quả quá tốt".

Các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu mảng công nghệ giáo dục ở Châu Áu. Tính riêng trong năm 2018, các startup trong lĩnh vực tại đây đã kêu gọi được 4,3 tỉ USD vốn đầu tư, cao gấp đôi so với cùng kì năm 2017, theo Crunchbase.

Ấn Độ và Đông Nam Á đang nỗ lực để bắt kịp với tổng vốn gọi 1,3 tỉ USD trong năm ngoái, tăng gấp ba lần năm 2017.

Một trong những công ty gọi vốn thành công nhất là nền tảng học trực tuyến Byju của Ấn Độ với 150 triệu USD đầu tư vào tháng 7 và hiện đạt định giá 5 tỉ USD.

Công ty giáo dịch trực tuyến Việt Nam Topica Edtech Group cũng gọi được 50 triệu USD ở vòng Series D dẫn dắt bởi công ty đầu tư mạo hiểm Singaproe Northstar Group.

Peng T. Ong, giám đốc quỹ Monk's Hill Ventures, nói công ty của ông lạc quan với sự phát triển của edtech ở Đông Nam Á với "ngày càng nhiều doanh nhân mang đến những sáng tạo giáo dục thông qua công nghệ".

Dù vậy, Peng nói startup lĩnh vực này cần cân nhắc cách tiếp cận với giới trẻ ở các thị trường đang phát triển để khơi dậy đam mê học tập. Hạ tầng cũng là một thách thức khác tại thị trường này, Peng nhận định thêm.

"Hầu hết mạng băng thông rộng ở các thị trường mới nổi đều chưa quá hiệu quả, trong khi đó điểm truy cập có thể là những chiếc smartphone giá thấp", ông nhận định.

Vì đặc thù này, công nghệ edtech cần hoạt động được trong cả điều kiện băng thông hẹp, các thiết bị hiệu năng chưa cao và kết nối có thể gián đoạn.

Thái Sơn