|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: Doanh thu năm 2023 của chuỗi nhà thuốc Long Châu, An Khang có thể tăng hai tới ba chữ số

15:56 | 21/09/2022
Chia sẻ
Theo dự phóng, chuỗi Long Châu sẽ có mức tăng trưởng năm 2023 là 43%, trong khi với tiềm lực tài chính ổn định hơn từ công ty mẹ, An Khang có thể đuổi kịp tốc độ mở mới để bắt kịp chuỗi nhà thuốc của FRT, và có thể ghi nhận mức tăng doanh thu đến 169%.

Trung tâm phân tích thuộc Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo về ngành bán lẻ dược phẩm. Theo nghiên cứu từ EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,4%. EIU dự báo tốc độ tăng CAGR là 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên. Xét theo từng kênh, kênh ETC (kênh bệnh viện) đóng góp khoảng 75 - 76% tổng doanh thu trong 5 năm qua.

Thực tế, các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng tốc mở mới kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống, tăng từ 185 cửa hàng năm 2016 lên 1.600 sau 5 năm. Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông). 

 

Vì sao có sự nhường chỗ cho nhà thuốc hiện đại?

Việc chuyển đổi từ hiệu thuốc truyền thống sang hiệu thuốc thương mại hiện đại được SSI Research giải thích do, thứ nhất Bộ Y tế kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, nhằm tránh người bệnh bị lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.

Thứ hai, việc nhà nước triển khai việc kê đơn điện tử, giúp các hiệu thuốc hiện đại có sẵn hệ thống ERP được nhanh chóng thích ứng với quy định mới. Điều này sẽ giúp các hiệu thuốc này giành được thị phần từ các nhà thuốc nhỏ, khi các hiệu thuốc nhỏ có thể bị mất khách hàng do hệ thống kiểm soát nội bộ không kịp thời kết nối với hệ thống kê đơn điện tử.

Thứ ba, theo các chuyên gia, việc chậm trễ trong việc phê duyệt đăng ký thuốc mới hay gia hạn thuốc cũ làm hạn chế nguồn cung, thúc đẩy quá trình hợp nhất thị trường của các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại. Nhóm chuyên gia cho rằng, các nhà thuốc hiện đại với khả năng tài chính mạnh và khả năng thương lượng tốt hơn, đã có thể đảm bảo đủ nguồn hàng từ các công ty dược, trong khi các nhà thuốc truyền thống phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho.

Ngoài ra, SSI Research nhận định kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện trong thời gian đại dịch khi COVID-19 đã hạn chế việc thăm khám tại bệnh viện, các bệnh viện công đã trở nên thận trọng hơn khi đấu thầu thuốc dẫn tới thiếu một số thuốc và thiết bị y tế. Bên cạnh đó, tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng được gia tăng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với COVID-19".

Triển vọng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm: Biên lợi nhuận vẫn duy trì tốt trước áp lực lạm phát

Trước bối cảnh trên, các chuyên gia vẫn đánh giá kênh bán lẻ thuốc của các chuỗi cửa hàng hiện đại vẫn giành thêm thị phần từ kênh bệnh viện, vì kênh bệnh viện sẽ mất thời gian để khôi phục tốc độ đấu thầu về mức trước dịch. Các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại cũng có thể hấp thụ thị phần của các hiệu thuốc truyền thống do quy mô lớn và lợi thế trong việc có sẵn hệ thống ERP - giao thức tương thích với hệ thống kê đơn điện tử mới.

Khi nguồn cung thuốc có khả năng sẽ lại bị thiếu hụt vào năm 2023, các nhà bán lẻ dược phẩm quy mô lớn có thể đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho và giành được thị phần. Ngoài ra, xu hướng dùng vitamin nhiều hơn giúp chuỗi nhà thuốc gia tăng doanh thu.

Các nhà phân tích vẫn nhấn mạnh rằng biên lợi nhuận của các nhà thuốc vẫn sẽ được duy trì tốt trong bối cảnh lạm phát, vì tính thiết yếu của các sản phẩm thuốc khiến nhu cầu chi tiêu vẫn ổn định. Song song đó, các chuỗi nhà thuốc tích cực mở cửa hàng mới có thể thương lượng các điều khoản tốt hơn với các nhà cung cấp, do đó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận ròng có thể không cải thiện nhiều do mở mới nhiều cửa hàng.

Theo ước tính của SSI Research, Long Châu đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các bệnh viện tại TP HCM, cho phép nhà thuốc dự báo chính xác hơn nhu cầu trong khu vực đối với từng loại thuốc, đây là một trong các yêu tố giúp chuỗi hiệu thuốc này có thể ghi nhận doanh thu 8.019 tỷ đồng năm nay, và có thể đạt 11.443 tỷ đồng vào năm sau, lần lượt tăng 104% và 43% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế dự phóng lần lượt là 549 tỷ và 632 tỷ. Hiện tại, FRT có khoảng 700 cửa hàng Long Châu trên cả nước.

Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc An Khang tuy không có nhiều cửa hàng bằng Long Châu, nhưng chuyên gia cho rằng tình hình tài chính của MWG an toàn hơn nhiều nên điều này cho phép công ty tăng tốc độ mở mới để bắt kịp chuỗi nhà thuốc của FRT.

Bên cạnh đó, MWG có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị và mảng ICT & CE rộng khắp cả nước, do đó công ty có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm của An Khang.

Ước tính, mảng dược phẩm sẽ đóng góp 3.200 tỷ đồng doanh thu cho MWG, năm sau sẽ tăng lên 8.610 tỷ đồng, ứng với mức tăng trưởng 169%.

Từ khoảng tháng 4, chuỗi Nhà thuốc An Khang bắt đầu dần thay đổi layout qua hệ thống nhận diện thương hiệu mới, từ màu đỏ trắng thay bằng màu xanh trắng. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Còn đối với chuỗi Pharmacity, hiện tại đây vẫn là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam về số lượng cửa hàng (hơn 1.100 nhà thuốc tính tới tháng 7/2022). Với nguồn vốn bên ngoài mạnh mẽ, Pharmacity tham vọng đặt mục tiêu 5.000 cửa hàng vào năm 2025. Mặc dù là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất tính theo số lượng cửa hàng, Pharmacity vẫn thua lỗ vào năm 2021, trong khi Long Châu và An Khang đã hòa vốn.

Minh Hằng