|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều cổ phiếu lên vùng giá cao nhất từ đầu năm, triển vọng nhóm doanh nghiệp bán lẻ ra sao?

10:35 | 13/09/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng, ngành bán lẻ sẽ phục hồi nhẹ vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện rõ ràng hơn vào năm 2024, trong đó, những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc. Tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao như bán lẻ dược phẩm và bách hoá.

Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp bán lẻ đã trải qua “cơn bĩ cực” khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang, môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt từ các công ty tài chính tiêu dùng.

Để ứng phó với các thách thức trên, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như tăng tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ (MSN, FRT, PNJ); Đa dạng hóa danh mục sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng (DGW, FRT, PNJ); Đổi nhận diện thương hiệu (VNM) hoặc giảm đòn bẩy.

Những động thái này được kỳ vọng không chỉ giúp các công ty vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Trong báo cáo về ngành bán lẻ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận của các nhà bán lẻ có thể vẫn yếu trong quý III do ảnh hưởng của mùa thấp điểm nhưng dự kiến sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn từ quý IV trở đi. Những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc.

Tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao. Trong đó, ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ là sự phát triển của tầng lớp trung lưu, sự chuyển đổi từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại và sự gia nhập vào các phân khúc phân mảnh cao của các chuỗi bán lẻ.

Diễn biến giá nhóm cổ phiếu bán lẻ từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).

Trước những triển vọng lạc quan hơn từ thị trường, nhiều cổ phiếu bán lẻ đã bứt phá trong thời gian gần đây. Chốt phiến 12/9, cổ phiếu MWG dừng ở mốc 55.800 đồng/cp, tăng khoảng 32% sau ba tháng và hồi phục lên vùng giá cao nhất gần một năm.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bán lẻ cũng chứng kiến đà tăng mạnh như DGW tăng 56% lên 62.00 đồng/cp, FRT tăng 70% lên 86.500 đồng/cp, PET tăng 23% lên 31.200 đồng/cp, PNJ tăng 16% lên 83.600 đồng/cp trong ba tháng.

Còn tính từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu bán lẻ có đà tăng bứt tốc như MWG tăng 88%, DGW tăng 55%, FRT tăng 41%.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm ở một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Dung).

Nhóm dược phẩm, bách hoá sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới

Theo VDSC, trong vòng 5 năm tới, hai mảng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng doanh thu bán hàng mạnh mẽ nhất là bán lẻ dược phẩm và bách hóa.

Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi thị phần ngày càng tăng của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong phân khúc này có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với mức tăng trưởng doanh thu do hưởng lợi từ lợi thế quy mô.

Đối với bán lẻ dược phẩm, đơn vị phân tích cho rằng, Long Châu – chuỗi nhà thuốc của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) “đang trên đà thành người thắng cuộc” và là chuỗi dược phẩm duy nhất có lãi hiện nay. Việc tạm dừng mở mới An Khang và Pharmacity là cơ hội để Long Châu tiếp tục tăng tốc.

Theo ghi nhận của SSI Research tại Hội thảo Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam do Goldman Sachs & SSI tổ chức, lãnh đạo FPT Retail cho biết, công ty đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu (so với 1.243 cửa hàng tính đến cuối quý II/2023) trong 5 năm tới.

Dù có những lo ngại rằng doanh thu/tháng/cửa hàng có thể giảm khi công ty tăng cường mở cửa hàng tại khu vực nông thôn. Song, ban lãnh đạo cho rằng, doanh thu/tháng/cửa hàng ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ đồng trong quý II/2023, tương đương với mức năm trước.

Theo FPT Retail, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành.

Điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác (An Khang và Pharmacity). Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra 25-30% doanh thu từ thuốc kê đơn.

FPT Retail đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu trong 5 năm tới. (Ảnh: Hoàng Dung).

Về chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), doanh thu tháng 7 đạt 2.800 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ, tăng 11% so với tháng trước. Để có kết quả kinh doanh tích cực trên, MWG đã thực hiện tái cơ cấu mạnh trong năm 2022, với chiến lược tập trung vào mặt hàng tươi sống và tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa danh mục FMCG (hàng tiêu dùng nhanh).

Còn doanh thu bình quân của một cửa hàng tiếp tục cải thiện lên mức 1,6 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu online), gần với mức hòa vốn là khoảng 1,7-1,8 tỷ đồng.

 Nguồn: VDSC.

Lãnh đạo MWG dự kiến khi chuỗi BHX sắp đạt điểm hòa vốn, MWG sẽ chuẩn bị huy động vốn để tài trợ cho việc mở rộng trong thời gian tới, thông tin từ cuộc họp với chuyên viên phân tích SSI Research diễn ra hồi tháng 8.

Theo MWG, với tình hình kinh tế yếu trong thời gian gần đây, nhiều mặt bằng thương mại tại các vị trí thuận lợi được cho thuê và các đối thủ như Winmart và Tops Market đã tận dụng cơ hội này để chiếm vị trí thuận lợi và giành thị phần.

Do đó, việc huy động vốn có thể tạo điều kiện thuận lợi để công ty tiếp tục kế hoạch mở rộng chuỗi BHX để đáp ứng nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế phục hồi.

Nguồn: VDSC.

Mảng bán lẻ không thiết yếu có thể phục hồi chậm

Trái với động lực của bán lẻ thiết yếu, mảng bán lẻ không thiết yếu được VDSC dự báo sẽ phục hồi chậm trong nửa cuối năm 2023. Trong đó, động lực tăng trưởng của các nhà bán lẻ ICT & CE (hàng điện tử và điện máy) đến từ niềm tin của người tiêu dùng gia tăng, hoạt động cho vay tiêu dùng được cải thiện, mùa mua sắm và sự ra mắt của các dòng sản phẩm mới (đặc biệt là iPhone 15).

Tuy nhiên, đơn vị phân tích cũng cho rằng, sức mua sẽ chỉ phục hồi về mức tăng trưởng hữu cơ vào năm 2024 khi nền kinh tế và thị trường lao động được cải thiện và bước vào chu kỳ thay thế thiết bị điện tử (trung bình là 2 năm).

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRTcho biết sẽ không mở cửa hàng FPT Shop mới trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Công ty sẽ mở mới cửa hàng trở lại vào năm 2024 - 2025 với tốc độ chậm (50 cửa hàng mới mỗi năm). Do nhu cầu điện thoại di động đã bão hòa, công ty đã tập trung bổ sung các mặt hàng thiết bị gia dụng vào các cửa hàng FPT Shop trong vài quý vừa qua.

FPT Retail hiện có tổng cộng 600 trong số 800 cửa hàng FPT Shop có ki-ốt bán đồ gia dụng, mang lại 5% tổng doanh thu cho FPT Shop. Công ty nhận thấy còn dư địa chưa khai thác hết nên đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp lên 20% tổng doanh thu của FPT Shop.

Bên cạnh đó, FPT đang phải đối mặt với cuộc chiến về giá với các đối thủ cạnh tranh và ban lãnh đạo FPT Retail cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt như vậy sẽ giảm bớt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho.

 FPT Retail dự kiến không mở cửa hàng FPT Shop mới trong năm 2023 do nhu cầu yếu. (Ảnh: Hoàng Dung).

Là một nhà phân phối điện thoại lớn ở Việt Nam, CTCP Thế Giới Số (Digiworld – Mã: DGW) lại cho rằng, tác động của cuộc chiến giá đối với công ty ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp bán lẻ khác như FPT Retail và MWG. Nguyên nhân là do các công ty này phải chịu chi phí cố định (tiền thuê và các chi phí khác tại cửa hàng) cao hơn.

Digiworld cũng kỳ vọng phân khúc điện thoại di động, máy tính xách tay và thiết bị gia dụng sẽ phục hồi so với quý trước trong quý III và quý IV do mức tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm xuống.

Cuối quý III,Digiworld dự kiến phân phối cho hãng điện thoại di động mới như ZTE, các hãng phân khúc giá rẻ khác.

Theo Digiworld, rằng Việt Nam đang dần ngắt sóng 2G theo từng giai đoạn cho đến khi cắt hẳn vào cuối năm 2024 nên gười tiêu dùng sẽ chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh phân khúc giá rẻ, từ đó thúc đẩy doanh thu điện thoại di động ZTE và các mẫu điện thoại di động Xiaomi phân khúc giá rẻ.

Về mảng thiết bị văn phòng, ngành hàng này dự kiến sẽ phục hồi cùng với việc giải ngân vốn FDI, thành lập doanh nghiệp mới và mở rộng tệp khách hàng (công ty con Achison sẽ mở chi nhánh mới tại Hà Nội để phục vụ khách hàng từ các KCN phía Bắc). 

Còn mảng hàng tiêu dùng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số cao vào năm 2023 nhờ các hợp đồng phân phối mới với ABInbev (các sản phẩm bia) và Lotte Chilsung (soda-sữa và nước trái cây).

Trước sự tăng giá gần đây của đồng USD, công ty đã mua hợp đồng tương lai để hạn chế rủi ro tỷ giá. Ngoài ra, chi phí đi vay của Digiworld đã giảm đáng kể từ quý II nhờ dòng tiền mạnh.

  Mảng bán lẻ không thiết yếu được dự báo sẽ phục hồi chậm trong nửa cuối năm 2023. (Ảnh: Hoàng Dung).

Có thể thấy, sự suy yếu của mảng lẻ không thiết yếu đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ví dụ trong tháng 7, doanh thu Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDD) thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đạt 6.700 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và tương đương thực hiện tháng 6.

Theo MWG, nửa cuối năm 2023 vẫn được xác định là giai đoạn khó khăn đối với người tiêu dùng, công ty đang chuyển hướng để thực thi chiến lược giá tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiết kiệm của khách hàng.

Nửa cuối năm, cả TGDĐ, ĐMX và Topzone sẽ nỗ lực để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, hợp tác với các hãng mang đến cho khách nhiều lựa chọn mua sắm thiết thực và nắm bắt cơ hội thúc đẩy doanh số khi tình hình sức mua khả quan hơn. 

Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 8, Chứng khoán BIDV(BSC Research) kỳ vọng hai chuỗi ĐMX và TGDĐ sẽ chiếm thêm được thị phần từ dòng sản phẩm Apple và phân khúc sản phẩm giá rẻ khi: Các đối thủ rời bỏ ngành như (Edigi); Hàng xách tay mất lợi thế khi Apple mở cửa hàng online tại Việt Nam; Các chuỗi nhỏ lẻ khác (ước tính chiếm 20% thị phần) và các trang thương mại điện tử giảm khuyến mãi do chi phí vốn tăng.

Theo đơn vị phân tích, MWG có thể thực hiện được mục tiêu trên nhờ: Áp dụng chiến lược bán hàng với giá cả hợp lý, khuyến mãi hấp dẫn và cung ứng dịch vụ vượt trội; Kiểm soát lượng hàng tồn kho, model sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dang và phù hợp với bối cảnh thị trường

Đồng thời, công ty sẽ tận dụng được lợi thế quy mô để đàm phán với nhà cung cấp về các sản phẩm độc quyền và dịch vụ ưu đãi trên đa nền tảng, với giá hấp dẫn; Giá trị cộng hưởng của hệ sinh thái khách hàng thân thiết qua kênh quà tặng VIP.

 Các chương trình khuyến mãi và dịch vụ tặng thêm được áp dụng tại các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tháng 9. (Ảnh chụp màn hình).

Còn đối với mảng trang sức, VDSC dự báo, doanh thu ngành này có thể suy yếu nhưng chỉ giảm nhẹ.

Trong tháng 7, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), ghi nhận 85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đây, là mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái do chi phí hoạt động cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng phục hồi của tiêu thụ trang sức trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo PNJ cho rằng, chi tiêu trang sức thời gian tới có thể sẽ tốt hơn quý II nhưng tốc độ phục hồi khả chậm như sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô. Vì thế, công ty kỳ vọng doanh thu bán lẻ sẽ phục hồi nhanh hơn bán buôn, phần lớn nhờ vào việc tăng thị phần.

 Nguồn: VDSC.

Theo kế hoạch, PNJ dự kiến mở 30 - 40 cửa hàng mới mỗi năm cho đến khi công ty đạt 500 cửa hàng (so với số lượng 384 cửa hàng tính đến tháng 7). Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu duy trì biên lợi nhuận gộp trong khoảng 17% - 19% trong năm 2024 (so với mức 17,5% trong năm 2022 và 18,9% trong 6 tháng đầu năm 2023).

Bên cạnh đó, công ty sẽ tăng cường độ nhận diện trực tuyến thông qua Tiktok, Lazada và Shoppe. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã nhận thấy rằng chỉ những mặt hàng có giá trị thấp mới có thể được bán trực tuyến, đồng thời vấn đề bảo mật dữ liệu là mối lo ngại khi đặt hàng qua nền tảng online của bên thứ ba.

PNJ dự kiến mở 30 - 40 cửa hàng mới mỗi năm cho đến khi công ty đạt 500 cửa hàng (so với số lượng 384 cửa hàng tính đến tháng 7. (Ảnh: Hoàng Dung).

Hoàng Dung