|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Lợi nhuận FPT và CMG có thể tăng trưởng kép hai con số trong vòng 3 năm tới, động lực chính từ thị trường quốc tế

11:14 | 12/09/2023
Chia sẻ
VDSC dự báo nửa cuối năm 2023, hoạt động xuất khẩu phần mềm vẫn là đầu tàu tăng trưởng của FPT, còn trụ cột tăng trưởng của CMC đến từ khối kinh doanh quốc tế.

Trong báo cáo về ngành công nghệ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi suy thoái, duy trì mức tăng trưởng hai chữ số khi các khách hàng vẫn cam kết đối với tiến trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất hoạt động và cải thiện biên lợi nhuận.

Tương tự, các dịch vụ viễn thông dành cho doanh nghiệp B2B như trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud), vốn rất quan trọng cho hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số bền vững trong vài năm tới.

Mặt khác, dịch vụ băng thông rộng và đầu tư cho phần cứng dự báo sẽ trì trệ khi chúng dễ bị tổn thương trong giai đoạn suy thoái kinh tế.

Xuất khẩu phần mềm là đầu tàu tăng trưởng của FPT

Về Tập đoàn FPT (Mã: FPT), VDSC dự báo hoạt động xuất khẩu phần mềm vẫn là đầu tàu tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 của tập đoàn.

Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng trong chi tiêu CNTT của các doanh nghiệp tại Mỹ và EU sẽ tiếp tục giảm tốc do quá trình thắt chặt tín dụng của Fed, vốn đã phát tín hiệu ở doanh số ký mới trong quý III.

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản đang tăng tốc vào năm 2023 nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số của các khách hàng đang trên đà phục hồi tốt. Vì thế, đơn vị phân tích ước tích tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm của mảng này lần lượt là 24%, 22% so với cùng kỳ.

Đối với mảng CNTT trong nước, doanh thu có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ từ nền thấp năm ngoái, bên cạnh nhu cầu phục hồi từ khối tài chính ngân hàng và tiến độ chuyển đổi số của khối Chính phủ cũng được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận trước thuế ở mức thấp 8%, do việc bàn giao các dự án chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp tư nhân chậm lại và tỷ trọng doanh thu từ khách hàng khối Chính phủ cao hơn.

Về khối viễn thông, PayTV và dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp (DC, thuê kênh riêng) duy trì tăng trưởng lần lượt 15%, 20% so với cùng kỳ về doanh thu, trong khi dịch vụ băng thông rộng tăng trưởng chậm 6% so với cùng kỳ do thị trường bão hòa.

Ước tính, lợi nhuận mảng này tăng trưởng 21% so cùng kỳ khi tập đoàn quản lý chi phí chặt chẽ hơn và không còn chi phí lớn liên quan tới đầu tư bản quyền truyển hình như đầu năm.

Trước những phân tích trên, VDSC dự báo, CAGR (tăng trưởng kép) 3 năm của lợi nhuận sau thuế từ năm 2023 - 2026 của FPT có thể đạt 23% nhờ: Lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp cùng lượng nhân công lớn trải khắp các múi giờ của FPT Software; Xu hướng áp dụng chuyển đổi số vẫn tăng trưởng cao sẽ giúp đảm bảo doanh số mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai.

 Trụ sở tập đoàn FPT tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).

Khối kinh doanh quốc tế là động lực tăng trưởng của CMC 

Về Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG), VDSC dự báo, khối kinh doanh quốc tế sẽ là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của tập đoàn với động lực từ mở rộng quy mô và nhu cầu cao của các thị trường chính.

Với việc liên tục mở rộng thị trường đã không chỉ giúp cho khối này giảm thiểu được các tác động tiêu cực từ xu hướng thắt chặt đầu tư CNTT quốc tế mà thậm chí còn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 62%, 24% so với cùng kỳ trong năm tài chính 2022 và đóng góp ngày càng quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận.

Bên cạnh thị trường chính là Hàn Quốc, việc công ty mở rộng quy mô tại thị trường Nhật cùng với xu hướng các doanh nghiệp tại quốc gia này bắt đầu tăng tốc đầu tư chuyển đổi số hậu đại dịch sẽ mang đến triển vọng tích cực trong năm 2023. Trong năm nay, lợi nhuận trước thuế khối này có thể tăng trưởng 42% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, khối giải pháp công nghệ (GPCN) được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng với định hướng tăng doanh thu liên quan tới chuyển đổi số.

Theo đơn vị phân tích, khối GPCN (cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp trong nước) chưa ghi nhận nhiều doanh thu số khi biên lợi nhuận trước vẫn đang ở mức rất thấp (2%) trong nhiều năm trở lại đây.

Song, đây cũng là tiềm năng để khối này phát triển vẫn còn dồi dào, nhất là khi CMC định hướng tăng cường cung cấp các giải pháp và dịch vụ tư vấn chuyển đổi số.

Trong năm 2022, khối này ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13%, 16% so với cùng kỳ, có phần vượt trội hơn so với đối thủ FPT IS khi nền tăng trưởng dịch vụ chuyển đổi số của CMG vẫn còn thấp. Cho năm tài chính 2023, VDSC dự phóng lợi nhuận trước thuế khối này tăng trưởng 11% so với cùng kỳ.

Đồng thời, đơn vị phân tích cũng cho rằng, nhu cầu được đảm bảo nhờ cung cấp các dịch vị viễn thông chuyển đổi số và hiệu suất cao hơn của DC Tân Thuận giúp khối hạ tầng số ghi nhận tăng trưởng cao.

VDSC dự báo tăng trưởng kép (CAGR) của lợi nhuận trước thuế của tập đoàn trong giai đoạn 2023 – 2026 đạt 27%, khi các trụ cột kinh doanh đều hướng tới việc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi không chỉ ở trong nước và còn trên thị trường quốc tế, vốn có tiềm năng tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm tới.

Lâm Anh