Long Châu chiếm 61% nguồn thu quý I của FPT Retail, chuỗi FPT Shop lỗ thấp nhất 5 quý
Quý I, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) ghi nhận 9.042 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 24% chỉ tiêu của năm.
Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu mang về 5.534 tỷ đồng doanh thu, tăng 68% so với cùng kỳ và đóng góp 61% vào doanh thu FPT Retail. Doanh thu trên nhà thuốc mỗi tháng đạt 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu giảm 21% so với quý I/2023 còn 3.583 tỷ song FPT Retail cho biết FPT Shop giảm lỗ thấp nhất trong 5 quý trở lại đây nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, giúp lãi gộp tăng 3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chuỗi đã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt giúp chi phí tài chính giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Doanh thu online ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ lên 1.555 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, FPT lãi trước thuế 89 tỷ, gấp 43 lần so với mức thấp của cùng kỳ 2023 và thực hiện được 71% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế là 61 tỷ, gấp 30 lần quý I/2023 còn lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 39 tỷ, cùng kỳ lỗ ròng 5 tỷ đồng.
Tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, đánh giá về thị trường bán lẻ hàng công nghệ thời gian tới, CEO Hoàng Trung Kiên chia sẻ: "Chúng tôi có nhận định tương đồng với các đơn vị nghiên cứu và đơn vị khác, là còn nhiều bất ổn và khó khăn. Thị trường dự kiến đi ngang, quý I có thể tăng do cao điểm và quý II lại xuống thấp".
Tổng Giám đốc FPT Retail cũng cho biết thêm: "Biên lãi gộp FPT Shop khoảng 8%, rất khó khăn để hoạt động và ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Việc đưa thêm hàng hóa mới và nỗ lực giảm chi phí đã đưa biên lãi gộp lên hơn 10% và tạo ra một điều tích cực hơn rất nhiều".
Cuối quý I, FPT Retail có tổng cộng 1.587 nhà thuốc Long Châu, tăng 90 cơ sở so với đầu năm. Số trung tâm tiêm chủng là 51, tăng 41 đơn vị so với đầu năm.
FPT Retail hướng đến mục tiêu 1.900 nhà thuốc cuối năm 2024. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phát triển mạng lưới trung tâm vắc xin với 3 mô hình: shop in shop, side by side và cửa hàng độc lập.
Trái lại chuỗi FPT Shop giảm 12 cửa hàng kém hiệu quả sau một quý còn 743 cửa hàng đồng thời từng bước tối ưu chi phí hoạt động.
Tại ngày 31/3, quy mô tài sản của FPT Retail là 12.637 tỷ đồng. Trong đó, công ty nắm giữ khoản tiền, tiền gửi ngân hàng khoảng 2.444 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho, ghi nhận giảm 11% sau một quý còn 7.537 tỷ.
Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 7.217 tỷ, hoàn toàn là vay ngắn hạn, giảm 11% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 1.780 tỷ bao gồm 276 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.