|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ FPT Retail: Kế hoạch lãi trăm tỷ, chào bán 10% cổ phần Long Châu

14:55 | 17/04/2024
Chia sẻ
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu chuyển từ lỗ sang có lãi 125 tỷ đồng, đồng thời mở rộng nhanh hệ thống nhà thuốc Long Châu và trung tâm tiêm chủng.

Chiều ngày 17/4, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã : FRT) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về kết quả kinh doanh, định hướng phát triển 2024 và một số nội dung khác.  

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp nói "công ty có định hướng mới, trở thành một công ty healthcare, hệ sinh thái về sức khỏe. Đây là mảng cực kỳ lớn và tiềm năng".

Vòng đời sức khỏe của con người đi từ y tế dự phòng, sau đó là chuẩn đoán, điệu trị, nhà thuốc và chăm sóc tại nhà, vấn đề bảo hiểm. Với các điểm chạm này cần điểm bán trực tiếp, website, app, mạng xã hội, tổng đài…

"Hiện Long Châu đã có một số điểm chạm trong vòng đời này, như hệ thống nhà thuốc, hệ thống tiêm chủng và dịch vụ Long Châu 24/7 dự kiến ra mắt cuối quý III", bà Điệp nói về các dịch vụ của công ty trong hệ sinh thái về sức khỏe. 

 Phiên họp cổ đông của FPT Retail. Ảnh: HL.

Dịch vụ Long Châu 24/7 là dịch vụ khám sức khỏe tại nhà cho khách hàng, bởi 60% khách hàng Long Châu hiện liên quan đến bệnh mãn tính. Sau đó công ty có thể cung cấp dịch vụ bác sĩ từ xa hay dịch vụ bảo lãnh.

Hai phân khúc FPT Retail chưa lên kế hoạch là thị trường trung tâm xét nghiệm (quy mô 1 tỷ USD) và thị trường điều trị (quy mô 10 tỷ USD). Người đứng đầu doanh nghiệp nói Long Châu vẫn có ý định tham gia để khép kín hệ sinh thái phục vụ sức khỏe con người.

"Trong tương lai sẽ triển khai thêm các dịch vụ dinh dưỡng, phòng gym, chăm sóc sắc đẹp trong toàn bộ hệ sinh thái sức khỏe, dựa trên thế mạnh là tập khách hàng đông đảo và ứng dụng công nghệ AI để mang lại hiệu quả", bà Điệp tiết lộ. 

Lãnh đạo FPT Retail nói để thực hiện chiến lược mở rộng vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trên, công ty có ý định huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ 10%.

PHIÊN THẢO LUẬN

Chuỗi FPT Shop

1, Kinh doanh điện thoại khó khăn có nên đóng bớt cửa hàng vật lý và chuyển sang online?

Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên: Công tác rà soát luôn được thực hiện, công ty tập trung nâng cao các shop hiệu quả và dừng mở mới, tập trung các ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn mặt hàng truyền thống duy trì.

Việc chuyển đổi online là xu hướng chung, công ty phải chuyển đổi và hướng đến mức 30% doanh thu.

2, Quan điểm về cầu tiêu dùng ICT trong thời gian tới?

CEO Hoàng Trung Kiên: Chúng tôi có nhận định tương đồng với các đơn vị nghiên cứu và đơn vị khác, là còn nhiều bất ổn và khó khăn, thị trường dự kiến đi ngang, quý I có thể tăng do cao điểm và quý II lại xuống thấp.

3, Tỷ trọng đóng góp mảng thiết bị gia dụng?

CEO Hoàng Trung Kiên: Hiện gia dụng điện máy chiếm 5% FPT Shop. Mục tiêu tới là tiếp tục đẩy mạnh, chúng tôi là người chơi mới nên tốc độ tăng trưởng cao 50-100%, có thể lên đến tỷ trọng 10% doanh thu trong năm nay, còn kết quả thực tế tùy từng mùa cao điểm, từng mặt hàng.

 Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên. Ảnh: FRT.

4, Cải thiện lãi gộp cho chuỗi? Á lực hàng tồn kho cao?

CEO Hoàng Trung Kiên: Biên lãi gộp FPT Shop khoảng 8%, rất khó khăn để hoạt động và ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Việc đưa thêm hàng hóa mới và nổ lực giảm chi phí đã đưa biên lãi gộp lên hơn 10% và tạo ra một điều tích cực hơn rất nhiều.

Lượng tồn kho cuối 2023 là mùa Tết nên có động tác trữ hàng hóa cho mùa cao điểm, sau đó đến quý I công ty đã điều chỉnh thời gian tồn kho về mức cơ bản cỡ 90 ngày. 

5, Biên lợi nhuận gộp sau cuộc chiến giá?

CEO Hoàng Trung Kiên: Trong giai đoạn chiến giá xuống 7-8%, hiện đã lên do cuộc chiến giá giảm bớt. Hiện tập trung vào tối ưu hóa chi phí hoạt động.

FPT Long Châu

1, Tại sao không đặt kế hoạch vượt 3.000 cửa hàng không?

Giám đốc điều hành Nguyễn Đỗ Quyên: Hiện thị trường có khoảng 45.000 nhà thuốc, giảm sau đại dịch khoảng 60.000 nhà thuốc. Hiện có nhiều nhà thuốc có doanh thu thấp và sản phẩm đơn giản.

Long Châu không có ý định thay thế các mô hình quá nhỏ của nhà thuốc truyền thống. Quy mô nhà thuốc Long Châu khoảng 1,1 tỷ đồng/tháng, gấp 5-8 lần các đơn vị tư nhân. Nếu mở 3.000 cửa hàng thì khoảng 15.000-20.000 tư nhân là đã phân nửa thị trường.

2, Rủi ro công ty khác bắt chước mô hình?

Giám đốc điều hành Nguyễn Đỗ Quyên: Mỗi năm có nhiều loại thuốc mới và kê toa luôn thay đổi. Việc đủ thuốc phải thu thập thông tin mỗi ngày, do đó đối thủ có thể bắt chước vài lần nhưng để bắt chước mỗi ngày là điều không dễ dang.

Khi vận hành hàng nghìn cửa hàng thì có thông tin và áp lực hàng tồn kho kinh khủng. Thực tế Long Châu đã sử dụng AI, bigdata… để đáp ứng khách hàng nên hàm lượng công nghệ rất lớn. Khi khách hàng hỏi 10 loại thuốc thì đáp ứng 9,5 loại nhưng lại không tăng hàng tồn kho.

Cuối cùng, Long Châu tiến thêm 1 bước đó là chuỗi được nhiều đối tác thuốc kê toa để ra mắt các thuốc mới, thuốc khó, thuốc hiếm. Long Châu nhờ độ phủ trở thành kênh phân phối nhiều thuốc ung thu ở nhiều tỉnh thành, chuỗi duy nhất phân phối thuốc tiêm hoocmon tăng trưởng cho trẻ em…

3, Thị phần trong ngành dược ra sao?

Giám đốc điều hành Nguyễn Đỗ Quyên: Hiện chưa có thống kê chính thức. Căn cứ số liệu của các nhà phân phối lớn thì Long Châu chiếm 60-70% kênh chuỗi bán lẻ tùy từng hãng.

4, Năm ngoái lượt khám chữa bệnh y tế tăng 15% lên 175 triệu lượt có làm giảm doanh số nhà thuốc không?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp: Đúng là có tăng trưởng lượt khám chưa bệnh y tế, nhưng do so sánh với mức nền thấp do đại dịch Covid-19. Công ty không rõ các chuỗi khác có bị giảm doanh thu vì vấn đề này hay không nhưng doanh thu các cửa hàng cũ của Long Châu vẫn tăng 10-15%.

 Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp nói về tham vọng trong ngành healthcare. Ảnh: HL.

5, Có rủi ro về siết chính sách bán hàng kênh nhà thuốc?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp: Tôi đang thấy các chính sách hỗ trợ các chuỗi nhà thuốc nhiều hơn, việc quản lý nhà thuốc cũng nhẹ nhàng hơn khi hóa đơn đầy đủ và tuân thủ tốt các quy định, giúp thị trường thuốc trở nên minh bạch, dược sĩ được thực hành nhiều hơn nên tư vấn tốt hơn, do đó Nhà nước ngày càng khuyến khích và cởi mở hơn với các nhà thuốc chuyên nghiệp.

 6, Dung lượng thị trường vắc xin và doanh thu?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp: Trước đây tỷ lệ bao phủ vắc xin chỉ 4-5% dân số. Hiện chỉ có vài shop trên 6 tháng, có shop cũ có loại thực thu và thực tiêm. Tính theo thực thu đạt 2,2 tỷ/shop và thực tiêm 1,5 tỷ/shop, tốt hơn các shop Long Châu. 

Công ty đã có mô hình rồi mở mới đồng loạt chứ không còn thử nghiệm. Công ty đã thử từ cuối năm ngoái, rút kinh nghiệm để triển khai số lượng lớn. Đến giữa tháng 5 đã đạt được 50 trung tâm, nếu mọi thứ thuận lợi sẽ đẩy nhanh mở trung tâm vắc xin. Điểm hòa vốn một trung tâm phụ thuộc lãi gộp, do đó phải tăng quy mô để đàm phán có lãi gộp tốt sẽ trả lời được điểm hòa vốn. 

Tập đoàn

1, Ước lợi nhuận quý I?

Giám đốc tài chính Phạm Duy Hoàng Nam: về doanh thu tăng trưởng khoảng 17% với Long Châu là động lực chính và FPT có lãi gộp cải thiện tốt, đồng thời cải thiện về chi phí hoạt động.

Lợi nhuận tập đoàn ít nhất 80 tỷ đồng, quý này là thuận lợi mùa Tết và các quý tới là thấp điểm. Công ty tự tin nếu không có quá nhiều bất ngờ thì có thể đạt được kế hoạch đề ra.

2, Có cần huy động vốn không?

Giám đốc tài chính Phạm Duy Hoàng Nam: Công ty bán lẻ thì nhu cầu huy động vốn rất lớn, nhưng công ty có nguồn tốt. Trong bối cảnh Long Châu phát triển nhanh và tham gia thị trường healthcare nên nhu cầu vốn lưu đông tiếp tục tăng trong tương lai.

Nhưng vốn/tổng tài sản tiếp tục tăng bởi công ty có lợi nhuận kinh doanh, thứ hai là có kế hoạch huy động vốn 10% Long Châu và các biện pháp giảm nợ vay. 

Tỷ lệ vốn/tổng tài sản còn thấp khoảng 13% là một tỷ lệ chưa tốt. Do đó việc huy động vốn giúp cán cân tài chính tốt hơn, có nguồn tiền đầu tư dài hạn và đầu tư vào các hướng đi mới như phòng khám, kho mới…

Kế hoạch lãi trăm tỷ

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục 37.300 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 125 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với kết quả lỗ năm ngoái.  

Lãnh đạo công ty nhìn nhận thị trường chung còn rủi ro và nhiều yếu tố bất định, thị trường bán lẻ nói chung cần thời gian để phục hồi. Mặt hàng ICT là hàng không thiết yếu nên nhu cầu mua sắm sẽ phục hồi chậm hơn, do đó công ty dự báo doanh thu chuỗi FPT Shop sẽ đi ngang trong năm 2024. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Công ty đã đóng một số cửa hàng FPT Shop cuối năm ngoái và dự kiến đánh giá lại hoạt động từng cửa hàng để đóng thêm các điểm bán không hoạt động tốt; song song đó sẽ đưa thêm các sản phẩm gia dụng, điều hòa, sim thương hiệu FPT...

Đối với mặt hàng dược phẩm, đây là hàng hóa thiết yếu và thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Long Châu đã mở rộng nhanh chuỗi cửa hàng cũng tập khách hàng, qua đó tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số về mặt doanh thu.

Công ty bán lẻ này đặt mục tiêu sẽ mở mới thêm 400 cửa hàng Long Châu trong năm nay để đưa tổng số lên khoảng 1.900 điểm bán; đồng thời dự kiến phát triển 100 trung tâm vắc xin mới để hình thành hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe. 

Năm ngoái, FPT Retail gặp khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng nặng từ sự sụt giảm nhu cầu mua sắm đối với các mặt hàng điện tử và quá trình đầu tư lớn để mở rộng chuỗi Long Châu. Công ty theo đó bị lỗ sau thếu 329 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp nói cần đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh cũng như tiếp tục mở rộng chuỗi dược phẩm và các thử nghiệm mới, công ty sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2023.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua. 

Huy Lê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.