CEO FPT: Chúng tôi chuẩn bị cho sự khó khăn của 2025 bằng 2023 và 2024 cộng lại
Tại toà đàm về “Bức tranh Kinh tế xu thế toàn cầu, cơ hội Việt Nam” diễn ra chiều 23/12, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, đưa dự báo 2025 sẽ là năm khó khăn”. Ông nói: “Chúng tôi chuẩn bị cho sự khó khăn của 2025 bằng khó khăn của 2023 và 2024 cộng lại”.
Ông Khoa cho biết năm 2024, những cuộc chiến tranh, bầu cử Tổng thống Mỹ, bất ổn chính trị Trung Đông,… khiến thế giới có thể bị tê liệt lần nữa do gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì vậy, bài toán năm 2025 khó đoán định và “phải tìm cơ hội trong khó khăn”.
Chuẩn bị tâm thế cho năm khó khăn
Để đi qua giai đoạn khó khăn và tìm thấy cơ hội, lãnh đạo FPT đưa ra loạt giải pháp. Thứ nhất, hình thành doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt nền kinh tế. Ông Khoa định nghĩa doanh nghiệp dân tộc là những doanh nghiệp, doanh nhân đi cùng với nhau trong cùng một hệ sinh thái, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái làm việc văn minh, minh bạch.
Thứ hai, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cần tham gia đề xuất điều luật để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp. Dẫn số liệu từ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Khoa cho biết trong 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng không có luật để thúc đẩy phát triển.
“Làm thế nào để có điều luật giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phát triển? Hội doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ để có ý kiến mạnh mẽ hơn nữa. Những thay đổi này giúp chúng ta tìm ra cơ hội”, Tổng Giám đốc FPT nhấn mạnh.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần bắt tay vào ứng dụng khoa học công nghệ và dữ liệu để đưa vào chiến lược phát triển của mình. Bên cạnh đó, là phát triển nguồn nhân lực.
Trước đó cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu, và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Ông Khoa đánh giá có hai loại dữ liệu: Dữ liệu được nhà nước quản lý và dữ liệu nằm trong tay tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… nhưng bị phân tán. “Chúng tôi tham mưu đề án 175 của Chính phủ để quản lý dữ liệu ấy”, người đứng đầu FPT tiết lộ.
Cuối cùng, theo ông Khoa là doanh nghiệp Việt cần lựa chọn theo đuổi con đường chuyển đổi số. Bằng chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể giảm từ 4-8% thời gian, tiền bạc. “Hiện nay, ngành nông nghiệp chưa làm được truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chỉ có con đường sử dụng công nghệ”, ông nói.
Xu hướng thế giới dẫn dắt doanh nghiệp Việt
Cũng tại buổi toạ đàm, ông Khoa tin tưởng công nghệ sẽ dẫn dắt thế giới trong năm tiếp theo và trong nhiều năm nữa. “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm logistics của châu Á - Thái Bình Dương. Ai đã đến Vũng Tàu sẽ thấy lòng biển sâu, toàn đá, là kho chứa khí tuyệt vời. Hiện, chúng ta thấy có dòng chảy logistic từ Tiểu Vương quốc Ả rập sang Việt Nam”, vị Tổng Giám đốc chia sẻ.
Người điều hành tập đoàn FPT nói nếu Việt Nam ứng dụng công nghệ sẽ có những cảng biển không thua kém Singapore.
“Nếu ai sang Singapore sẽ thấy họ vận hành toàn bộ cảng biển bằng công nghệ cách 20 năm trước. Nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ vào vận hành cảng biển sẽ làm chủ được các cảng biển, trở thành điểm đến của thế giới”, ông dự báo.
Ông Khoa cũng nhắc đến xu hướng trí tuệ nhân tạo đang thay đổi các doanh nghiệp trên toàn cầu. Lấy dẫn chứng năm 1995 thế giới có Word, Excel, năm 2000 có internet,… ông Khoa nhấn mạnh hiện tại nhân loại một lần nữa thay đổi nhờ AI.
“‘Quái kiệt AI’ Yoshua Bengio từng nói: AI không cướp việc của con người. Theo tôi, bước đầu, doanh nghiệp cho doanh nhân đi học về AI. 60% nội dung hiện nay trên internet tạo ra bằng AI. AI đưa ra các phương pháp luận, chủ đề tranh luận trên mạng xã hội. Tháng 7/2024 tôi dự hội thảo AI Trung Quốc thì Trung Quốc cung cấp mã định danh AI để phân biệt tốt, xấu”, ông Khoa thông tin về sức mạnh của AI trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc trấn an “đừng quá sợ AI” và “cũng đừng nghĩ AI làm tất mà AI là trợ lý giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động. AI sẽ đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình. 4.000 kỹ sư AI của chúng tôi đang phục vụ nước ngoài là chính, doanh nghiệp Việt Nam chưa ứng dụng được, khiến chúng tôi xót cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Khoa chia sẻ.