Bức tranh sáng của ngành dược phẩm nửa đầu năm
Trước tác động của đại dịch COVID-19, ngành dược Việt Nam trong hai năm vừa qua gặp không ít khó khăn khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, cùng đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt của Chính phủ, thị trường dược phẩm bị trì trệ nặng nề.
Đến năm 2022, khi dịch bệnh dần qua đi, cùng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vắc xin, bổ sung gói kích thích kinh tế mới và chuyển trạng thái thành sống chung an toàn với dịch, ngành dược được dự báo sẽ từng bước phục hồi trở lại.
Nửa đầu năm, hầu như doanh thu thuần của các công ty dược phẩm đang niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận tăng trưởng, nhưng không quá đột biến, đều dưới mức tăng 30%.
Trong đó, Dược phẩm OPC (Mã: OPC) là đơn vị báo doanh thu tăng với 26% lên 595 tỷ đồng. Ngoài ra, Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Traphaco (Mã: TRA) và Hóa – Dược phẩm Mekophar cũng báo mức tăng trưởng hai chữ số, lần lượt là 11%, 19% và 19%.
Theo thống kê, Dược phẩm Vimedimex, Dược Hà Tây (MÃ: DHT), Dược phẩm TW 25 (Mã: UPH) và Dược liệu Phardemic (Mã: PMC) là các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu sụt giảm. Trong đó, Vimedimex giảm hơn một nửa về 3.707 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu từ Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đi xuống. Dù vậy, Vimedimex vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu doanh thu trong 11 đơn vị dược phẩm được thống kê.
Xét về lợi nhuận của các đơn vị niêm yết, Dược Hậu Giang tiếp tục là cái tên số 1 của ngành. Dược Hậu Giang, Traphaco hay Dược phẩm OPC đều có kết quả nửa đầu năm tích cực, với mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 21%, 39% và 28%.
Riêng CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) báo lãi sau thuế tăng trưởng 109% so với cùng kỳ, là doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các đơn vị được thống kê. Nguyên nhân là doanh thu tăng mạnh, trong khi giá vốn gần như đi ngang với nửa đầu năm ngoái.
Ngược lại, Vimedimex, Tổng công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN), Dược Hà Tây và Dược phẩm TW 25 là các doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Dược phẩm Lâm Đồng sau khi về tay nhóm Louis thì lỗ đậm hơn 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Nguyên nhân là dù doanh thu tăng 2%, nhưng phải chịu các chi phí tăng mạnh như chi phí liên quan hoạt động chứng khoán (11 tỷ), chi phí lãi trái phiếu (2,5 tỷ) và chi phí bán hàng, quản lý.
Còn Dược Việt Nam giải trình nguyên nhân lợi nhuận tụt dốc là do tổng công ty phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tại một số công ty thành viên trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh về điểm số và tính thanh khoản cùng với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
Trong báo cáo cập nhật ngành dược phẩm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định triển vọng ngành vẫn tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ các tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số và mức nền thấp.
Hiện các chuỗi nhà thuốc hiện đại như Pharmacity, Long Châu, An Khang đang tăng tốc mở mới gần 1.000 cửa hàng thuốc giúp cho doanh thu kênh OTC (thuốc không kê đơn) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Cùng với 56.000 cửa hàng thuốc truyền thống, VDSC cho rằng sẽ còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đẩy mạnh doanh thu từ kênh bán lẻ.
Kênh ETC (thuốc kê đơn) cũng được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ số lượng các bệnh viện xây dựng mới nhiều hơn. Giai đoạn 2016 - 2020 đã có thêm 121 bệnh viện được xây dựng mới.
Fitch Solutions dự báo doanh thu dược phẩm kênh ETC/OTC năm 2022 và 2026 đạt lần lượt 118.000 tỷ đồng/36.700 tỷ đồng và 166.000 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép bốn năm là 9%/7%.
Về dài hạn, dân số Việt Nam có xu hướng già hóa là điều kiện thuận lợi cho ngành dược. Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người theo thời gian sẽ được cải thiện, tăng trưởng kép 5 năm từ 2022 – 2026 đạt 6%. Theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm năm 2021 là 1,5 triệu đồng và dự báo vào năm 2026 sẽ đạt 2,1 triệu đồng, mức tăng trưởng kép 7,7% trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên ngành dược phẩm cũng đối mặt với các thách thức mới như nguyên liệu hoạt tính (API) - vốn chiếm 51% giá thành sản xuất thuốc - vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc nhập khẩu đang khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và các biến động tỷ giá.
Thuốc ngoại cũng đang chiếm lĩnh kênh bán hàng qua bệnh viện. Giá trị trúng thầu thuốc kênh bệnh viện đạt 15.380 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, trong đó thuốc ngoại chiếm 67% và thuốc nội là 33%. Thuốc nội địa tuy có giá thành rẻ hơn nhưng chưa thể cạnh tranh vì chất lượng thấp hơn.
Trong trung dài hạn, VDSC đánh giá năng lực cạnh tranh của thuốc nội sẽ được cải thiện vì Bộ Y Tế đang ưu tiên sử dụng thuốc nội đạt tiêu chuẩn để tiết kiệm chi phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế xã hội.