|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp sớm vượt chỉ tiêu lợi nhuận

07:13 | 08/08/2022
Chia sẻ
Căng thẳng Nga-Ukraine tạo cơ hội cho doanh nghiệp phân bón Việt Nam gia tăng xuất khẩu, hưởng lợi khi giá đạt đỉnh 50 năm. 6 tháng đầu năm, loạt các doanh nghiệp báo lãi khủng và đã về đích kế hoạch năm.

Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi trước căng thẳng Nga-Ukraine

Trong những tháng đầu năm, căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến nguồn cung phân bón cho thế giới bị gián đoạn, giá mặt hàng này lập đỉnh trong vòng 50 năm qua.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết: "Thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung phân bón nặng nề cho đến khi căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt. Việc gián đoạn nguồn cung ure từ Nga đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như Phân bón Cà Mau, Đạm Phú Mỹ..."

Đại diện FAV đánh giá đây là cơ hội với doanh nghiệp Việt bởi theo công suất thiết kế thì 4 nhà máy sản xuất phân ure của Việt Nam khoảng 2,6 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt được xu thế, điều này được thể hiện trong kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt gần 1 triệu tấn, tương đương 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 646 USD/tấn. Riêng trong tháng 6 giá xuất khẩu phân bón đã nhích 2,5% so với 5, lên 679 USD/tấn.

Lợi nhuận doanh nghiệp thăng hoa

Việc các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khi giá cao đã giúp kết quả kinh doanh 6 tháng của nhiều công ty vượt kế hoạch.

Theo đó, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM) ghi nhận doanh thu thuần trong quý II đạt 5.013 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.291 tỷ đồng, tăng 86%. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tổng công ty đạt 10.842 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 3.417 tỷ đồng, tăng 122% về doanh thu và gấp gần 4 lần về lợi nhuận.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 17.239 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.473 tỷ đồng. Kết thúc hai quý đầu năm, tổng công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 98% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

 Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.

Tương tự như đạm Phú Mỹ, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, Mã: DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của Đạm Cà Mau tăng trưởng 73% lên 4.084 tỷ đồng so với quý II/2021, chủ yếu nhờ doanh thu bán urê. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.039 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021, lãi nhuận sau thuế đạt 2.556 tỷ, gấp 5,7 lần cùng kỳ.

Năm nay, Đạm Cà Mau nâng mục tiêu doanh thu hợp nhất lên 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và vượt 4 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm. 

Đại diện Đạm Cà Mau cho biết nửa đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432.380 tấn, đạt 56% mục tiêu năm và tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản lượng urê xuất khẩu chiếm gần 50% với 200.000 tấn, các thị trường xuất khẩu truyền thống bao gồm Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh. Công ty chủ yếu xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng cao.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định 6 tháng cuối năm, ngành phân bón sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình.

Mặt khác, tình hình chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu, giá năng lượng lên cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, giá nông sản thấp chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng.

Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp. 

Một cái tên khác khá nổi bật trong bảng thống kê kết quả kinh doanh ngành phân bón là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, Mã DHB). Đây là doanh nghiệp quy mô tầm trung nhưng tận dụng tốt cơ hội trong 6 tháng đầu năm, chuyển lỗ thành lãi.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của Đạm Hà Bắc đạt 1.601 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021; lãi sau thuế đạt 478 tỷ đồng trong quý II/2021 lỗ 160 tỷ đồng.

Đại diện công ty cho biết diễn biến thị trường thuận lợi, giá urê và NH3 trong nước và thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả đã giúp công ty chuyển lỗ thành lãi.

Lũy kế 6 tháng, Đạm Hà Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.547 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế khoảng 1.346 tỷ đồng, chuyển biến mạnh so với khoản lỗ 409 tỷ trong nửa đầu năm 2021.

Năm 2022, doanh nghiệp mục tiêu đạt 4.498 tỷ đồng doanh thu và 8,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với 478 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đạt 79% kế hoạch doanh thu và gấp 54 lần mục tiêu lợi nhuận năm.

Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp. 

Ngoài những cái tên kể trên, các doanh nghiệp khác như phân bón DAP Vinachem, Phân bón miền Nam đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Riêng, phân bón Bình Điền và Supe Lâm Thao là hai doanh nghiệp trong nhóm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận quý II giảm nhẹ, song kết quả chung nửa đầu năm vẫn khả quan.

Có nên thống nhất thuế xuất khẩu 5% cho các loại phân bón?

Thời gian qua, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cùng với diễn biến dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu sử dụng ở mức cao.

Nhiều quốc gia đã hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ lại nguồn cung cho thị trường nội địa. Điều này khiến giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao.

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Trao đối về vấn đề này, ông Phùng Hà cho rằng cần đánh giá, có mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón và chỉ áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu.

“Một số loại phân bón đã dư thừa nguồn cung trong nước như ure, NPK, cần khuyến khích xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Hà nói.

Hiện, khả năng sản xuất phân bón NPK hiện nay mới chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế, điều này có nghĩa doanh nghiệp sản xuất chưa phát huy hết tiềm năng hiện có.

Nếu tăng thuế xuất khẩu NPK từ 0 lên 5%, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này phải đối mặt với khó khăn khi cầu trong nước yếu, cung dư thừa, đồng thời làm giảm động lực xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho ngân sách.

Ở một khía cạnh khác, khi tăng thuế xuất khẩu sẽ kéo theo giá NPK xuất khẩu tăng thêm 30-60 USD/tấn, điều này làm giảm sức cạnh tranh với phân bón cùng chủng loại từ Trung Quốc, Thái Lan...

Như vậy, trong nhóm sản phẩm phân bón được đề xuất thuế xuất khẩu 5%, NPK sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Còn các mặt hàng ure, lân nung chảy không chịu tác động vì vốn dĩ các loại phân bón này đang chịu thuế xuất khẩu 5%.

Đại diện FAV kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh thuế xuất khẩu phân bón linh hoạt và đúng thời điểm.

“Việc áp thuế xuất khẩu 5% chỉ nên áp dụng tạm thời, trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, khi giá thế giới tăng quá cao”, ông Phùng Hà nói.

Phạm Mơ

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.