Giá vật tư, phân bón tăng cao, nông dân nhiều vùng thua lỗ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra giải pháp gì?
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho biết giá của nhiều loại phân bón tăng 200% trong khi giá bán nông sản thấp, có thời điểm không tiêu thụ được.
Điển hình như mặt hàng thanh long, nông dân sản xuất không có lãi, người dân phá bỏ diện tích trồng thanh long, chuyển sang các loại cây khác, hoặc người dân bỏ hoang đất vì sản xuất thua lỗ. Đại biểu đặt vấn đề về giải pháp kiểm soát giá vật tư đầu vào, phân bón.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng một số vật tư đầu vào vẫn phụ thuộc nhiều vào thế giới, nông dân phải chịu giá cao.
Sau khi nắm bắt tình hình, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp phân bón để thuyết phục họ không tăng giá. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi theo nền kinh tế thị trường nên chúng ta không thể áp đặt doanh nghiệp bằng các mệnh lệnh hành chính.
Bộ trưởng cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là chuyển đổi sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp làm phân bón...
“Bà con Tây Nguyên nói rằng khi tuần hoàn được các chế phẩm sinh học từ vườn tước, chất lượng cà phê tốt hơn, giá cao hơn, dù ban đầu sản lượng còn thấp. Đây không chỉ là cách làm đối phó mà là giải pháp lâu dài để chúng ta hữu cơ, sinh học quá nền nông nghiệp”, ông Hoan khẳng định.
Trước thực trạng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có thói quen sử dụng hữu cơ như ở miền Bắc và miền Trung, Bộ trưởng cho biết sáng nay Bộ đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở NN&PTNT để bàn về nhiều vấn đề còn tồn tại.
Theo Bộ TrưởngLê Minh Hoan, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được “giao” nhiệm vụ sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa nên người ở đây đã quen làm nhiều vụ, sử dụng phân vô cơ để tăng năng suất. Tại đây "đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện".
“Để thay đổi tập quán không phải dễ vì giữa các đại lý vật tư phân bón với nông dân có mối quan hệ ràng buộc như một khế ước ngầm. Do đó, ĐBSCL phải tổ chức lại ngành hàng, sản xuất, vận động nông dân vào hợp tác xã”, Bộ trưởng nói.
Về câu chuyện nhiều nông dân phải phá bỏ vườn thanh long vì giá bán xuống thấp, chi phí sản xuất tăng cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng trong 70.000 hộ trồng thanh long, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn.
Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã, vựa thu mua đã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định. Hiện, Bộ NN&PTNT đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào.