|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang khối RCEP: 'Miếng bánh ngọt' hấp dẫn nhưng không dễ ăn

16:40 | 30/05/2022
Chia sẻ
Sau khi hiệp định RCEP có hiệu lực, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế... Tuy nhiên, bài toán an toàn thực phẩm, thương hiệu, logisitics vẫn là rào cản của doanh nghiệp Việt.

Hiệp định RCEP mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp

Hiện, Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên của hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đây là con số thống kê được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra trong hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP năm 2022.

Ngay từ khi có hiệu lực vào 1/1/2022, hiệp định RCEP đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.

Việc nới lỏng các quy tắc xuất xứ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia Trung Quốc.

Hiệp định RCEP có sự tham gia của 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. (Ảnh: VIR)

Dù vậy, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh ở một thị trường cạnh tranh như khối RCEP, các doanh nghiệp vẫn phải tìm hiểu quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối.

Đồng thời,đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Thực tế, cơ hội xuất khẩu thủy sản vào các thị trường thuộc khối RCEP là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp có tận dụng được lợi thế và các FTA hay không còn phụ thuộc vào sự am hiểu và khả năng đáp ứng quy định của từng thị trường.

Người Nhật đề cao tính an toàn, tiện lợi

Ông Nguyễn Mạnh Đồng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết đảo quốc Nhật Bản hạn chế về diện tích đất nông nghiệp nên người dân ở đây coi biển cả là nguồn cung cấp thực phẩm chính. Hơn 90% thủy sản khai thác, nuôi trồng nội địa được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho hơn 125 triệu dân, Nhật Bản đang tăng cường nhập khẩu thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm cá, tôm, lươn, mực, cá ngừ, cá hồi…

Ông Đồng cho biết hiện Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, bao gồm hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Do vậy, dư địa và cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản sang thị trường này là rất lớn.

Ông Đồng cho biết Nhật Bản là một trong những nước nhập khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, đồng thời cũng là một thị trường khó tính bậc nhất. Đối với thủy sản nhập khẩu, người Nhật chú trọng cao về tính an toàn của sản phẩm.

“Người Nhật có thu nhập cao, ý thức chăm sóc sức khỏe nên họ luôn đòi hỏi cao về chất lượng và độ tươi ngon của thủy sản.

Đặc biệt với người lớn tuổi, họ quan tâm đến tiêu chí an toàn hơn cả giá bán”, ông Đồng nhấn mạnh.

Ngoài yếu tố an toàn, người Nhật cũng đề cao tính tiện lợi trong các sản phẩm thủy sản. Bởi, công việc bận rộn khiến người Nhật ưa chuộng các sản phẩm sơ chế, chế biến sẵn như cá rút xương được đóng gói trong các túi cỡ vừa, nhỏ và bán rộng rãi ở các siêu thụ và cửa hàng tiện lợi ở nước này.

Một yếu tố khác là do tác động của quá trình đô thị hóa nên quy mô các hộ gia đình của Nhật Bản ngày càng bị thu hẹp lại, hơn 1/3 số hộ gia đình chỉ có một thành viên, yếu tố tiện lợi càng được chú trọng trong cuộc sống hiện đại.

 Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng mạnh sau 2 năm sụt giảm vì dịch COVID-19. (Ảnh: Fimex)

Ngoài ra, thói quen tiêu dùng “mùa nào, thức nấy” của người Nhật cũng là một lưu ý cho doanh nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản ở Nhật Bản có quanh năm tuy nhiên quan niệm tiêu thụ thủy sản theo mùa vẫn phần nào ảnh hưởng và tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân Nhật.

Từ những đặc điểm trên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tươi sống, chế biến sang thị trường này cần thực hiện tốt luật an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có quy định không sử dụng kháng sinh và chất tổng hợp bị cấm.

“Nếu một lô hàng của doanh nghiệp vi phạm, trước tiên lô hàng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại cho người bán. Sau đó, Nhật Bản sẽ tăng cường kiểm dịch với tất cả sản phẩm cùng loại, không riêng của doanh nghiệp vi phạm, mà còn cả các doanh nghiệp khác của nước xuất khẩu”, ông Đồng cảnh báo.

Việc thị trường Nhật Bản tăng tần suất kiểm dịch làm tăng chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Do vậy, ông Đồng khuyến cáo các công ty xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản cần chú ý quy định này để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Giải bài toán thương hiệu ở thị trường Australia

Tương tự như ở thị trường Nhật Bản, khả năng cung cấp thủy sản nội địa của Australia chưa thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người dân.

Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết mỗi năm Australia tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thủy sản nhưng khai thác, sản xuất nội địa chỉ có thể đáp ứng 230.000 – 280.000 tấn.

Hiện nay, mức tiêu thụ thủy sản của người dân Australia khoảng 15 kg/năm và có xu hướng tăng dần. Dân số Australia đang ở mức 25 triệu dân và dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu dân vào năm 2050.

Do đó, thị trường Australia rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và gia tăng thị phần.

Trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang Australia ước đạt 35,5 triệu USD, tăng 60% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 128 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản sang Australia sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam ngày càng tăng”, bà Hường dự báo.

Tuy nhiên, thị trường càng tiềm năng thì mức độ cạnh tranh càng lớn. Bà Hường cho biết ngoài Việt Nam, Australia cũng tăng nhập khẩu thủy sản của Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Hơn nữa, các thị trường này đang tăng diện tích nuôi trồng để xuất khẩu vào Australia.

Một bài toán khác doanh nghiệp Việt chưa tìm ra lời giải ở thị trường Australia là vấn đề thương hiệu – yếu tố khẳng định giá trị, vị thế của thủy sản Việt Nam tại thị trường này.

Hiện, các sản phẩm thủy sản được đóng gói theo chữ và logo của nhà phân phối, chỉ có một dòng chữ nhỏ made in Vietnam”.

Để nâng cao tính cạnh tranh ở thị trường Australia, thương vụ Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo quy định an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và nhãn, chứng nhận xuất xứ. Đây chính là yếu tố gốc rễ có thể giúp thủy sản Việt Nam xây dựng thương hiệu ở Australia.

Đi sâu hơn vào các trung tâm thương mại của Trung Quốc

Nằm trong khối RCEP, thị trường Trung Quốc là một “miếng bánh” mà bất cứ quốc gia xuất khẩu thủy sản nào đều muốn giành lấy. Với địa thế “núi liền núi, sông liền sông” xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân cũng đang tăng trưởng mạnh, bất chấp chính sách Zero COVID.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 4, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc đã tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 216 triệu USD.

Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.

VASEP nhận định Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là trọng lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II.

 Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp Việt Nam đi sâu vào các trung tâm kinh tế của nước này. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Ông Chu Vĩnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Thần Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết từ trước đến nay, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vẫn dựa vào mảng biên mậu, giá trị lớn nhưng khu vực biên giới Tây Nam khó có thể lan tỏa đến các thành phố, vùng khác của Trung Quốc.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ chuyển dần về phía Thượng Hải.Chúng tôi đang xây dựng sàn giao dịch thực phẩm số với các chuỗi xuất nhập khẩu thương mại xuyên biên giới, giao dịch triển lãm, chuỗi cung ứng tài chính, dịch vụ”, ông Hưng nói.

Tương tự, bà Ngụy Giai Vĩ, đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu TP Trùng Khánh (Trung Quốc) cũng mong muốn các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đưa hàng thủy sản đến Trùng Khánh.

Với dân số khoảng 32 triệu người, mức sống cao, người tiêu dùng Trùng Khánh ưa chuộng các sản phẩm cá ngừ, ngao, cá rô phi... của Việt Nam.

Ngoài ra, một yếu tố then chốt là vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam – TP Trùng Khánh chỉ mất khoảng 8 – 10 tiếng, rất thuận tiện cho doanh nghiệp.

Bà Vĩ kỳ vọng sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn sang Trùng Khánh.

Phạm Mơ