|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận ngành thép sút kém, ngoài giá bán giảm còn nhiều lý do khác

12:34 | 09/08/2022
Chia sẻ
Giá bán thép thành phẩm đi xuống chỉ là một trong những nhân tố khiến lợi nhuận các doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, … đi xuống. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như tỷ giá biến động bất lợi hay chi phí vận tải lên cao.

Giá thép liên tục đi xuống trong ba tháng gần đây.

Giá bán đi xuống, giá vốn hàng tồn kho vẫn cao

Giá thép xây dựng nội địa liên tục tăng trong khoảng 4,5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép đã giảm 13 lần liên tiếp.

Việc giá thép đi xuống khiến cho doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp thép hao hụt.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết doanh thu thuần quý II năm nay đạt 37.422 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất của Hòa Phát kể từ quý III/2019.

Doanh thu của Hòa Phát tăng trưởng chậm lại do giá bán giảm trong nửa sau quý II.

CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) và CTCP Thép Pomina (Mã: POM) ghi nhận doanh thu thuần chỉ nhích lên lần lượt 2,7% và 0,3%. Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) còn báo cáo doanh thu thuần suy giảm.

Giá vốn hàng bán – tức là chi phí nhập nguyên vật liệu và sản xuất ra thép thành phẩm – chưa giảm do có độ trễ so với doanh thu. Kết quả là lợi nhuận gộp của hầu hết doanh nghiệp thép đều đi xuống.

 Lợi nhuận gộp ngành thép đi xuống vì giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn doanh thu.

Ngoài ra, lượng thành phẩm tồn kho cũng phải được định giá lại theo giá trên thị trường và trích lập dự phòng giảm giá để tuân thủ nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Chi phí của các doanh nghiệp vì thế mà đi lên.

Tại ngày 1/1 năm nay, Hòa Phát dự phòng giảm giá hàng tồn kho 236 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, khoản mục này đã tăng lên thành 762 tỷ đồng, tức hơn ba lần đầu năm.

Tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN), giá trị dự phòng với hàng tồn kho cũng tăng từ 86 tỷ lên 142 tỷ.

Nguyên liệu đắt đỏ

Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát ngày 24/5, tỷ phú Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép trong ba quý cuối năm 2022 sẽ rất “thê thảm”.

Theo ông Long, một trong những lý do là giá than luyện coke (nguyên liệu không thể thiếu của quá trình sản xuất thép bằng lò cao) tăng thêm tới 100 – 200 USD/tấn vì xung đột Nga – Ukraine.

Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất thép lớn. Khi chiến sự mới bùng ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.

Hòa Phát cho biết giá than vào tháng 12/2021 là khoảng 340 USD/tấn, đến tháng 3 đã tăng gần gấp đôi lên 670 USD/tấn. Do Hòa Phát thường nhập trước nguyên vật liệu khoảng 2-3 tháng nên giá than cao trong tháng 3 đã làm tăng đáng kể chi phí sản xuất trong quý II.

CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) cũng cho biết lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi việc giá than nửa đầu năm nay cao hơn 53% so với cùng kỳ 2021.

Chi phí vận tải nhảy vọt

Hòa Phát cho hay, các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với giá xăng dầu cao đã làm tăng chi phí vận chuyển.

Giá xăng dầu tăng cao làm chi phí vận tải đi lên theo.

Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý II năm nay tăng 205 tỷ đồng, tương ứng 61%, so với quý II/2021. Đây là một trong những nguyên nhân chính cho chi phí bán hàng tăng tới 79% lên 737 tỷ đồng.

Hoa Sen cũng ghi nhận chi phí xuất khẩu tăng gần 43% so với cùng kỳ lên mức 522 tỷ đồng mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 26,8% xuống còn 230.230 tấn thép thành phẩm.

Chứng khoán HSC cho biết tiêu thụ của Hoa Sen ở nước ngoài giảm xuống do lo ngại nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu tôn giảm 26,6% còn 223.393 tấn, xuất khẩu ống thép lao dốc 32,1% còn 6.837 tấn.

Thiệt hại từ biến động tỷ giá

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất ba lần với tổng mức tăng là 1,5 điểm %. Lãi suất tại Mỹ tăng lên khiến cho nhà đầu tư dồn tiền vào USD, làm USD mạnh hơn trước. Những doanh nghiệp đi vay bằng USD sẽ phải chịu gánh nặng nợ lớn hơn.

Ví dụ, khi tỷ giá đang là 20.000 đồng/USD, Tập đoàn O đi vay 1 tỷ USD, tương đương với 20.000 tỷ đồng. Khi USD mạnh hơn, tỷ giá tăng lên thành 25.000 đồng/USD, khối nợ 1 tỷ USD của Tập đoàn O trước đây sẽ có giá trị tương đương 25.000 tỷ đồng.

Khi giá trị nợ tăng lên, cho dù lãi suất là cố định thì chi phí lãi vay tính theo đồng Việt Nam cũng sẽ cao hơn trước.

Ngoài ra, việc USD mạnh lên còn khiến cho hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu gặp bất lợi.

Tương tự ví dụ trên, khi tỷ giá đang là 20.000 đồng/USD, Tập đoàn O muốn nhập khẩu 1 tỷ USD quặng sắt sẽ cần chi ra 20.000 tỷ đồng.

Khi tỷ giá tăng lên thành 25.000 VND/USD, Tập đoàn O muốn nhập 1 tỷ USD quặng sắt sẽ cần chi ra tới 25.000 tỷ đồng, mặc dù giá và lượng quặng sắt nhận được không đổi.

USD tăng giá so với VND trong 8 tháng đầu năm 2022.

Thép Pomina cho biết lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong quý II năm nay là 66,4 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước.

Với Hòa Phát, lỗ chênh lệch tỷ giá (chưa thực hiện và đã thực hiện) kỳ này là 1.270 tỷ đồng, gấp 6,4 lần con số của quý II/2021.

Tương tự tại Hoa Sen, lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng gần 123% lên 159 tỷ đồng. VNSteel và Thép Việt Đức (VG Pipe – Mã: VGS) cũng ghi nhận lỗ từ biến động tỷ giá cao gấp nhiều lần cùng kỳ 2021.

Tại ngày 31/12/2021, Hòa Phát đang vay ngắn hạn 927,3 triệu USD, vay dài hạn 61,5 triệu USD, và phải trả người bán 732 triệu USD. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập các loại nguyên liệu cho quá trình sản xuất thép như quặng sắt và than coke.

Vì vậy, Hòa Phát xác định biến động tỷ giá là một trong những rủi ro lớn đối với hoạt động của tập đoàn.

Để giảm bớt rủi ro tỷ giá, Hòa Phát phấn đấu mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng nguồn doanh thu bằng USD, qua đó cân bằng dòng ngoại tệ vào – ra. Việc tìm kiếm thêm thị trường ở nước ngoài còn giúp tập đoàn tăng doanh thu và sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh bán hàng trong nước có dấu hiệu chững lại.

Tỷ trọng xuất khẩu trên tổng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát tăng từ 28% trong quý I lên 36% trong quý II/2022.

Ngoài lỗ chênh lệch tỷ giá, một loại chi phí tài chính khác của nhiều doanh nghiệp thép cũng tăng lên trong quý II vừa qua là tiền lãi vay. Cụ thể, chi phí lãi vay của Hòa Phát tăng 19,5% lên đỉnh mới 717 tỷ đồng, của Pomina tăng từ 99 tỷ lên 123 tỷ. VNSteel và Ông thép Việt Đức cũng ghi nhận lãi vay cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đức Quyền - Song Ngọc