|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lợi nhuận giảm gần 60% trong quý II, điều gì sẽ vực Hoà Phát trở lại trong nửa cuối năm 2022?

20:00 | 01/08/2022
Chia sẻ
Việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ thép sẽ phục hồi mạnh.  Hiện biên độ giảm giá thép xây dựng đang thu hẹp dần. Giá bán thép xây dựng vẫn đang tiếp tục có những nhịp điều chỉnh giảm trong tháng đầu quý III/2022, tuy nhiên biên độ giảm giá đã co lại dần từ 300 đồng xuống còn 100-150 đồng.

Lời dự báo đã ứng nghiệm

Đúng như những gì tỷ phú Trần Đình Long dự báo trong cuộc họp với cổ đông hồi tháng 5, Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận kết quả kinh doanh quý II lao dốc khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 59% so với cùng kỳ xuống 4.023 tỷ đồng mặc dù doanh thu vẫn tăng nhẹ khoảng 6% lên hơn 37.700 tỷ đồng. 

 H.Mĩ tổng hợp từ BCTC CTCP Tập đoàn Hoà Phát

Luỹ kế nửa đầu năm nay, doanh thu của Hoà Phát đạt 82.118 tỷ đồng và lãi ròng 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Hoà Phát thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu (160.000 tỷ đồng) và khoảng 41% kế hoạch lợi nhuận (30.000 tỷ đồng).

Trước đó, xuất hiện nhiều tranh cãi giữa các cổ đông về việc tại sao Hoà Phát đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với thực hiện của năm 2021, nhất là trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư công trong năm nay sẽ là động lực lớn thúc đẩy tiêu thụ thép.  

"Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm", ông Long phát biểu tại ĐHĐCĐ 2022 diễn ra hồi tháng 4. 

Khó khăn của thị trường thép được phản ánh khá nhiều trong quý II khi giá thép liên tục giảm trong khi chi phí tăng lên. 

Theo đó, giá thép xây dựng bắt đầu giảm từ ngày 10/5 và theo sau đó là chuỗi 11 lần giảm liên tiếp (tính đến ngày 28/7), từ mức đỉnh khoảng 19.000 đồng/kg xuống còn trên dưới 16.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường chững lại.

Nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu (Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ...). Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. 

Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. 

Ngoài ra, nhiều yếu tố thuận lợi được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy ngành thép nhưng thực tế lại không như vậy.

Thị trường luôn chờ đợi những tín hiệu tích cực của làn sóng đầu tư công cho năm nay để giúp thúc đẩy nhu cầu thép nhưng tốc độ giải ngân lại quá chậm chạp. 

Theo ông Long: “Chưa có nhiệm kỳ nào chính phủ cam kết mạnh về thúc đẩy đầu tư công như nhiệm kỳ này và đây được xem là cứu cánh cho ngành thép. Thế nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công tương đương đối chậm chạp”.

Theo Bộ Tài Chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Ở thị trường thế giới, theo chủ tịch Hoà Phát, khi xung đột Nga - Ukraine mới bùng ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh do Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy.

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine không những không có lợi cho ngành thép mà còn khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. 

Xung đột giữa hai quốc gia bùng nổ từ từ tháng 2 khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu toàn cầu, đặc biệt là biến động giá than - một trong những nguyên liệu chính cho sản xuất gang thép bằng công nghệ lò cao. 

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, Hoà Phát cho biết giá than HCC liên tục lập đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 670 USD, tăng 96% so với tháng 12/2021 là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành sản xuất của Hòa Phát tăng mạnh. 

Giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý này tăng 31% so với quý II/2021 trong khi doanh thu chỉ tăng 6%.

Các lệnh trừng phạt của Châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý này tăng 205 tỷ, tương ứng 61% so với quý II/2021 giải thích cho chi phí bán hàng tăng mạnh ở mức 79%.

Biên lợi nhuận ròng của Hòa Phát giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, từ 27% xuống còn 11%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý IV/2019.

  H.Mĩ tổng hợp từ BCTC  CTCP Tập đoàn Hoà Phát 

Giá thép toàn cầu trải qua nhiều nhịp điều chỉnh giảm từ giữa quý 2. Lạm phát tại Mỹ và Châu Âu gây xói mòn sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này của Hòa Phát bị thu hẹp lại. Nhu cầu thép trong nước cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC). 

 Diễn biến giá thép HRC trong 1 năm trở lại đây. (Nguồn: Investing.com)

Giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập ở mức rất lớn là 575 tỷ. Đây là nguyên nhân thứ hai làm tăng giá vốn hàng bán và giảm biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát từ 33% quý II/2021 xuống còn 18% trong quý II/2022.

Chính sách tiền tệ thắt chặt với 4 lần liên tiếp tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát khiến giá USD tăng mạnh.

Với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cũng như lỗ từ đánh giá lại các khoản mục nợ gốc ngoại tệ kỳ này của Hòa Phát rất lớn, tăng 6,5 lần quý II/2021.

Chi phí đi vay tăng 118 tỷ tương ứng 20% do lãi suất cao cũng đồng thời cũng làm phồng lên chi phí tài chính của tập đoàn trong quý này.

6 tháng cuối năm có còn quá xấu?

Những thông tin xấu dường như đã phản ảnh khá nhiều trong giai đoạn nửa đầu năm nay và vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng thị trường đã hết những yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực hơn, ngành thép cuối năm đang có nhiều điểm sáng. Việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ thép sẽ phục hồi mạnh. 

Bên cạnh đó, nước này đang xem xét phương án thành lập một quỹ trong lĩnh vực bất động sản nhằm hỗ trợ các công ty giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, đặt mục tiêu huy động 300 tỷ nhân dân tệ (44,4 tỷ USD), theo Reuters. 

Hiện biên độ giảm giá thép xây dựng đang thu hẹp dần. Giá bán thép xây dựng vẫn đang tiếp tục có những nhịp điều chỉnh giảm trong tháng đầu quý III/2022, tuy nhiên biên độ giảm giá đã co lại dần từ 300 đồng xuống còn 100-150 đồng, mức độ giảm mỗi nhịp từ 1,7% xuống còn 0,6%. Trong khi đó, bán hàng trong tháng 5 và 6 bắt đầu cải thiện sau cú lao dốc hồi tháng 4. 

 H.Mĩ tổng hợp từ Hoà Phát và Steelonline

Giá than sau khi tăng 96% từ hơn 340 USD (tháng 12/2021) và đạt đỉnh ở mức 670 USD tháng 3, 530 USD vào tháng 5, đến cuối tháng 6 đã quay đầu giảm 64% về mốc 243 USD/tấn. Giá quặng sắt giảm xuống chỉ còn dưới 100 USD/tấn. 

“Biên lợi nhuận của quý III/2022 có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý II. Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý III sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý IV/2022”, Hoà Phát nhận định.

Áp lực từ lạm phát của nền kinh tế toàn cầu dấy lên kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách "Zero Covid", cùng với yếu tố thời tiết thuận lợi cho ngành xây dựng (thông thường kể từ tháng 9 hàng năm) là những yếu tố khả quan sẽ làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng thế giới cao trở lại vào quý IV năm nay. 

Nhu cầu thép trong nước thông thường cũng tăng vào quý IV hàng năm do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sản lượng tiêu thụ nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 của HRC thấp hơn so với thép xây dựng, về dài hạn, HRC vẫn là sản phẩm còn dư địa lớn. 

Tổng nhu cầu HRC trong nước hiện nay đang khoảng 12 triệu tấn/năm với mức tăng trưởng bình quân từ 10-20%, trong khi năng lực sản xuất HRC trong nước mới đạt 70% nhu cầu này, phần còn lại vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Mặc dù thị trường đang xấu, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết không có ý định giảm công suất: "Mặc dù giá thép đang trong xu hướng đi xuống nhưng chúng tôi sẽ vẫn vận hành hết công suất để tận dụng lợi thế về quy mô. Bên cạnh đó, Hoà Phát sẽ đẩy mạnh việc bán hàng”.

Hoà Phát cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ thành phẩm và duy trì số dư tồn kho ở mức không quá cao. Điều đó cũng đồng thời đẩy nhanh vòng quay nguyên vật liệu để nhanh chóng hiện thực hóa giá đầu vào giảm trong giá thành bình quân.

Bên cạnh đó, công ty đang có hoạch nâng tỷ trọng xuất khẩu. Tỷ trọng thép xây dựng xuất khẩu tăng từ 28% trong quý I/2022 lên 36% quý II/2022. Từ quý II/2022, Hòa Phát mở rộng sang các thị trường xuất khẩu như Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore), Châu Âu (Bỉ, Italy, Tây Ban Nha), Châu Mỹ (Mỹ, Mexico)...và sẽ tiếp tục trong những quý sau.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu một mặt làm tăng sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát, mặt khác làm tăng nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, về dài hạn, Hoà Phát định hướng tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa bởi những rủi ro về chính sách. 

"Năm ngoái Hoà Phát xuất khẩu khá tốt, chiếm 30% tổng sản lượng. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi sẽ vẫn tập trung nhiều vào vào thị trường trong nước bởi xuất khẩu có quá nhiều yếu tố rủi ro về thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào chính sách của nước sở tại. Thời gian tới, tỷ trọng xuất khẩu của Hoà Phát có thể chỉ ở mức khoảng 10 - 15%", ông Long chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. 

H.Mĩ