|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chênh lệch tỷ giá bào mòn lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong quý II

16:53 | 18/08/2022
Chia sẻ
Đồng USD/VND tăng mang lại tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, phân bón, gạo,... Ngược lại ngoại tệ tăng lại khiến các lợi nhuận của các công ty nhập khẩu nguyên vật liệu hay những công ty có vay nợ bằng đồng bạc xanh bị bào mòn.

Tỷ giá USD/VND tăng: Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi

Theo các chuyên gia, việc Fed tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát khiến đồng USD lên giá, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu ròng của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, phân bón,… hưởng lợi do có doanh thu bằng đồng bạc xanh.

Bên cạnh đó, khi tỷ giá USD/VND đi lên, các doanh nghiệp khu công nghiệp có lợi thế về thu hút dòng vốn FDI, giá cho thuê được dựa trên cơ sở đồng USD cũng sẽ được hưởng lợi.

Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ tư kể từ tháng 3/2022, tổng cộng 2,25%/năm, lên 2,25 - 2,5%/năm.

Như đã nói, ngành thủy sản hay hưởng lợi khá lớn khi đồng USD tăng trong bối cảnh xuất khẩu cho thấy những khả quan nửa đầu năm. Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), trong 6 tháng qua, Vĩnh Hoàn lãi 118 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá hối đoái, gấp đôi cùng kỳ. Trong khi lỗ từ chênh lệch tỷ giá hối đoái là 54 tỷ, tăng 68% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, đồng Yen Nhật mất giá so với USD do Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng giúp doanh nghiệp vay nợ bằng đồng này giảm bớt chi phí lãi vay. Chẳng hạn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco 2 – Mã: GE2),

Tại ngày đầu năm 2022, các khoản vay bằng Yen Nhật (JPY) của ACV có giá trị quy đổi khoảng 13.928 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, số dư nợ chỉ còn 12.007 tỷ đồng. Nguyên nhân là ACV đã trả bớt nợ gốc 181 tỷ đồng và Yen Nhật mất giá so với đồng Việt Nam khiến cho giá trị khoản vay giảm đi 1.740 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2022, mỗi Yen có giá trị tương đương 200 đồng Việt Nam. Biểu đồ bên dưới cho thấy, đến cuối tháng 6, mỗi Yen chỉ còn đổi được khoảng 170 đồng.

 

Nhờ tỷ giá diễn biến thuận lợi, lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối quý II năm nay của ACV cao gấp 3,3 lần quý II/2021, doanh thu tài chính cũng do đó mà đạt 1.906 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và gấp đôi cùng kỳ 2021. 

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ACV ghi nhận lãi sau thuế 2.598 tỷ đồng, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử và lớn hơn tổng lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021 cộng lại.

Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã: VGI) 6 tháng qua cũng thu về hơn 1.280 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá. Ngược lại, công ty này lỗ hơn 1.000 tỷ từ chênh lệch đồng ngoại tệ. Hiện Viettel Global trữ nhiều đồng tiền của Burundi Franc và Tanzania Shilling (đồng tiền của hai quốc gia châu Phi), trong khi đồng USD chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn vì chênh lệch tỷ giá

Trong diễn biến khác, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phần lớn từ Mỹ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bông, nhựa, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và hoá chất,… có thể bị tăng giá vốn khi tỷ giá USD/VND tăng, khiến biên lãi gộp giảm.

Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE, doanh nghiệp ngành thép nhập khẩu nhiều nguyên liệu và doanh nghiệp xây dựng nhập khẩu phụ kiện lắp ghép phục vụ công trình xây dựng cũng là đối tượng chịu bất lợi rõ nét khi tỷ giá USD/VND tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản cũng sẽ gặp rủi ro khi việc huy động vốn vay USD.

Hòa Phát xác định biến động tỷ giá là một trong những rủi ro lớn đối với hoạt động của tập đoàn. Chỉ tính riêng trong quý II vừa qua, lỗ chênh lệch tỷ giá (chưa thực hiện và đã thực hiện) của tập đoàn là 1.270 tỷ đồng, gấp 6,4 lần con số của quý II/2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trong ngành thép, Hòa Phát, Hoa Sen hay Thép Pomina đều bị lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá. Chỉ tính riêng trong quý II, Hòa Phát, lỗ chênh lệch tỷ giá (chưa thực hiện và đã thực hiện) là 1.270 tỷ đồng, gấp 6,4 lần con số của quý II/2021.

Hằng năm, Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long phải chi hàng tỷ USD để nhập các loại nguyên liệu cho quá trình sản xuất thép như quặng sắt và than coke. Vì vậy, Hòa Phát xác định biến động tỷ giá là một trong những rủi ro lớn đối với hoạt động của tập đoàn.

Để giảm bớt rủi ro tỷ giá, Hòa Phát phấn đấu mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng nguồn doanh thu bằng USD, qua đó cân bằng dòng ngoại tệ vào – ra.

HAGL Agrico (Mã: HNG), doanh nghiệp chuyên bán trái cây, mủ cao sủ xuất khẩu cho Trung Quốc, Campuchia hay Lào cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của tỷ giá.

Ngoài các yếu tố do chi phí vận chuyển tăng cao khiến công ty thua lỗ thì tại ngày 30/6/2022, tỷ giá đồng LAK tại Lào so với USD đã mất giá 28% và so với VND đã mất giá 33% so với quý I/2022. Vì vậy, HNG hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 329 tỷ đồng, so với con số 11 tỷ đồng cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, Vietnam Airlines (Mã: HVN) ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là nguyên nhân chính đẩy chi phí tài chính của tổng công ty này tăng vọt 2,7 lần, lên mức 1.147 tỷ đồng.

Nửa đầu năm,  Vietnam Airlines lỗ sau thuế hơn 5.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên 1.676 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu do khoản lỗ 1.012 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Đây cũng là một yếu tố khiến hãng hàng không này báo lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm hơn 5.200 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) là một trong các doanh nghiệp vay nợ lớn với 156.876 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn, trong đó chủ yếu vay bằng đồng USD từ các ngân hàng. Chính khoản vay ngoại tệ lớn như trên khiến tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lỗ 1.014 tỷ đồng quý II từ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng.

Với dư nợ bằng đồng USD lớn tại các ngân hàng, Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đã phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một số doanh nghiệp trong ngành điện lực, dầu khí cũng ghi nhận khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá. Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3 - Mã: PGV) ghi nhận chi phí tài chính tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, lên 680 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi chênh lệch tỷ giá là 88 tỷ đồng. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của Genco3 giảm hơn phân nửa,...

Minh Hằng