|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Bình: Đã có kế hoạch chi tiết xuất khẩu ngành xây dựng ra 4 nước, sắp ký hai hợp đồng tại Australia và Canada

09:00 | 13/08/2022
Chia sẻ
Hòa Bình cho biết đã triển khai 280 cuộc họp với các đối tác tiềm năng. Qua đó đã xác định hơn 20 dự án khả thi, 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Trong đó, có 2 dự án sẽ được chốt vào quý III năm nay gồm 1 dự án tại Brisbane, Australia của chủ đầu tư người Việt và 1 dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD.

Lĩnh vực xây dựng trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều yếu tố tích lũy, bao gồm việc cấp phép dự án đình trệ từ 2017, COVID-19, tín dụng ngân hàng thắt chặt và cạnh tranh gay gắt do mất cân đối cung cầu.  

Kết thúc tháng 7, Hòa Bình cho biết đã trúng thầu 15.000 tỷ đồng, đạt 3/4 kết hoạch cả năm. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký (backlog) tại thời điểm 30/6 là 26.500 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ sẽ được ghi nhận doanh thu năm 2022 và 16.500 tỷ dự kiến ghi nhận năm 2023. Theo đó, khả năng đạt kế hoạch doanh thu 2022 là khả thi. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận không được đề cập sau khi kết thúc quý II vẫn còn cách khá xa kế hoạch.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đánh giá doanh thu năm nay xấp xỉ 750 triệu USD, có khả năng đạt mức 800 triệu USD, tương đương mức doanh thu trước dịch. Công vay vẫn đeo bám mục tiêu chiến lược "5 năm doanh thu tăng 5 lần" (tương ứng mức tăng trưởng bình quân 38%/năm), tức năm 5 sau doanh thu phải đạt mức 4 tỷ USD, lợi nhuận đạt 5% doanh thu, tương ứng 200 triệu USD lợi nhuận. 

Ông Hải cho rằng đây là nhiệm vụ thách thức nhưng không phải không thực hiện được, nếu Hòa Bình thành công trong việc xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức Chương trình Hội nghị Phân tích đầu tư với chủ đề Bứt phá dũng mãnh tại TP HCM chiều ngày 12/8. (Ảnh: HBC).

Chủ tịch Hòa Bình lần nữa nhắc lại về các con số tham vọng khi bước ra thế giới: "Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỉ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỉ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng từ 50 đến 60 tỉ USD.

Trong khi đó, lợi thế của Việt Nam là đó là hiện nay số lượng kỹ sư xây dựng Việt Nam rất dồi dào, gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Nếu chúng ta chiếm lấy 3% thị trường xây dựng toàn cầu thì quy mô doanh số là rất lớn".  

Để thành công trong việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, Ông Lê Viết Hải cho rằng cần chuẩn bị rất nhiều thứ, và mất khá nhiều thời gian. Vì vậy cần phải làm càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ cơ hội. Mới đây, HBC cũng đã thành lập Tiểu ban thị trường nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ. 

Cụ thể hơn về chiến lược phát triển ra nước ngoài, ông David Martin Ruiz, Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của HBC cho biết, 4 thị trường mà Hòa Bình hướng đến là Canada, Australia, Mỹ, Châu Âu. Đây là các thị trường lớn, môi trường kinh doanh dễ dàng. Tốc độ tăng trưởng thị trường nhà ở cao.

Điểm chung là các thị trường này có giá xây dựng rất cao. Giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn. "Nếu so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Australia, doanh thu của Hòa Bình sẽ tăng gấp 7-8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15-20 lần".

Cuối năm nay, HBC sẽ bắt đầu triển khai dự án tại Ontario, Brisbane và năm sau sẽ đến Texas và Châu Âu. Giai đoạn 2024-2025, chúng tôi sẽ dành thời gian để đánh giá lại kế quả thực hiện và mở rộng kinh doanh tại các tiểu bang Florida, Nevada, Utah, Arizona, Califonia. Năm 2026 sẽ phát triển tại Anh, 2028 sẽ phát triển tại Bắc Calorina...", ông này nói.

Ông David Martin Ruiz - Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài chia sẻ về chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài. (Ảnh: H.T)

Trong năm vừa qua, Hòa Bình cho biết đã có 280 cuộc họp với các đối tác tiềm năng. Qua đó đã xác định hơn 20 dự án khả thi, 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Trong đó, có 2 dự án được chốt vào quý III năm nay gồm 1 dự án tại Brisbane, Australia của chủ đầu tư người Việt và 1 dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD.

Về phương án triển khai khi bắt đầu ở một quốc gia mới, Hòa Bình dự kiến có 3 hướng: 1) không đầu tư vào dự án, 2)Tham gia với tư cách là nhà đồng phát triển dự án, 3) Mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương.  

Hòa Bình sẽ ưu tiên tập trung vài hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, M&A công ty xây dựng địa phương với tỷ lệ chi phối. Cụ thể, giai đoạn 2022-2024, tập trung đầu tư phát triển dự án và mua lại nhóm công ty đầu tiên. Sau đó là khoảng thời gian tạo lợi nhuận từ 2024-2026. Nếu mọi thứ diễn biến tốt đẹp, 2026-2029 sẽ M&A nhóm công ty thứ hai. Những năm 2030-2032 HBC sẽ M&A vào công ty thứ 3.  

Thứ hai, tham gia đầu tư vào các dự án với tỷ lệ góp vốn không quá 20%. Ông David Martin Ruiz cho rằng "nếu chúng ta góp một phần vốn chủ sở hữu với chủ đầu tư, chắc chắn họ sẽ lựa chọn Hòa Bình làm nhà thầu dự án.

Ông David Martin Ruiz cho biết khi HBC thực hiện các dự án tổng thầu D&B, HBC có thể tiết kiệm chi phí về thiết kế và tư vấn thông qua lực lượng kỹ sư làm việc từ xa từ Việt Nam. HBC không có ý định đưa một lượng lớn nhân sự Việt Nam ra nước ngoài. Một số trường hợp nhất định, khi họ không đủ nhân sự trình độ cao, HBC sẽ đưa người qua hỗ trợ. Khảo sát nhiều nơi cho thấy họ rất thiếu về thiết kế, nhân công, vật liệu xây dựng. 

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực kinh tế phát triển, trong đó Việt Nam đang xuất khẩu hàng đầu về nội thất, vật liệu xây dựng. Điều này cho thấy tính cạnh tranh của VN. Hiện chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia tôi đã đến, nhiều nước như Australia, Canada đang phải nhập khẩu, trong khi Việt Nam hiện đã là quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới".

Theo đó, Hòa Bình cũng xác định sẽ trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng từ Việt Nam sang nước ngoài. Mảng kinh doanh này được lãnh đạo HBC kỳ vọng là chìa khóa giúp công ty có thêm lợi thế cạnh tranh với các nhà thầu nội địa, bởi theo như kế hoạch, Hòa Bình không đưa toàn bộ nhân lực trong nước sang nước ngoài như đã từng làm tại Kuwait hay Myanmar mà phải thuê lại các nhà thầu phụ tại bản địa khiến giá thành riêng mảng xây dựng vì thế khó có thể thấp hơn.

 Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: HBC).

Nói thêm về kế hoạch này, ông Lê Viết Hải cho rằng HBC sẽ vẫn có lời nếu tích hợp được nguồn lực thiết kế trong nước có giá thấp hơn và lợi thế từ chuỗi cung ứng trong nước. Nhiều nhà thầu quốc tế phải mua vật tư nhập khẩu qua 3-4 trung gian khiến chi phí đội lên rất nhiều. Trong khi HBC hoàn toàn có thể tiếp cận trực tiếp từ nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng hiện nay là các mô hình xây dựng lắp ghép, chỉ cần thiết kế đúng khuôn mẫu là có thể ráp vào công trình ngay, không cần nhiều nhân công như trước. Điều này giúp HBC khai thác tối đa nguồn nhân công giá rẻ tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, qua đó giảm giá thành xây dựng. Chẳng hạn như Hòa Bình đã hợp tác với Panasonic để làm nhà tắm ghép tại Việt Nam. 

Ông Hải kỳ vọng khi ngành xây dựng xuất khẩu ra nước ngoài thành công sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng ra nước ngoài tốt hơn, giúp các nhà sản xuất Việt Nam bán được sản phẩm với giá cao hơn.

Hoàng Trung