|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Con trai ông Lê Viết Hải làm Phó Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình

20:58 | 10/08/2022
Chia sẻ
Sau khi rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc Xây dựng Hoà Bình vào tháng 7, ông Lê Viết Hiếu đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của tập đoàn.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) vừa công bố nghị quyết thông qua việc bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực làm Phó Chủ tịch công ty kể từ ngày 9/8.

Tháng trước, ông Hiếu đã được HĐQT thông qua miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc Xây dựng Hoà Bình kể từ ngày 23/7.

Ông Lê Viết Hiếu. (Ảnh: Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình).

Ông Hiếu sinh năm 1992 và là con trai của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình. Ông Hiếu có trình độ Cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp Trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ). 

Ông gia nhập Xây dựng Hoà Bình từ cuối năm 2016 với vị trí Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài. Từ tháng 4/2018 - 4/2019, ông lên làm Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài.

Từ tháng 5/2019 - 3/2020, ông Hiếu là Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của Xây dựng Hòa Bình. Sau đó, ông Hiếu lên làm thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của tập đoàn từ 4/2020 - 7/2020.

Từ tháng 7/2020, ông giữ vị trí Tổng Giám đốc thay bố mình là ông Lê Viết Hải cho tới ngày 23/7 năm nay.

Tính tới cuối tháng 6, ông Hiếu nắm giữ hơn 1,1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương tỷ lệ 0,46% vốn. Còn bố của ông Hiếu là ông Hải nắm giữ 15,84% cổ phần tại Xây dựng Hoà Bình.

Bên cạnh việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao, HĐQT Xây dựng Hoà Bình cũng thông qua việc thành lập Tiểu ban phát triển thị trường nước ngoài với 4 thành viên gồm ông Lê Viết Hiếu (Trưởng Tiểu ban) cùng 4 thành viên là ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập; ông Nguyễn Tường Bảo, thành viên HĐQT độc lập và ông David Martin Ruiz, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài. 

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.