|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đổi ngôi vốn điều lệ ngành cá tra, dược phẩm

20:30 | 17/07/2024
Chia sẻ
Cùng thực hiện phương thức thưởng cổ phiếu 100%, Imexpharm và Navico sẽ lần lượt vượt Dược Hậu Giang và Vĩnh Hoàn để trở thành đơn vị niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất ngành.

Imexpharm vượt Dược Hậu Giang

Mới đây, Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu)phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).

Lãnh đạo công ty cho biết mục tiêu là củng cố nền tảng tài chính, hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng trong 3-5 năm tới, đưa Imexpharm thành công ty dược phẩm niêm yết có vốn lớn nhất, củng cố vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh.  

Thật vậy, Imexpharm sẽ phát hành thưởng theo tỷ lệ 100%. Tổng khối lượng thực hiện hơn 77 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành trong quý III-IV sau khi được UBCKNN chấp thuận, qua đó tăng vốn điều lệ lên khoảng 1.540 tỷ đồng.  

Công ty cũng muốn thay đổi chính sách thưởng cho nhân sự chủ chốt từ tiền mặt sang cổ phiếu, do đó có kế hoạch phát hành 4,48 triệu cổ phiếu với giá 5.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng thu về hơn 22 tỷ đồng. 

Với 2 phương án phát hành trên, Imexpharm sẽ nâng tổng vốn điều lệ lên 1.585 tỷ đồng.

Con số này sẽ đưa Imexpharm trở thành doanh nghiệp dược phẩm có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán, vượt qua nhiều tên tuổi hàng đầu khác như Dược Hậu Giang (DHG), Trapharco (TRA) hay Bidiphar (DBD)... 

 Imexpharm sắp vượt vốn Dược Hậu Giang. Nguồn: HL tổng hợp. 

Tuy nhiên xét về vốn hóa, Imexpharm vẫn còn cách xa quy mô của Dược Hậu Giang, nhỉnh hơn Dược Hà Tây (DHT) và còn lại cao hơn nhiều các đơn vị khác như Bidiphar, Traphaco, Dược Cửu Long...

Cổ phiếu IMP liên tục tăng nóng trong thời gian gần đây và sau 6 phiên (từ ngày 8 - 16/7) đã tăng gần 40% trước khi giảm sàn trong phiên gần nhất. Giá trị vốn hóa Imexpharm tính đến 17/7 ở mức hơn 6.000 tỷ đồng. 

Hiện cổ đông lớn nhất là SK Investment Vina III Pte.Ltd, một quỹ thuộc SK Group - Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc với tỷ lệ sở hữu 64,8% cổ phần, tiếp đến là Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ 22,03%, CTCP Đầu tư Bình Minh Kim nắm 9,75% vốn.

Imexpharm đang là đơn vị dẫn đầu trong cuộc chạy đua về chất lượng nhà máy và thị phần thuốc kháng sinh. Imexpharm sở hữu 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP,  nhiều nhất trong số các công ty dược Việt Nam và là công ty dẫn đầu về thị phần thuốc kháng sinh.

"Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia được nhiều gói thầu với độ khó cao tại nhóm 1 và 2. Chúng tôi kỳ vọng Imexpharm sẽ tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh kênh ETC ngày càng tăng trưởng", VDSC đánh giá. 

Công ty cũng đang tiến hành xây dựng thêm một nhà máy mới IMP5 và tập trung vào các loại thuốc dành cho các bệnh phức tạp hơn (tim mạch, tiểu đường,..), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027.

Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu tăng 24% lên 2.630 tỷ đồng, trong đó doanh thu kênh OTC đóng góp 1.214 tỷ đồng (tăng 12%) và ETC là 1.316 tỷ đồng (tăng 49%). Lợi nhuận trước thuế kế hoạch 423 tỷ đồng (tăng 12%).

Navico vượt Vĩnh Hoàn

Ngành cá tra cũng sắp chứng kiến sự đổi ngôi về quy mô vốn điều lệ khi CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) đang triển khai phương án phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu thưởng, tương ứng với tỷ lệ 100% trong năm nay. 

Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng gần gấp đôi lên mức hơn 2.666 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Navico vượt mặt Vĩnh Hoàn (vốn điều lệ 2.245 tỷ đồng) để trở thành công ty cá tra có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán.  

 Navico sắp vượt vốn công ty đầu ngành Vĩnh Hoàn. Nguồn: HL tổng hợp.

Navico chỉ vượt Vĩnh Hoàn về mặt vốn điều lệ nhưng lại cách biệt rất xa về quy mô vốn hóa khi so với Vĩnh Hoàn, trong khi tạo khoảng cách đủ lớn với các đơn vị xếp sau như IDI, Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), XNK Thủy sản Bến Tre (ABT)...

Kết thúc phiên giao dịch 17/7, mã chứng khoán ANV đứng tại 34.550 đồng/cp, tương đương với giá trị vốn hóa gần 4.600 tỷ đồng.

Năm 2024, Navico đặt tiêu tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 360 tỷ và lợi nhuận sau thuế 306 tỷ, lần lượt tăng 463% và 685% so với mức nền thấp. 

Hiện Navico đã tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trong đó, có 10 lines nhà máy thức ăn với công suất hơn 1.000 tấn thành phẩm/ngày, 4 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ngày.    

Đây là đơn vị đã khép kín chuỗi nuôi trồng và chế biến cá tra với chi phí sản xuất cạnh tranh. Hiện công ty sở hữu 14 vùng nuôi cá và vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú có quy mô lớn nhất nước với 600 ha. 

Chứng khoán PHS dự báo hoạt động xuất khẩu của Navico sẽ phục hồi mạnh mẽ dựa trên việc tăng cường bán vào thị trường Mỹ nhờ vào tệp khách hàng có nhu cầu đa dạng hóa nhà cung cấp; cũng như kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Trung Quốc cải thiện vào nửa cuối năm. 

Huy Lê

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.