|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways muốn cắt giảm 400-500 tỷ đồng chi phí tài chính

14:42 | 17/07/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo Bamboo Airways nói đang phải tiết giảm chi phí hàng tháng. Dự kiến chi phí tài chính sẽ giảm khoảng 400 - 500 tỷ đồng so với các năm trước để hạn chế thua lỗ.

Sáng 17/7, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phan Đình Tuệ cho biết đã hoàn tất việc hoán đổi nợ thành cổ phần với tổng giá trị 7.720 tỷ, nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng.

Hãng cũng đạt doanh thu thuần 12.392 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 236,8 tỷ đồng, chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi khoảng 4.100 tỷ đồng và được các đối tác xoá nợ với tổng số tiền 1.272 tỷ đồng, sau khi bù trừ khoản dự phòng/trích trước chi phí sửa chữa lớn 1.813 tỷ đồng được hạch toán theo chuẩn mực kế toán mới.

Năm 2024, hãng đặt mục tiêu có quy mô 9 tàu bay, tập trung vào dòng tàu bay thân hẹp của Airbus, bao gồm 6 tàu thuê khô và ba tàu thuê ướt.

Doanh thu kế hoạch là 4.857 tỷ đồng và dự kiến sẽ lỗ sau thuế 1.387 tỷ đồng. Nếu loại bỏ yếu tố chi phí tài chính cao và tái cấu trúc thì hãng dự kiến vẫn lỗ 501 tỷ đồng.

Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Đại hội cổ đông Bamboo Airways diễn ra sáng 17/7. (Ảnh: L.Lan).

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam khẳng định hãng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông cho biết quá trình tái cấu trúc đang diễn ra đúng tiến độ, hãng hiện đang hoạt động ổn định với 8 tàu bay và chuẩn bị có những bước tiếp theo.

Vị này cũng cho hay, quá trình đàm phán để trả tàu bay diễn ra suôn sẻ, Bamboo Airways đã được xoá một khoản nợ tương đối lớn và không phát sinh vấn đề pháp lý gì. 

Về thương mại, hãng cũng đã chuyển sang hệ thống quản lý bán vé có thể đáp ứng được quy mô lên tới 50 tàu bay... Tuy nhiên, dù đã giảm lỗ trong năm 2024 nhưng ông Nam cho biết Bamboo Airways vẫn cần một khoản chi phí để bù đắp nguồn lực cần thiết.

Phó Tổng giám đốc Lê Thị Trúc Quỳnh cho biết tình hình hoạt động hãng gặp khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên đây là một năm bản lề để năm 2024 Bamboo Airways tiến tới việc tài cấu trúc.

Lỗ gộp của hãng trong năm 2023 là khoảng 3.600 tỷ đồng, tỷ lệ lỗ/tổng doanh thu thuần đã cải thiện 17 điểm % từ 46% của năm 2022 về mức 29% trong năm 2023 và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đã được đưa về mức dương 236 tỷ đồng.

Tìm mọi cách cắt giảm chi phí 

Bà Quỳnh nhắc lại lợi nhuận năm 2023 chủ yếu đến từ việc hoàn các khoản trích lập dự phòng, sau khi Hội đồng quản trị và Ban điều hành đánh giá và thấy có những tín hiệu khả quan từ các khoản đầu tư đó. Bamboo Airways cũng xoá được khoản nợ 1.300 tỷ đồng giúp giảm tổng nợ phải trả của Bamboo Airways đến khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Với tình hình tài chính năm 2024, lãnh đạo Bamboo Airways dự kiến cắt giảm được hơn 1.300 tỷ đồng từ việc giảm chi phí tài chính và tái cơ cấu đội ngũ. Tuy nhiên, hãng vẫn cần bù đắp tối thiểu khoảng 2.300 tỷ đồng trong năm 2024 để duy trì dòng tiền.

"Cụ thể, 5 tháng đầu năm hãng đã được bù đắp gần 600 tỷ đồng và cần bổ sung thêm 1.700 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm", bà Quỳnh tiết lộ.

Nguyên nhân là hãng cần bù đắp lỗ kinh doanh, trả cho các khoản nợ còn tồn đọng cũ, cho các đối tác cũ, các chủ nợ cũ là điều không thể trì hoãn. Đồng thời, chi phí đó cũng bao gồm tiền đặt cọc cho tàu thuê bay mới để hãng tăng quy mô để tối ưu hiệu quả kinh doanh.

"Mỗi tháng, chi phí tài chính của Bamboo Airways giảm được khoảng vài chục tỷ đồng so với trước, cả năm sẽ tiết kiệm được khoảng 400 - 500 tỷ đồng", Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways bổ sung.

Theo bà Quỳnh hãng đã nỗ lực tái cấu trúc, kiểm soát dòng tiền đến mức tối đa nhất và bằng mọi biện pháp để tăng doanh thu. Tất cả các biện pháp tái cấu trúc từ cuối năm 2023 đến nay thì đều nhằm vào mục tiêu lớn nhất là kiểm soát và giảm chi phí.

Thêm nữa, việc bổ sung nguồn tiền từ nhà đầu tư hoặc các khoản vay lãi suất thấp sẽ giúp Bamboo Airways hoạt động hiệu quả hơn, vượt qua được những thách thức, tăng doanh thu và giảm chi phí.

Hạ An

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.