Chính phủ vỡ nợ, hơn 20 triệu dân thiếu xăng dầu và thuốc men, lo chết đói
Khủng hoảng lương thực
Theo Reuters, Thủ tướng Sri Lanka đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực khi quốc đảo này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế đồng thời thề rằng chính phủ sẽ mua đủ phân bón cho vụ mùa tiếp theo.
Foreign Policy cho biết, tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa quyết định cấm nhập khẩu và sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, đồng thời yêu cầu 2 triệu nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ. Vào năm 2019, khi tranh cử Tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa đã hứa sẽ thay đổi nền nông nghiệp của Sri Lanka sang hướng hữu cơ trong 10 năm tới.
Có nhiều tuyên bố cho rằng phương pháp hữu cơ có thể cho ra năng suất tương đương với nông nghiệp thông thường, nhưng sản lượng gạo của Sri Lanka đã sụt giảm 20% trong chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên.
Sri Lanka từ một quốc gia có thể tự chủ nguồn cung gạo đã buộc phải nhập 450 triệu USD gạo. Trong nước, giá cả của loại hàng hóa thiết yếu này đã tăng tới 50%. Mặc dù chính phủ đã hủy bỏ lệnh cấm, lượng phân bón nhập khẩu vẫn chưa đáng kể.
“Không đủ thời gian để có đủ phân bón cho vụ mùa Yala (từ tháng 5 đến tháng 8), chính phủ đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa Maha (tháng 9 tới tháng 3)”, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe viết trên Twitter. “Tôi chân thành kêu gọi mọi người chấp nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay”.
Thiếu đủ thứ
Sri Lanka đang thiếu hụt trầm trọng ngoại hối, nhiên liệu và thuốc men. Hoạt động kinh tế tại quốc đảo này đã gần như dừng lại.
Bà A.P.D. Sumanavathi, 60 tuổi, bán hoa quả và trái cây tại chợ Pettah, thủ đô thương mại Colombo cho biết: “Than khổ cũng vô ích. Tôi không thể nào dự đoán nổi mọi chuyện sẽ thế nào sau hai tháng. Với mức tình hình này thì chúng tôi có thể còn trụ được ở đây”.
Gần đó, một hàng dài người đứng trước cửa hàng bán bình ga. Giá của mặt hàng này đã tăng chóng mặt.
“Chỉ có khoảng 200 bình ga được giao, trong khi có tới 500 người đang chờ”, ông Mohammad Shazly, một tài xế bán thời gian cho biết. Ông đã xếp hàng đến ngày thứ ba để có thể mua ga cho gia đình 5 người của mình.
“Không có ga, không có dầu hỏa, chúng tôi chẳng làm được gì cả”, ông Shazly cho biết. “Lựa chọn cuối cùng ư? Không có thức ăn thì chúng tôi chắc chắn sẽ chết”.
Thống đốc Ngân hàng trung ương tuyên bố vào hôm 19/5 rằng Sri Lanka đã nhận được một khoản vay từ Ngân hàng Thế giới dùng để chi trả cho nhiên liệu và khí đốt, nhưng nguồn cung vẫn nhỏ giọt.
Vị thống đốc cho biết lạm phát có thể lên tới 40% trong vào tháng tới nhưng chủ yếu bởi áp lực từ phía nguồn cung và các biện pháp của ngân hàng và chính phủ đã và đang kiểm soát làm phát từ phía cầu. Vào tháng 4, tỷ lệ lạm phát đạt 29,8%, trong khi giá thực phẩm đã tăng 46,6%.
Vào hôm 19/5, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi hàng trăm sinh viên biểu tình tại thành phố Colombo. Những người biểu tình yêu cầu phế truất Tổng thống và Thủ tướng.
Khủng hoảng kinh tế Sri Lanka xảy ra do một loạt các nhân tố, từ đại dịch COVID phá hoại nền kinh tế dựa vào du lịch, giá dầu tăng cao, và quyết định giảm thuế của chính phủ Tổng thống Rajapaksa và em trai là Cựu Thủ tướng Mahinda, người vừa từ chức tuần trước. Hôm 19/5 vừa qua, Sri Lanka đã vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Thủ tướng Wickremesinghe, được bổ nhiệm thay vị trí của ông Mahinda, bị cáo buộc là bù nhìn của hai anh em Tổng thống Rajapaksa.
Các nền kinh tế G7 tuyên bố sẽ ủng hộ nỗ lực xóa nợ cho Sri Lanka. Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe cho biết kế hoạch tái cơ cấu nợ đã gần được hoàn tất và sẽ sớm được đệ trình lên Nội các.
“Chúng tôi đang vỡ nợ trước hạn. Quan điểm của Sri Lanka rất rõ ràng, nếu không được tái cơ cấu nợ, chúng tôi sẽ không thể trả tiền”, ông cho biết.
Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết quỹ đang theo dõi diễn biến rất cẩn thận và một phái đoàn trực tuyến phụ trách vấn đề Sri Lanka sẽ hoàn thành các cuộc đàm phán kỹ thuật về chương trình cho vay tiềm năng vào ngày 24/5.