|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

World Bank dự báo giá năng lượng sẽ tăng 50%, nông sản tăng 18% trong năm 2022

19:47 | 01/05/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra cú sốc lớn, thay đổi mô hình của thương mại, sản xuất, tiêu dùng và giữ giá ở mức cao lịch sử cho tới cuối năm 2024.

Theo World Bank, mức tăng vọt của giá năng lượng trong vòng hai năm qua là cao nhất kể từ cuộc xung đột dầu mỏ năm 1973. Giá cả các mặt hàng lương thực và phân bón đều đạt kỷ lục kể từ năm 2008. Ukraine và Nga đều là các nhà sản xuất lương thực lớn của thế giới. Ngoài ra, Nga còn là cung cấp năng lượng lớn.

Ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch về Phát triển Công bằng, Tài chính và Các tổ chức của World Bank nói: “Nhìn chung, đây là cú sốc hàng hóa lớn nhất mà chúng ta phải trải qua kể từ những năm 1970”.

“Những diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ. Các nhà lập pháp nên tận dụng mọi cơ hội để tăng cường phát triển kinh tế trong nước và tránh những hành động gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu”.

Ảnh hưởng từ xung đột Ukraine

Phần “Trọng tâm đặc biệt” trong báo cáo cung cấp một cái nhìn chuyên sâu về ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine tới thị trường hàng hóa. Các phân tích cho thấy rằng cú sốc từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể kéo dài hơn so với những cuộc chiến trước do hai lý do:

Thứ nhất, hiện có ít dự địa để thay thế những mặt hàng năng lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch đều đồng loạt tăng giá.

Thứ hai, việc tăng giá một số mặt hàng cũng kéo theo những mặt hàng khác. Giá khí thiên nhiên cao kéo theo giá phân bón và tạo áp lực cho ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, chính sách cho đến nay tập trung nhiều vào việc cắt giảm thuế và trợ cấp. Những biện pháp này thường làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cung và áp lực giá cả hơn giải pháp dài hạn như giảm nhu cầu và khuyến khích tìm các nguồn thay thế.

Ngoài ra, khủng hoảng Ukraine còn được dự báo sẽ gây ra sự chuyển hướng lớn trong thương mại năng lượng. Một số quốc gia hiện đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung than từ những nơi xa xôi trong khi một số nhà nhập khẩu lớn lại tăng cường thu mua từ Nga.

Báo cáo lưu ý rằng sự chuyển dịch này sẽ rất tốn kém bởi chi phí vận chuyển tăng. Những sự chuyển dịch tương tự cũng đang diễn ra với khí thiên nhiên và dầu mỏ.

 Sau Q2/2022 nhu cầu dầu của thế giới sẽ phụ hồi tới mức trước dịch COVID. 

Báo cáo của World Bank kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động kịp thời để giảm thiểu thiệt hại cho công dân và cho nền kinh tế toàn cầu. Các chương trình hỗ trợ tiền mặt, bữa ăn học đường và công tác công cộng nên được triển khai thay vì trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu. Chính sách nên ưu tiên tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đẩy nhanh phát triển nguồn năng lượng không carbon.

Năng lượng

Giá năng lượng dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2022 trước khi giảm bớt vào năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, giá cả dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm gần đây nhất.

Trong trường hợp xung đột kéo dài hoặc có thêm các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, giá có thể còn cao và biến động hơn so với dự kiến.

Do xung đột và gián đoạn sản xuất, giá dầu thô Brent trung bình sẽ ở khoảng 100 USD/thùng trong năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2013 và tăng hơn 40% so với năm 2021. Giá dự kiến sẽ tụt xuống mức 92 USD/thùng vào năm 2023, cao hơn nhiều so với trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.

 

Giá khí đốt tự nhiên tại Châu Âu năm 2022 dự kiến sẽ gấp đôi so với năm 2021, trong khi giá than dự kiến tăng hơn 80%. Cả hai loại nhiên liệu này đều sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại.

Tiêu thụ dầu thô toàn cầu đã giảm kể từ đầu năm, do tăng trưởng kinh tế chậm lại, bùng phát COVID ở Trung Quốc và tác động của giá dầu cao đối với tiêu dùng.

Sản lượng dầu toàn cầu chỉ tăng dưới 1% trong quý I/2022 và vẫn thấp hơn khoảng 3% so với mức trước đại dịch. Tồn kho dầu của các nước OECD đã giảm trong 14 tháng liên tục với tốc độ trung bình mỗi tháng là 1,2 triệu thùng/ngày, do lượng tiêu thụ cao hơn sản lượng.

Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, đơn vị soạn thảo báo cáo Triển vọng, cho biết: “Các thị trường hàng hóa đang trải qua một trong những cú sốc về nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ vì cuộc xung đột Ukraine”. 

“Tăng giá lương thực và năng lượng dẫn đến thiệt hại đáng kể về con người và kinh tế và làm đình trệ quá trình xóa đói giảm nghèo. Giá hàng hóa cao làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát vốn đã gia tăng trên khắp thế giới".

Nông sản

Chỉ số giá nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới đã tăng 11 % trong quý I/2022. Chỉ số này cao hơn 25% so với một năm trước, với tất cả 4 nhóm phụ đều có mức tăng tương tự.

Giá lương thực ghi nhận tốc độ tăng cao nhất.

Giá tăng phản ánh sự gián đoạn thương mại của một số mặt hàng do xung đột Ukraine, gián đoạn sản xuất lúa mì (do xung đột) và đậu tương (do thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ), chi phí đầu vào (năng lượng và phân bón), và phục hồi nhu cầu thức ăn chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng lương thực chính, giá lúa mì tăng nhanh nhất: 31% so với quý liền trước (cao hơn 57% so với một năm trước), tiếp theo là ngô và đậu tương (20% so với quý trước). Ngược lại, giá lúa gạo khá ổn định.

Giá đồ uống tăng nhẹ trong quý I, cao hơn 30% so với một năm trước. Nguyên nhân là việc giá cà phê tăng do thời tiết ảnh hưởng tới sản lượng ở Brazil. Giá nông sản nguyên liệu nhìn chung ổn định.

Sau khi ​​tăng gần 18% vào năm 2022, giá nông sản dự kiến ​​sẽ giảm 8% trong năm 2023 khi một số gián đoạn gần đây biến mất. Tuy nhiên, giá nông sản vẫn ở mức cao so với các mức trung bình lịch sử.

Rủi ro đối với lương thực bao gồm khả năng tiếp tục gián đoạn sản xuất và thương mại từ Ukraine - Nga và chi phí đầu vào tăng cao. Về dài hạn, chính sách nhiên liệu sinh học cũng ảnh hưởng tới giá lương thực.

Ông John Baffes, Nhà kinh tế cao cấp trong Nhóm triển vọng của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Giá đầu vào, chẳng hạn như năng lượng và phân bón, có thể dẫn đến giảm sản lượng lương thực, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển”. 

“Việc sử dụng ít nguyên liệu hơn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng lương thực, ảnh hưởng đến lượng lương thực sẵn có, thu nhập nông thôn và sinh kế của người nghèo”.

Hàng hóa khác

Chỉ số giá phân bón của Ngân hàng Thế giới đã tăng gần 10 % trong quý đầu tiên của năm 2022 lên mức cao nhất trong lịch sử. Giá phân bón năm ngoái đã tăng 80% do gián đoạn nguồn cung, chi phí đầu vào và các hạn chế thương mại ở Trung Quốc và Nga. 

Xung đột Ukraine có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự gián đoạn vì Nga và Belarus là những nhà sản xuất, xuất khẩu phân bón lớn, đồng thời nguyên liệu chính để sản xuất mặt hàng này là khí đốt tự nhiên. Giá phân bón được dự đoán sẽ tăng gần 70% vào năm 2022 trước khi giảm bớt vào năm 2023.

Chỉ số giá kim loại và khoáng sản của World Bank tăng 13% trong quý đầu tiên của năm 2022 với giá một số kim loại đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3 và tồn kho thấp nhất trong lịch sử. 

Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất kim loại lớn.

Xung đột Ukraine là động lực chính thúc đẩy biến động giá nhôm và niken, trong khi giá năng lượng cao đã ảnh hưởng đến hầu hết các kim loại, đặc biệt là nhôm và kẽm.

Giá kim loại được dự báo sẽ tăng 16% vào năm 2022 và giảm nhẹ phần nào trong năm 2023. Về lâu dài, sự chuyển đổi năng lượng có thể nâng giá đáng kể một số kim loại, đặc biệt là nhôm, đồng và niken.

Palladium được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô.

Chỉ số kim loại quý tăng 4 % trong quý I/2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư cao do lạm phát. Chỉ số này được dự báo sẽ tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng giảm 9% trong năm 2023 do kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt. 

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.