|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU: Nga dùng khí đốt 'tống tiền' châu Âu, doanh nghiệp không nên hạ mình chấp nhận

07:30 | 28/04/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thúc giục các doanh nghiệp trong khối kinh tế chung không nên tuân theo yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Châu Âu không nên khuất phục

Gã khổng lồ ngành năng lượng Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria vào ngày 27/4, gây leo thang nghiêm trọng mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Liên minh châu Âu (EU).

Giờ đây, mọi chú ý đổ dồn vào việc hai khách hàng lớn là Đức và Italy sẽ phản ứng như thế nào. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo rằng EU cần cân nhắc sâu hơn rủi ro Nga tiếp tục “khóa vòi”.

Châu Âu đang cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, tuy nhiên khối kinh tế chung đang đứng trước một thử thách lớn, Bloomberg bình luận.

Chia sẻ trước truyền thông, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi: “Các công ty có hợp đồng mua khí đốt với Nga không nên chấp thuận các yêu cầu của Moscow. Đây sẽ là một hành vi vi phạm những lệnh cấm vận chúng tôi đã ban hành, nên rủi ro cho doanh nghiệp là rất cao”.

Trước đó, trong một tuyên bố, bà von der Leyen cũng khẳng định: “Việc Gazprom đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng năng lượng như một công cụ tống tiền. Điều này rất vô lý và không thể chấp nhận được”.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: AP).

Khi thời hạn thanh toán đến vào tháng tới, chính phủ và doanh nghiệp trên khắp châu Âu phải quyết định có nên đáp ứng quy định mới của Nga hay phải đối mặt với viễn cảnh hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Theo một nguồn tin thân cận với Gazprom, khoảng 10 công ty châu Âu hiện đang thỏa mãn yêu cầu của Nga. Ông lớn ngành năng lượng Italy Eni SpA đang chuẩn bị thủ tục, trong khi Uniper của Đức tin rằng họ có thể tiếp tục mua khí đốt mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Trong phiên giao dịch 27/4, giá khí đốt tại châu Âu đã nhảy vọt hơn 20% nhưng sau đó hạ nhiệt phần nào khi các thương nhân đánh giá lại khả năng Nga tiếp tục cắt nguồn cung của châu Âu.

Nga chưa dừng lại

Đức - đất nước phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, cũng nhắc lại rằng các công ty nên tiếp tục thanh toán hợp đồng bằng đồng euro, tuân theo hướng dẫn của EU.

Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh rằng lục địa già cần phải sẵn sàng cho kịch bản bị cắt nguồn cung khí đốt nghiêm trọng hơn.

“Nga đang chứng tỏ họ sẵn sàng mạnh tay hơn. Nếu bất kỳ ai không tuân thủ các hợp đồng hoặc điều kiện thanh toán, họ sẽ dừng việc giao khí đốt. Đức cần cân nhắc kỹ lượng, và dĩ nhiên là cả các nước châu Âu khác”, ông Habeck bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức không rõ liệu Nga sẽ phản ứng ra sao nếu châu Âu tiếp tục trả tiền hợp đồng bằng euro.

Tháng trước, Tổng thống Putin đã gây sốc cho chính phủ và thị trường các nước châu Âu khi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, qua một cơ chế phức tạp liên quan đến việc thiết lập hai tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của nước này.

Khi lần đầu tiên công bố quy định mới, ông Putin nói việc chuyển sang đồng ruble sẽ giúp bảo vệ nguồn thu khổng lồ từ khí đốt của Nga khỏi các lệnh trừng phạt hoặc trước nguy cơ bị EU tịch thu.

Động thái này còn nhằm mục đích đảm bảo ngân hàng Gazprombank - một trong các tổ chức tài chính nhà nước hiếm hoi chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất của phương Tây, nằm ngoài vòng cấm vận.

Ông Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh thiệt hại kinh tế và chính trị khi giá năng lượng tăng đột biến ở châu Âu. Điều đó cho thấy Điện Kremlin tin rằng phương Tây không thể chịu được áp lực thiếu hụt nguồn cung năng lượng nếu Nga tiếp tục cứng rắn.

Khả Nhân

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...