|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Soya Garden sảy chân do đa dạng hóa sản phẩm quá đà, để nhà đầu tư nắm cổ phần quá lớn

07:03 | 26/06/2020
Chia sẻ
Người sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư khởi nghiệp Quốc gia nhận định, ngoài tác động của đại dịch COVID-19, chuỗi Soya Garden phải đóng bớt cửa hàng do họ để nhà đầu tư nắm cổ phần quá lớn và đa dạng hóa sản phẩm quá đà.

Chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden đã liên tiếp đóng nhiều cửa hàng tại chi nhánh phía Bắc và phía Nam dù nhận nguồn vốn đầu tư lớn từ Tập đoàn giáo dục Egroup. Từng đặt mục tiêu đạt 100 điểm bán trong năm 2019, giờ đây công ty chỉ vận hành 23 cửa hàng trên cả nước.

Hoàng Anh Tuấn, người đồng sáng lập Soya Group, khẳng định chuỗi đóng bớt cửa hàng nhằm thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thị trường. Anh lí giải rằng trước đây Soya Garden tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ.

"Nhưng sau một thời gian hoạt động, chúng tôi đánh giá những mô hình ít chỗ ngồi, như mô hình kiosk, cửa hàng nhỏ vệ tinh, dịch vụ giao hàng tận nơi sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn", anh nói.

Tuy vậy, trong thời gian tới Soya Garden vẫn sẽ phát triển song song cả mô hình cửa hàng lớn lẫn các mô hình kinh doanh nhỏ gọn.

"Ở những khu vực phù hợp, chuỗi vẫn giữ số lượng cửa hàng đủ lớn để tập trung vào trải nghiệm sản phẩm chất lượng trong không gian đặc trưng của Soya Garden", anh tiết lộ.

Trong một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Tiến Trung – người sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), chủ tịch công ty Kanyo Vietnam SJC, người đồng sáng lập của Song Han Incubator; cùng ông Trịnh Minh Giang – Chủ tịch VMCG, người sáng lập Strategy Academy, chủ nhiệm Vườn ươm Lãnh đạo trẻ trong Kỷ nguyên số (YDLI) đã phân tích khá kĩ về những nguyên nhân khiến Soya Garden phải đóng phần lớn điểm bán trên toàn quốc sau đại dịch COVID-19.

Cả ông Trung và ông Giang đều có khá nhiều duyên nợ với Soya Garden và người đồng sáng lập chuỗi là Hoàng Anh Tuấn.

Điểm yếu cốt tử khiến Soya Garden sảy chân - Ảnh 1.

Từng đặt mục tiêu đạt 100 điểm bán trong năm 2019, giờ đây công ty chỉ vận hành 23 cửa hàng trên cả nước. Ảnh: Soya Garden

Không chỉ là cố vấn trong thời gian đầu khởi sự của Soya Garden, ông Trung còn là nhà đầu tư của 8 startup khác tại Việt Nam, nên góc nhìn của ông về sự thu hẹp chuỗi Soya Garden khá cụ thể, sâu sắc. Ông kể rằng ông từng gặp Hoàng Anh Tuấn và chị gái Thủy của anh vào năm 2016, khi họ mới khởi nghiệp và có hai cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội.

Một cửa hàng có diện tích 200 m2 ở phố Vũ Phạm Hàm và một cửa hàng hai tầng, có diện tích 35 m2 ở phố Ô Chợ Dừa. Ông Trung từng ngồi ở cả hai điểm bán từ 10h tới 22h để quan sát qui trình vận hành, phản hồi của khách hàng.

"Sau vài tháng hoạt động, số liệu từ cửa hàng lớn đầu tiên ở Vũ Phạm Hàm cho thấy nó không thể đạt điểm hòa vốn do chi phí mặt bằng quá lớn, còn kết quả thu lại từ cửa hàng nhỏ ở Ô Chợ Dừa rất ổn”, ông Trung kể.

Hai chị em sáng lập chủ yếu thuê sinh viên làm bán thời gian và đây là một chủ trương không đúng. Cứ sau khi vào làm một thời gian, thành thạo công việc nhờ quá trình đào tạo, sinh viên lại nghỉ; khiến nhân sự của hai quán biến động liên tục.

Với tình hình ấy, trước khi lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, 2 nhà sáng lập Soya Garden đã thuê một công ty tư vấn để họ thiết lập lại tất cả các qui trình trong cửa hàng một cách chuẩn chỉnh.

Khi Shark Thủy đồng ý đầu tư cho Soya Garden tại chương trình Shark Tank năm 2018, ông Trung đã rất mừng cho Tuấn và Thủy, vì ông nghĩ nếu ở mỗi trung tâm tiếng Anh – Apax English của Egroup có một quầy bán của Soya Garden, thương hiệu sẽ phát triển rất nhanh. 

Nhưng sự cộng hưởng giữa Soya Garden và hệ sinh thái của Egroup đã không xảy ra. Thay vào đó, hàng loạt cửa hàng Soya Garden to, đẹp mọc lên và phát triển độc lập. Đó là điều mà ông Trung không hiểu.

“Nhiều người nói rằng, cú sẩy chân’ của Soya Garden là bởi đàn ông không thích uống đậu nành. Lí do này đúng nhưng chưa đủ", ông Trung bình luận. Theo ông, COVID-19 là một ‘lưỡi hái tử thần’ với các doanh nghiệp. 

"Mọi doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống đều lao đao, chứ không riêng Soya Garden. Với chuỗi thực phẩm, đồ uống, chi phí cố định rất lớn. Khi doanh thu đóng băng vì COVID-19, mấy ai kịp set-up hệ thống bán hàng online quy mô lớn?", ông giải thích.

Ngoài ra, việc ông Nguyễn Ngọc Thủy giữ phần trăm cổ phần quá cao, trong khi hai nhà sáng lập chỉ giữ phần nhỏ sẽ khiến nhóm sáng lập giảm mức độ nhiệt tình cũng như khó lái ‘con thuyền’ doanh nghiệp theo hướng họ muốn.

Áp lực tiêu tiền của của nhà đầu tư cũng rất lớn. Khi nhận từ 20 tỉ đồng đến 100 tỉ đồng, founder buộc phải liên tục mở thêm các cửa hàng mới để giải ngân tiền”, anh Nguyễn Tiến Trung nhận định.

Để chỉ số sinh lời trở nên đa dạng, chị em Thủy -Tuấn  quyết định bán thêm trà sữa, cà phê ngoài đậu nành, khiến thương hiệu mất linh hồn. Nếu cũng bán cà phê, Soya Garden khác gì Highlands Coffee hay The Coffee House?

"Chính việc đa dạng hóa sản phẩm quá đà đã khiến Soya Garden mất giá trị cốt lõi. Soya Garden không còn là Soya Garden nữa", ông Trung nói.

Cửu Dương