Hàng hóa Nga bị tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới
Sau Mỹ, xu hướng tẩy chay hàng hóa Nga đã bắt đầu lan rộng sang các nước châu Âu và châu Đại Dương. Các chính trị gia cùng những tập đoàn khác đã phản đối cuộc chiến tại Ukraine bằng cách nhắm mục tiêu vào những sản phẩm mang tính thương hiệu của Nga, theo Bangkokpost.
Có ít nhất ba thống đốc bang tại Mỹ đã ra lệnh loại bỏ rượu mạnh do Nga sản xuất hoặc có nhãn hiệu khỏi các cửa hàng rượu. Tại Ontario, Canada, Bộ trưởng Tài chính Peter Bethlenfalvy đã chỉ đạo Ban Kiểm soát Rượu (LCBO) của bang yêu cầu các cửa hàng loại bỏ rượu vodka Nga và các sản phẩm có cồn khác.
Trong khi đó, một trong những chuỗi bán lẻ rượu lớn nhất ở New Zealand đã thu hồi hàng nghìn chai vodka, bao gồm các nhãn hiệu Ivanov và Russian Standard - và lấp đầy các kệ hàng trống bằng cờ Ukraine. Các cuộc tẩy chay đang lan rộng sang các mặt hàng khác ở các nước láng giềng châu Âu của Nga.
Hai trong số những chuỗi cửa hàng rượu lớn nhất của Úc, Dan Murphy's và BWS, đã ngừng bán các sản phẩm có xuất xứ từ Nga, theo chủ sở hữu Endeavour Group Ltd có trụ sở tại Sydney, có giá trị thị trường là 9,2 tỷ USD.
Các động thái này lặp lại những bước đi của các tập đoàn toàn cầu, từ những gã khổng lồ trong ngành năng lượng đến các nhà sản xuất ô tô và công ty luật, nhằm mục đích cắt đứt quan hệ với Nga hoặc xem xét lại hoạt động của họ khi chính phủ nhiều nước áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này. Ngay cả các cơ quan quản lý bóng đá FIFA và UEFA cũng đã cấm các đội tuyển của Nga tham gia những giải đấu quốc tế.
Thống đốc bang New Hampshire, Mỹ Chris Sununu chia sẻ trên Twitter rằng "Mỹ sát cánh cùng người dân Ukraine trong cuộc chiến giành tự do của họ". Trong khi đó, thống đốc bang Utah Spencer J Cox cho biết "bang đoàn kết với Ukraine và sẽ không hỗ trợ các doanh nghiệp Nga, bất kể trao đổi nhỏ như thế nào".
Mô tả "chiến dịch đặc biệt" của Nga vào Ukraine là "một hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền", ông Cox đã ban hành lệnh hành pháp buộc Cục Kiểm soát Đồ uống có cồn của Utah phải loại bỏ tất cả các sản phẩm do Nga sản xuất và mang nhãn hiệu Nga khỏi các kệ hàng ngay lập tức.
Trong khi đó, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine đã ra lệnh cho bộ phận thương mại của bang tẩy chay tất cả rượu vodka do Russian Standard sản xuất, cũng ảnh hưởng đến doanh số của Green Mark Vodka. DeWine cho biết có khoảng 6.400 chai vodka do Russian Standard sản xuất hiện đang được bán tại 487 đại lý rượu trên toàn tiểu bang Ohio.
Dù vậy, các hành động này có thể chỉ mang tính biểu tượng. Vodka từ Nga thực tế chỉ chiếm ít hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu rượu mạnh vào Mỹ, theo dữ liệu từ Hội đồng rượu mạnh của nước này.
Tại nước láng giềng Bắc Âu của Nga là Phần Lan, công ty độc quyền về rượu của chính phủ Alko Oy đã ngừng bán 20 loại vodka, trong đó có chai rượu trị giá 431 euro (480 USD), trong khi một nhóm vận động quyền lợi cho ngành khách sạn nói với các quán bar và nhà hàng rằng họ nên xem xét làm theo các doanh nghiệp đã tẩy chay rượu từ Nga.
Cả hai chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn của Phần Lan, S Group và Kesko Oyj, đều loại bỏ tất cả sản phẩm của Nga, cũng như các đối tác chính ở Baltic, Rimi và Maxima.
Nhà bán lẻ lớn nhất Đan Mạch Salling Group cũng đã loại bỏ tất cả hàng hóa của Nga, từ rượu vodka, kem đánh răng đến socola. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất của Thụy Điển, ICA Gruppen, cũng làm điều tương tự, theo Sveriges Radio.
Một số chuỗi siêu thị quốc tế hoạt động tại Ba Lan, bao gồm Carrefour và Aldi, đã tham gia tẩy chay các sản phẩm của Nga. Nhà bán lẻ lớn nhất của đất nước Biedronka, thuộc sở hữu của Portugues Jeronimo Martins, đã rút 16 sản phẩm, bao gồm rượu vodka Nga và hạt thông sản xuất tại Nga.
Quy mô của cuộc tẩy chay đã giảm do thỏa thuận mà một tập đoàn đồ uống và thực phẩm tư nhân của Ba Lan Maspex SA đã hoàn thành vào ngày 25/2, một ngày sau khi Nga chính thức mở cuộc tiến công nhằm vào Ukraine. Công ty đã trả 1 tỷ USD để mua CEDC, nhà phân phối vodka lớn nhất của đất nước và nhà sản xuất thương hiệu Zubrowka, với khoảng 47% thị phần tại thị trường Ba Lan, từ Russian Roust Corp.
"Việc tẩy chay của chúng tôi sẽ không gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nhân dưới quyền ông Putin, nhưng đó là một vấn đề về nguyên tắc - người dân của chúng tôi không tài trợ cho những người tạo ra chiến tranh", Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte nói.