|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sóng M&A được dự báo phục hồi mạnh từ giữa năm 2021

11:18 | 25/11/2020
Chia sẻ
Theo dự kiến, thị trường M&A Việt Nam nhận được nhiều tác động tích cực từ chính sách, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2021. Theo đó, hoạt động M&A được dự báo có thể phục hồi từ giữa năm 2021, đưa qui mô thị trường trở lại mốc 5 tỉ USD.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 do Báo Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 24/11, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hơn một thập kỉ qua với hàng nghìn giao dịch.

Trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ USD, bằng 49% so với năm 2019.

Theo dự kiến, hoạt động M&A có thể phục hồi từ giữa năm 2021, đưa qui mô thị trường trở lại mốc 5 tỉ USD.

Những điểm trọng yếu tác động tích cực đến M&A năm 2021 - Ảnh 1.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 chiều ngày 24/11. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Ba điểm trọng yếu tác động tích cực đến M&A 

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng điểm hỗ trợ mới cho hoạt động M&A nói riêng và đầu tư nói chung gồm ba bộ luật: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và lần đầu tiên cả ba luật này cùng có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 tới đây.

Trong đó, ở các luật này có ba điểm trọng yếu tác động tích cực đến hoạt động M&A trong thời gian tới.

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp sẽ nâng cao sự an toàn của người mua trong M&A. Ông Hiếu ví dụ, trước đây có khái niệm quyền cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục 6 tháng được đề cử người vào HĐQT.

Trong khi đó, qui định này ngăn cản hoạt động M&A, bởi 6 tháng là thời gian quá dài. Theo qui định mới, tỉ lệ sở hữu yêu cầu sẽ giảm còn 5% và bãi bỏ thời gian sở hữu liên tục trong 6 tháng.

Thứ hai, đối với Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, "nhiều năm qua tại các diễn đàn đã thảo luận rất nhiều về điều kiện đầu tư và hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư và hạn chế đầu tư, trong đó bao gồm hạn chế về quyền, hành vi, hình thức sở hữu.

Bên cạnh đó, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cũng hỗ trợ thông qua việc qui định rõ giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy qui tắc này không mới nhưng nêu rõ hơn, nếu qui định theo điều ước quốc tế thì tuân thủ điều ước, nếu qui định của Việt Nam thì theo qui định Việt Nam", ông Hiếu cho hay.

Thứ ba, Luật đầu tư mới mở ra cơ hội M&A với hai thay đổi chính yếu. Trước hết, luật mới bổ sung thêm lĩnh vực ưu đãi đầu tư như sản xuất hàng hóa cung cấp các dịch vụ tham gia chuỗi liên kết, giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế,...

Ngoài ra, ông Hiếu chỉ ra lần đầu tiên có khái niệm ‘gói ưu đãi đặc biệt’, tức Chính Phủ có thể quyết định mức ưu đãi hơn bình thường.

Gói ưu đãi này dành riêng cho từng loại dự án và nhà đầu tư, trong đó giới hạn ba lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và ngành nghề có qui mô ưu đãi đầu tư vốn lớn.

"Những thay đổi chính sách có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tác động tích cực tới hoạt động M&A và bảo vệ cho người mua", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

Làn sóng M&A từ Nhật Bản

Trong năm 2019 - 2020, thị trường M&A Việt Nam tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, tập trung ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. 

Theo quan sát của ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, xu hướng M&A sở hữu mới trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp qua vốn chủ sở hữu diễn ra phổ biến trong thời gian qua và hai hình thức này vẫn tiếp tục lạc quan trong thời gian tới.

Ông Masataka "Sam" Yoshida, Tổng giám đốc Recof Việt Nam thông tin, Việt Nam dẫn đầu về lượng giao dịch M&A trong năm 2019 với 33 thương vụ, gấp 1,5 lần so với năm trước đó.

"Trước đây, do qui mô doanh nghiệp nhỏ nên Việt Nam chưa bao giờ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu về giá trị giao dịch.

Tuy nhiên vào năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng trong top 3 giá trị giao dịch khi đạt 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017", Tổng giám đốc Recof Việt Nam cho biết.

Ông Masataka "Sam" Yoshida dẫn ra một số cơ sở cho thấy hoạt động đầu tư của Nhật vào Việt Nam sẽ sôi động trong nhiều năm tới. Các công ty Nhật sẽ tìm kiếm thị trường mới để phát triển khi thị trường nội địa đã chạm trần.

"Trong 5 năm qua, thị trường M&A nội địa ở Nhật đều tăng trưởng. Đến năm 2020, hoạt động này giảm 4%, thật sự chạm đáy vào tháng 5 và đang phục hồi", đại diện RECOF Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, chiến lược tăng trưởng M&A của các công ty Nhật còn được hỗ trợ bởi nguồn tiền tích lũy hơn 2.345 tỉ USD trong 20 năm qua.

Ông Masataka "Sam" Yoshida cho biết thêm, "dưới sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông nên năm 2019, thị trường M&A đạt kỉ lục với hơn 4.000 thương vụ".

Nguyên Ngọc