|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: M&A cần sự cân bằng với nhu cầu doanh nghiệp trong nước

23:20 | 23/11/2020
Chia sẻ
Việc cụ thể hóa một số thỏa thuận đang đàm phán rất có thể sẽ được cân nhắc kỹ hơn và hứa hẹn sự bùng nổ của hoạt động mua bán và sáp nhập trong năm 2021.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: M&A cần sự cân bằng với nhu cầu doanh nghiệp trong nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: MPI

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế thì hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được dự báo sẽ trở thành xu hướng đầu tư chiếm ưu thế trong thời gian tới, nhờ sự tiện lợi, dễ dàng triển khai, nhanh chóng bắt đầu sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, cũng cần có sự cân bằng hợp lý giữa hoạt động M&A và nhu cầu lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị thế giới thay đổi sâu sắc và hệ luỵ do đại dịch COVID-19, xin ông chia sẻ một số nhận định về những chính sách mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Do tác động tiêu cực của dịch bệnh, dòng vốn FDI trên thế giới giảm mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến các nước đang phát triển. 

Sau khi đại dịch bùng phát, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng. Chính phủ các nước trên thế giới đã có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong nước để không bị phá sản hoặc bị nước ngoài thâu tóm.

Trong bối cảnh đó, chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở nên quan trọng vừa đưa các nhà đầu tư đến Việt Nam, đồng thời thuyết phục các nhà đầu tư ở lại và mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. 

Với bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị thế giới thay đổi sâu sắc và hệ luỵ do đại dịch COVID-19 mang lại, thu hút FDI đã định hình những ngành nghề, lĩnh vực cần ưu tiên.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan toả tới doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại, tham gia vào chuỗi cung ứng và có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Hiện nay, kinh tế thế giới đang vận hành trong bối cảnh thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số. Vì vậy, thu hút FDI đang ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ lớn, dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ đến từ các nước phát triển.

Luật Đầu tư sửa đổi vừa được thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2021 sắp tới, cùng với những văn bản hướng dẫn thực thi luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo sẽ là khung khổ pháp lý rõ ràng nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, mở ra những giải pháp khuyến khích đặc biệt để đón dòng vốn FDI hiệu quả nhất vào Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, M&A đang trở thành xu thế trong thu hút FDI, ông có cho rằng M&A đang nổi lên và trở thành một xu hướng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Rõ ràng M&A đang trở thành xu thế trong thu hút FDI nói chung. Theo dữ liệu thống kê, ngoại trừ năm 2014, thì 10 năm qua Việt Nam luôn là một trong top 3 những điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á của các nhà đầu tư Nhật Bản xét theo số lượng giao dịch.

Năm 2019, số lượng giao dịch của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 33 giao dịch, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. 

Tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư Nhật Bản trong năm vào Việt Nam là 389 triệu USD, lần đầu tiên vào top 3, xếp sau Singapore và Indonesia. Điều này cho thấy định giá các công ty Việt Nam đang tăng lên và các nhà đầu tư FDI đang ngày càng quan tâm thị trường Việt Nam.

Có một xu hướng là ngày càng có nhiều người mang ý tưởng kinh doanh và đi tìm mua các doanh nghiệp sẵn có. 

Mua lại doanh nghiệp sẽ giảm bớt được thời gian làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tìm mặt bằng, tuyển nhân sự, tìm đối tác, xây dựng hệ thống, thiết lập chuỗi... điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và có thể nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 khiến việc đi lại tìm hiểu trở nên khó khăn.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những ngành, lĩnh vực nào đang đứng đầu danh sách giao dịch ra nước ngoài của các quốc gia đang hướng tới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đại dịch COVID-19 khác với khủng hoảng kinh tế những năm 2008 - 2009, nên một số ngành như: tài chính - ngân hàng chưa bị ảnh hưởng, thậm chí, nhiều ngành còn đang phát triển tốt, như dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, nông nghiệp, chăn nuôi, bán lẻ, logistics…

Trong báo cáo tóm tắt xu hướng M&A của Mergermarket mới công bố, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á về giá trị giao dịch M&A, với tổng giá trị giao dịch là 872 triệu USD. Trong số này, phần lớn được thúc đẩy bởi khoản đầu tư từ Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) vào Vinhomes, với giá trị 651 triệu USD.

Do đại dịch COVID-19, hoạt động M&A ở khu vực Đông Nam Á đã chậm lại trong nửa đầu năm 2020; trong đó, dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học là những ngành đứng đầu danh sách giao dịch ra nước ngoài của các quốc gia hiện nay; tiếp theo là ngành bất động sản, chủ yếu bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư tư nhân có vẻ đang chọn cách tiếp cận chờ đợi khi triển vọng kinh doanh trong tương lai chưa chắc chắn. 

Nhiều công ty cũng muốn giữ tiền mặt cao hơn trên bảng cân đối kế toán. Vì vậy, việc cụ thể hóa một số thỏa thuận đang đàm phán rất có thể sẽ được cân nhắc kỹ hơn và hứa hẹn sự bùng nổ trong năm 2021.

Phóng viên: Trong các hình thức đầu tư, triển vọng đầu tư thông qua M&A là khá tích cực. Ông có cho rằng, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong các hình thức đầu tư, triển vọng đầu tư thông qua M&A theo tôi là khá tích cực. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của hình thức đầu tư này là có lý do. Trong bối cảnh hiện nay, hoàn toàn có khả năng thúc đẩy mô hình M&A mạnh hơn so với trước đây.

Khi nhà đầu tư quan tâm M&A thì có nghĩa là họ muốn chớp lấy cơ hội nhanh chóng để tìm kiếm dự án đầu tư đã có, tận dụng sự sẵn có của doanh nghiệp mua bán và sáp nhập. 

Điều này khá thuận lợi vì tiết kiệm thời gian, chi phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân sự, hệ thống phân phối và chuỗi sản xuất của nhà đầu tư, giúp họ có thể nắm lấy cơ hội một cách nhanh chóng; đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn.

Nhiều quốc gia vẫn phong tỏa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến các hoạt động M&A tại Việt Nam bị chậm lại nhưng trong dài hạn thị trường sẽ bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua; đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, nông nghiệp, dược phẩm M&A. 

Xu thế này cho thấy tín hiệu hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, cũng cần có sự cân bằng hợp lý giữa hoạt động  M&A và nhu cầu lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm; đồng thời, gây dựng, phát triển và gìn giữ các thương hiệu nội địa.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Thúy Hiền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.