Soi khối tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng của Vietcombank
Được giá, Vietcombank thông báo bán 1/3 số cổ phần nắm giữ tại Vietnam Airlines | |
Năm 2017, thu nhập nhân viên Vietcombank tăng 'khủng' lên gần 35 triệu đồng/ tháng |
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 với mức lợi nhuận “khủng”. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016, chủ yếu do mức tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, đáng chú ý là khối lượng tài vượt con số 1 triệu tỷ đồng.
Tăng dư nợ mảng bán lẻ trong năm 2017
Tổng tài sản của Vietcombank tăng tới hơn 30%, vượt con số 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 543.400 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016.
Dư nợ cho vay cá nhân đạt khoảng 177.700 tỷ đồng, chiếm gần 33% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi năm 2016, tỷ lệ này chỉ chiếm hơn 25%. Có thể thấy, danh mục cho vay của Vietcombank mở rộng với trọng tâm tăng dư nợ mảng bán lẻ.Cơ cấu dư nợ tín dụng khá ổn định khi tỷ trọng dư nợ ngắn hạn chiếm gần 56% tổng dư nợ tín dụng, tỷ trọng tương đương với năm 2016.
Dư nợ cho vay của Vietcombank. Nguồn: BCTC của Vietcombank. |
Thoái vốn nhiều ngân hàng và công ty tài chính
Trong năm qua, Vietcombank là một trong những ngân hàng nổi cộm vấn đề sở hữu chéo. Kết luận thanh tra Chính phủ số 3216/TB-TTCP công bố hồi cuối năm cho hay Vietcombank vi phạm trong đầu tư tài chính như việc góp vốn mua cổ phần, chưa hoàn toàn phù hợp với Luật các TCTD và Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Vietcombank có cổ phần tại Gentraco (từ tháng 7/2006 - 10/2014) và MBBank từ năm 1994, nhưng doanh nghiệp lại là cổ đông hoặc công ty con của TCTD là cổ đông của Vietcombank (Gentraco tháng 7/2010, VCBS tháng 7/2006, MBS tháng 12/2013) là chưa đúng quy định của Luật các TCTD. Bên cạnh đó, Vietcombank chậm thoái vốn tại những doanh nghiệp ngoài ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Thoái vốn tại chuỗi các ngân hàng và công ty tài chính. |
Trong năm 2017, Vietcombank thực hiện thoái vốn tại 3 tổ chức tín dụng, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Công ty Tài Chính Cổ phần Xi Măng (CFC).
Trong năm 2017, kết quả đấu giá cổ phần cho thấy Vietcombank đã thoái toàn bộ cổ phần tương đương 4,3% vốn điều lệ Saigonbank; chào bán thành công 13,16 triệu cổ phần OCB; thoái toàn bộ 6,6 triệu cổ phần nắm giữ tại CFC. Tuy nhiên, có thể quá trình chuyển nhượng số cổ phần vẫn chưa được hoàn tất nên tính tới thời điểm 31/12/2017 tỷ lệ vốn góp của Vietcombank vẫn chiếm 10,91% vốn điều lệ CFC và 3,97% vốn điều lệ OCB.
Các khoản đầu tư tại các TCTD của Vietcombank trong năm 2017. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của VCB). |
Báo cáo tài chính cho thấy, đến thời điểm 31/12/2017, Vietcombank còn nắm cổ phần tại ba ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank nắm số cổ phần tương đương 8,12% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Xuất - Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), ở Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lần lượt là 6,97% và 3,97%.
Trong năm CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) bán cổ phần Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd (SFMI) và tăng vốn điều lệ lên 887 tỷ đồng, theo đó, Vietcombank giảm tỷ lệ sở hữu PJICO từ 10,04% vốn vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 8,03% vào cuối 2017.
Năm 2018, Vietcombank sẽ hoàn tất việc thoái bớt vốn khỏi ngân hàng OCB và theo thông tin từ phía ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng cũng dự định bán hết vốn tại cả hai ngân hàng MBBank, Eximbank.
Với sự hưng phấn của thị trường chứng khoán trong đó đóng góp không hề nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu của MBBank và Eximbank mà Vietcombank lên kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới đều ghi nhận mức tăng trưởng về thị giá.
Diễn biến giá cổ phiếu MBB và EIB trong vòng một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect. |
Giá cổ phiếu MBB của ngân hàng MBBank trong đà tăng trưởng một năm vừa qua. Chốt phiên ngày 29/1/2018, giá cổ phiếu MBB ở mức 33.100 đồng/cp, tăng tới khoảng 161% so với mức giá cách đây một năm. Còn cổ phiếu EIB của Eximbank biến động lên xuống liên tục và bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2018 nhờ những thông tin tích cực. Chốt phiên 29/1, giá cổ phiếu EIB ở mức 10.100 đồng/cp, tăng hơn 68% so với mức giá cách đây một năm.
Tất toán trước hạn số trái phiếu VAMC, nợ xấu giảm mạnh
Tính đến 31/12/2017, Vietcombank đã tất toán xong toàn bộ số trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tiếp tục giảm mạnh và hiện ở mức 1,1%, giảm 0,35 điểm % so với 2016.
Năm 2017, huy động tiền gửi khách hàng chiếm khoảng 72% tổng nợ, giảm nhẹ so với con số 80% so với năm 2016.
Trong khi đó, các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng đột biến. Khoản nợ lên gần 171.400 tỷ đồng năm 2017, gấp 3 lần con số nợ 54.100 tỷ đồng của năm 2016. Chiếm chủ yếu là tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước, chiếm tới gần 98% giá trị khoản nợ.
Đáng chú ý, khoản phải thu của Vietcombank tăng 56%, lên tới 4.600 tỷ đồng so với con số gần 3.000 tỷ đồng năm 2016. Trong đó, khoản phải thu khác liên tiếp trong hai năm chiếm tỷ trọng lớn, tới 46% khoản phải thu.
Năm 2017, Vietcombank đã tiến hành phát hành thêm 8.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm tăng nguồn vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) để sẵn sàng cho việc triển khai Hiệp ước vốn Basel II.