|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Đầu tư tư nhân suy giảm, NHTM cổ phần Nhà nước vẫn khó khăn khi xin tăng vốn

17:56 | 04/11/2024
Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 4/11, ĐBQH Trịnh Xuân An nêu vấn đề về tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư, các ngân hàng có vốn Nhà nước khó khăn khi xin tăng vốn?

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. 

Đầu tư công lớn nhưng không dẫn dắt được đầu tư tư

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Nêu ý kiến về nguồn lực để phát triển kinh tế, Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm nay và cả năm 2025 là khoảng thời gian rất quan trọng, về đích của cả nhiệm kỳ.

Đại biểu cho rằng Chính phủ đã hết sức nỗ lực để đạt được những chỉ tiêu của năm nay. Tuy nhiên, đại biểu An cũng nhấn mạnh đầu tư công vẫn chưa dẫn dắt được đầu tư tư. Theo đại biểu, hiện nay chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội nhất là hạ tầng giao thông.

Năm nay, số vốn đầu tư công được dự kiến là khoảng 800.000 tỷ đồng, sắp tới sẽ tiếp tục dành khoảng 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đây là số tiền đầu tư rất lớn về giao thông với nguyên tắc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, nhưng tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư tư đang ngày càng suy giảm.

"Giai đoạn hiện nay tăng đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước",Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết và đặt câu hỏi: "Tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư?".

Theo đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế. Đồng thời, phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột và phải đầu tư doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, điểm nghiẽn hiện nay là về thủ tục, doanh nghiệp tư nhân có thể không cần vốn nhưng cần cơ chế, đại biểu cho biết và đề xuất, đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội.

NHTM có vốn Nhà nước khó khăn xin tăng vốn

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đại biểu Trịnh Xuân An tán thành với phương án Chính phủ trình, để đảm bảo chỉ số an toàn và sức mạnh cho ngân hàng nhà nước này.

Tuy nhiên, đại biểu quan tâm đến việc ứng xử như thế nào với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi hiện nay, hệ thống này đang có sự tụt hậu về cả về tỷ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn so với ngân hàng thương mại tư nhân.

"Tại sao Vietcombank, BIDV, Vietinbank đang đứng ở nhóm thứ hai, sau một số ngân hàng thương mại tư nhân. Tôi cho rằng, khó khăn nằm ở khâu thủ tục", ông An nói. Theo ông, không chỉ các ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp Nhà nước đều gặp khó khăn về thủ tục.

Hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước đang là "sếu đầu đàn" nhưng lại bị trói buộc bởi thủ tục, ông đề nghị sắp tới cần có cơ chế để các doanh nghiệp này có một "đường ray" tốt để đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình lên của đất nước, đại biểu An nhìn nhận.

Tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng cần rà soát những vướng mắc, nguồn lực trong xã hội để đánh lãng phí.

Đại biểu phản ánh, hiện còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; nhiều dự án nhà ở bỏ dở, công trình xây dựng kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành là những ví dụ về lãng phí. Vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước. 

Theo đại biểu, ngay trong Kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…. thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: Các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ. 

Qua đó, đại biểu kiến nghị có thể ban hành các cơ chế đặt thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng.

Hạ An