Chủ tịch Agribank đề xuất cơ chế chủ động tăng vốn cho Big4, không cần trình lên Quốc hội
Trong phiên thảo luận tổ sáng ngày 26/10 về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội và cũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho rằng cần có cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chủ động tăng vốn.
Ông Ấn cho biết Agribank, cùng với Vietcombank, VietinBank và BIDV là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Big4) với dư nợ chiếm khoảng 44,5% toàn hệ thống. Nhóm ngân hàng này “có vai trò dẫn dắt, thực thi chính sách tiền tệ rất tốt cũng như luôn đi dầu, là một công cụ rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để điều tiết thị trường”.
Bởi vậy, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng cần phải tiếp tục đầu tư, bổ sung thêm vốn cho nhóm Big4, đặc biệt khi vốn điều lệ hiện nay còn thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần, chẳng hạn như VPBank (79.000 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) hay ACB (44.000 tỷ đồng) .…
“Các ngân hàng này có dư nợ chưa bằng một nửa so với ngân hàng lớn, nhưng vốn lại nhiều hơn …”, ông Ấn cho biết.
“Rõ ràng hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước tỷ suất lợi nhuận đều rất tốt, vừa thực thi chính sách tiền tệ tốt, vừa mang lại lợi ích thì tại sao chúng ta không đầu tư?”, ông đặt vấn đề.
Ông Ấn còn nói thêm rằng thủ tục tăng vốn đối với Agribank khó khăn hơn cả những ngân hàng thương mại nhà nước khác: “Cứ có lợi nhuận hàng quý là đưa vào ngân sách. Và vì vậy, đến khi muốn tăng vốn thì rất khác, phải xin các thủ tục như hai năm trước Agribank đã xin”.
Đối với nhóm ngân hàng đã cổ phần hóa như Vietcombank, VietinBank, BIDV thì có thể giữ lại lợi nhuận, chưa nộp ngân sách. Nếu chia cổ tức bằng tiền thì sẽ trở lại ngân sách, còn để lại hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu thì tương tự việc Nhà nước đầu tư lại cho ngân hàng.
Theo quy định hiện nay, các ngân hàng phải đạt tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức tối thiểu là 8%. CAR được tính bằng vốn tự có (chủ yếu từ vốn điều lệ, lợi nhuận giữ lại …) chia cho tài sản có rủi ro (dư nợ cho vay nhân hệ số rủi ro).
“Điều này có nghĩa muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng. Mỗi ngân hàng Big4 muốn tăng trưởng 10%/năm thì mỗi năm phải tăng vốn trên 10.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, cứ bổ sung vốn Nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua”, ông Ấn nêu khó khăn. “Nếu muốn giữ thị phần chủ đạo thì phải có cơ chế tăng vốn, chứ không thể tăng từng đợt như hiện nay”.
“Rõ ràng nếu 4 ngân hàng cứ suốt ngày trình ra, thẩm định từ Chính phủ, tới các Bộ, ngành rồi mang ra thảo luận như thế này sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông nhấn mạnh. Do việc tăng vốn vừa giúp đảm bảo quy định, vừa mang lại hiệu quả, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị nên tạo ra một cơ chế cho phép các ngân hàng được tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại, tránh thủ tục hành chính gây mất thời gian.
Trước đó, nhiều ngân hàng TMCP nhà nước cũng đã có kiến nghị về việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm nay, Chủ tịch Trần Minh Bình kiến nghị cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn.