|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiến độ phê duyệt tăng vốn cho các Big4 ngân hàng ra sao trong năm 2024?

13:05 | 11/10/2024
Chia sẻ
Hiện mới chỉ có Vietcombank được Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Các phương án tăng vốn của ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã đang được hoàn thiện.

Tại Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đã thông tin về phương án tăng vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước. 

Cụ thể, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank; hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã.

Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ khẳng định các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. 

Phương án tăng vốn của Vietcombank đã hoàn thiện, trong khi của VietinBank vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến. Các báo cáo gần đây không nhắc đến quy mô phương án tăng vốn của BIDV, Agribank. 

Vietcombank được đề xuất tăng vốn thêm 20.700 tỷ đồng

Trước đó, tại Tại phiên làm việc chiều 24/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung khoảng 20.695 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank. Dự kiến vốn bổ sung lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng. 

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đề xuất tăng vốn cho ngân hàng này bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lấy ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Mizuho Bank. Đồng thời, cơ quan thẩm tra lưu ý vốn điều lệ được tăng thêm cần sử dụng cho mở rộng kinh doanh, tăng tín dụng và các chính sách hỗ trợ kinh tế của ngân hàng này, thay vì đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Như vậy, kế hoạch dự kiến được trình lên Chính phủ và Quốc hội thấp hơn so với kế hoạch tăng vốn khoảng gần 27.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 thông qua. 

Ngoài dự định tăng vốn trên, Vietcombank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 và 24.987 tỷ đồng (chưa rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu) lợi nhuận còn lại năm 2023.

Về kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5%, Vietcombank đã rút nội dung "Thông qua phương phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ" khỏi chương trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Theo Chứng khoán MB (MBS), Vietcombank hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ theo tỷ lệ 6,5%, dự kiến trị giá khoảng 1 tỷ USD sang năm 2025.  

Agribank đã tăng vốn lên hơn 51.600 tỷ đồng

Ngày 4/10, NHNN đã có quyết định về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Agribank từ 40.963 tỷ đồng lên 51.639 tỷ đồng. Agribank đã được tăng vốn 6.753 tỷ đồng trong năm 2023 và 10.347 tỷ đồng trong năm 2024, tổng cộng là 17.100 đồng. 

Trong báo cáo mới đây của Chính phủ không có nội dung hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ mới đối với Agribank. Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024.

"Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng", ông Ấn cho biết tại một hội nghị vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, khi vốn điều lệ trên 41.000 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của Agribank ở mức trên 9,2%. 

Đang lấy ý kiến tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng cho VietinBank

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho biết NHNN đang lấy ý kiến Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 (7.948 tỷ đồng).

Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 từng được ĐHĐCĐ của VietinBank thông qua có quy mô lên đến 12.330 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ (13.927 tỷ đồng).

BIDV còn hai phương án trả cổ tức

Hiện nay, BIDV đang có hai phương án phân phối lợi nhuận đã được cổ đông thông qua nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ nhất là phương án phát hành 1.2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2022. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ phương án này là 11.970 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2023 (15.491 tỷ đồng sau khi trích các quỹ). 

Về kế hoạch phát hành riêng lẻ, MBS cho biết BIDV đã hoãn kế hoạch phát hành thêm 9% vốn điều lệ sang năm 2025. Việc định giá sẽ phụ thuộc vào giá thị trường tại thời điểm đó. 

Vốn điều lệ của BIDV đang ở mức 57.004 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh. 

Minh Quang