|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Số gian hàng Amazon xóa vì trục lợi từ dịch COVID-19 chỉ tương đương 28% trường hợp tại Việt Nam

11:50 | 09/03/2020
Chia sẻ
Amazon xóa 2.500 gian hàng có dấu hiệu trục lợi từ dịch COVID-19. Tuy nhiên con số này chỉ tương đương 28% số gian hàng thương mại điện tử bị xóa ở thị trường Việt Nam.

Mới đây, Amazon thông báo tập đoàn đã xóa hàng nghìn gian hàng và hàng trăm nghìn sản phẩm trên nền tảng vì những người bán có dấu hiệu lũng đoạn thị trường.

Brian Huseman, phó chủ tịch chính sách công của Amazon, nói tập đoàn đang chủ động giám sát giá cả thị trường để đảm bảo quyền lợi của khách hàng bằng cách loại bỏ những gian hàng/sản phẩm vi phạm qui định mà Amazon đặt ra.

Số gian hàng bị Amazon xóa vì trục lợi từ dịch COVID-19 chỉ tương đương 28% trường hợp tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Amazon loại 2.500 gian hàng vì trục lợi từ dịch COVID-19. Ảnh: CNBC

Amazon đã xóa tới 530.000 mặt hàng trái qui định, đồng thời khóa tài khoản của 2.500 gian hàng trên thị trường Mỹ. Thậm chí, Amazon còn đang làm việc với các cơ quan chức năng và có thể sẽ truy tố những trường hợp cố tình vi phạm, theo CNBC.

Trước đó, Amazon, Walmart và các sàn thương mại điện tử khác đều hạn chế người bán hàng làm giá trên nền tảng, đặc biệt là ở thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Các sản phẩm mà Amazon nhiều nhất là khẩu trang, nước rửa tay. Những người vi phạm đã tăng giá một hộp khẩu trang N95 từ 13,28 USD lên tận 195 USD. 

Từ trước tới giờ Amazon sử dụng công cụ mã hóa để tìm và phát hiện những trường hợp vi phạm. Gần đây, tập đoàn đã trực tiếp sử dụng nhân lực để kiểm tra và đánh giá lại để tránh bỏ sót những trường hợp có thể "lách luật". 

"Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra một cách thủ công những sản phẩm và gian hàng trên nền tảng trong mùa dịch để có thể phát hiện những trường hợp người bán làm giá bất thường nhưng vẫn đang qua mặt hệ thống tự động", Huseman tiết lộ.

Đầu tháng 3/2020, Amazon tiết lộ họ đã xóa bỏ hơn 1 triệu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm qui định có liên quan đến COVID-19, phần lớn là các dòng sản phẩm khẩu trang, với nhiều gian hàng có dấu hiệu tăng giá.

Việc Amazon mạnh tay với các gian hàng vi phạm là một trong những động thái nhằm ngăn chặn tình hình xã hội trở nên bất ổn. Từ khi dịch COVID-19 lan mạnh ra bên ngoài Trung Quốc, nhiều nền kinh tế đã cấm hoặc hạn chế bán khẩu trang ra ngoài vì nhu cầu nội địa tăng vọt.

Số gian hàng bị Amazon xóa vì trục lợi từ dịch COVID-19 chỉ tương đương 28% trường hợp tại Việt Nam  - Ảnh 2.

Tính tới ngày 2/3, số gian hàng thương mại điện tử tại Việt Nam bị gỡ bỏ đã lên đến 8.900. Ảnh: Shopee.

Tại Việt Nam, Công văn số 59/TMĐT-QL của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trực thuộc Bộ Công thương đã yêu cầu rõ ràng các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam cần phải phối hợp nghiêm túc, loại những gian hàng có dấu hiệu trục lợi từ mùa dịch, bất kể là bằng công cụ có sẵn trong nền tảng hoặc bằng sự kiểm tra thủ công của con người.

Tính tới hết ngày 2/3/2020, số gian hàng vi phạm đã lên đến 8.900, nghĩa là số gian hàng vi phạm bị phát hiện trên Amazon (2.500) chỉ tương đương 28% số gian hàng gian lận tại thị trường thương mại điện tử của Việt Nam.

Trong số các gian hàng bị phát hiện và gỡ bỏ, có 3.700 gian đến từ Shopee (với 4.800 sản phẩm), 3.100 gian hàng đến từ Sendo (4.700 sản phẩm) và hơn 2000 gian hàng từ các sàn thương mại điện tử khác (chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn, Fado.vn, Bibomarrt.com.vn, Vatgia.com) với khoảng 13.000 sản phẩm.


Tiểu Phượng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.