|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Bình: Nhân viên được sếp giao việc khó mà từ chối giống nhân vật Ngạn, một đời tiếc nuối vì không dám nói lời yêu Hà Lan

07:12 | 10/11/2021
Chia sẻ
Shark Bình cũng tin rằng nếu thực hiện những nhiệm vụ khó mà thất bại thì các nhân viên cũng không bị chê cười hay trách móc quá nhiều.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech được khán giả biết tới nhờ xuất hiện trên sóng truyền hình Shark Tank Việt Nam. Ông nổi tiếng nhờ những những phát ngôn và nhận xét thẳng thắn về startup ngay trên sóng truyền hình.

Thậm chí, có không ít lần vị "cá mập" này nhận xét startup lên gọi vốn là "ngáo giá" hay "nên dừng lại để đỡ phí thanh xuân". Dù vậy, ông chủ NextTech cũng là một người thường xuyên chỉ ra các vấn đề mà startup gặp phải cũng như trở thành bệ phóng cho không ít đơn vị khác nhau.

Chính nhờ sự thẳng thắn này mà những chia sẻ của Shark Bình nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Mới đây, trên Fanpage chính thức, ông chủ của NextTech đã có những chia sẻ về vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ: Khi được sếp giao một việc khó, bạn sẽ làm gì?

Theo đó, Shark Bình đưa ra hai lựa chọn: Một là bỏ cuộc ngay và luôn, hai là chấp nhận thử thách. Cuối cùng, ông chủ NextTech lựa chọn việc chấp nhận thử thách. Đồng thời, ông cho rằng chủ đề này cũng tương tự như trong câu chuyện tình yêu.

"Chắc phần lớn các bạn đã từng xem qua bộ phim nổi tiếng của Việt Nam – Mắt Biếc. Câu trai nghèo tên Ngạn vì tự ti hoàn cảnh của bản thân mà không dám mở lời với Hà Lan, mặc dù thực tế là Hà Lan có những tình cảm với Ngạn. 

Nếu Ngạn mạnh mẽ hơn, dám xông pha, dấn thân thì có lẽ câu chuyện đã kết thúc theo cách khác. Cuối cùng, Ngạn đã phải nuối tiếc vì một tuổi trẻ không dám dấn thân, không dám nói lời yêu với Hà Lan", ông chủ Tập đoàn NextTech lấy ví dụ.

Shark Bình: Nhân viên được sếp giao việc khó mà từ chối giống như nhân vật Ngạn trong 'Mắt Biếc', sống cả một đời tiếc nuối vì không dám nói lời yêu Hà Lan - Ảnh 1.

Shark Bình tin rằng việc được giao nhiệm vụ khó là một vinh dự. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo Shark Bình, một nhân viên nên cảm thấy vui và hãng diện bởi khi được giao một việc khó, đồng nghĩa với việc người nhân viên đó đã nhận được sự tin tưởng từ cấp trên.

"Một lãnh đạo chỉ giao việc khó cho người mà họ nghĩ rằng có năng lực và khả năng hoàn thành công việc đó. Đây cũng có thể là cơ hội để chúng ta đạt được những bước thăng tiến, đột phá trong công việc và sự nghiệp", Shark Bình chia sẻ.

Ngoài ra, ông cũng lấy thêm ví dụ về ngành quân đội. Theo đó, trong thời bình, khi không có chiến tranh xảy ra hay có một nhiệm vụ đặc biệt nào, một quân nhân chỉ có thể được thăng quân hàm theo thời gian nhất định, có thể là sau 5 – 7 – 10 năm. Thậm chí, có những người đi đến hết cuộc đời cũng mới được phong hàm Trung tá, Thượng tá hoặc Đại tá.

Ngược lại, với những người tham gia những chiến dịch đặc biệt, nguy hiểm và lập được những chiến công hiển hách, họ hoàn toàn có thể được thăng vượt cấp hai, ba lần. Lý do có những người còn trẻ tuổi mà đã được mang quân hàm Tướng là bởi họ đã xông pha, dấn thân vào những trận chiến lớn, lập được nhiều thành tích, chiến công vang dội.

"Đối với người đi làm, thành tích thông thường nằm ở những việc khó. Khi làm được những việc khó, cơ hội để chúng ta thăng tiến, cải thiện thu nhập sẽ tốt hơn và ngược lại", Shark Bình cho biết.

"Chúng ta làm những việc dễ mà thất bại thì mới bị chê cười. Trong khi đó, chúng ta làm việc khó mà thất bại thì cũng không bị ai đánh giá xấu quá nhiều. Chúng ta có thể gọi đó là thành tích".

Ông chủ NextTech tiếp tục lấy thêm ví dụ về Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. "Giờ đây, nếu đội tuyển bóng đá Việt Nam vượt qua được vòng loại cuối cùng để đến với World Cup 2022 tại Qatar thì đó được gọi là kỳ tích, thậm chí có thể được cả thế giới tung hô. 

Ngược lại, nếu chúng ta có bị loại thì mọi người cũng không có gì để phàn nàn hay chê trách bởi chúng ta đã chiến đấu hết mình", lãnh đạo Tập đoàn NextTech nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng kể cả khi thất bại, chúng ta vẫn có thêm rất nhiều kinh nghiệm, qua đó trưởng thành hơn trong cuộc sống và công việc.

"Cá nhân tôi thấy rằng việc phải làm những nhiệm vụ khó đem lại toàn những điều tích cực cho bất kỳ cá nhân nào, vì cuối cùng bản thân chính là người hưởng lợi. Tất nhiên, quá trình thực hiện những việc này không dễ dàng. Suy rộng ra, đây có thể gọi là tinh thần dấn thân", Shark Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, mỗi lần dấn thân tức chúng ta đang gieo một hạt may mắn. Càng gieo nhiều hạt, chúng ta càng có thêm cơ hội để gặt hái kết quả. Ngược lại, nếu từ chối dấn thân tức chúng ta đang giao một hạt tiếc nuối. Sau này khi nhìn lại, có thể chúng ta sẽ rơi vào bài ca muôn thuở: "Giá như hồi đấy mình làm, có thể bây giờ mọi chuyện đã khác".  

Quốc Anh