|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị sếp mắng, nhân viên đòi nghỉ việc ngay và luôn, Shark Bình kể chuyện Hàn Tín năm xưa để khuyên giải

07:40 | 04/11/2021
Chia sẻ
Chốn công sở luôn tồn tại những mâu thuẫn và đôi khi sự chịu nhẫn nhục lại là chìa khóa để vượt qua tình huống khó xử.

Trong môi trường công sở, sự hài hòa trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên có tốt thì hiệu quả công việc mới tăng. Tuy nhiên, làm sai bị sếp mắng to, nhân viên quyết định thôi việc ngay và luôn, đây có phải có là quyết định đúng đắn?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Next Tech, đã ứng dụng binh pháp để giải quyết vấn đề trên thông qua câu chuyện của Hàn Tín.

Hàn Tín là một vị danh tướng thời Hán Sở tranh hùng. Thời trẻ, cha mẹ ông mất sớm nên phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Vì muốn xây cất cho mẹ một ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao, ông đã phải bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ.

Thấy Hàn Tín "tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm", có gã hàng thịt ở chợ thách đâm, nếu không dám đâm thì phải chui qua háng ông ta. Hàn Tín đã chịu nhục chọn chui qua háng, mọi người thấy vậy đều chê cười. Thế nhưng sau này, Hàn Tín lại trở thành một nguyên soái lừng lẫy trong lịch sử.

Nhân viên đòi nghỉ việc ngay và luôn khi bị sếp mắng, Shark Bình ứng dụng binh pháp giải quyết mẫu thuẫn - Ảnh 1.

Hàn Tín chịu nhục chui qua háng ông bán thịt. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Vấn đề ở đây, "sự nhẫn nhục" là chìa khóa gỡ rối cho câu chuyện này. Kết nối với mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên, Shark Bình cho rằng việc nhân viên làm không đúng, bị ăn mắng rồi nghỉ việc ngay lập tức là sai lầm. Tuy nhiên, ông Bình có lời khuyên với cả sếp và nhân viên trong tình huống này.

Đối với nhân viên, về tổng quan, bản chất "nhân viên đi làm thuê là được trả lương để làm đúng". Vì vậy, khi nhân viên mắc sai lầm và gây ra thiệt hại, việc bị trừng phạt, thậm chí là ăn mắng thể hiện sức ép trong môi trường làm việc, điều này ở môi trường nào cũng có.

"Nếu nhân viên không muốn bị mắng, chúng ta có thể bỏ việc, bỏ kiếp làm thuê để startup, khởi nghiệp để làm sếp và để trải nghiệm một cuộc sống còn khổ cực hơn rất nhiều", Chủ tịch Tập đoàn Next Tech gợi ý.

Ông Bình cũng nêu quan điểm rằng giới trẻ hiện nay có sức chịu đựng, chịu khổ kém hơn so với thế hệ trước, kể cả thế hệ 7x, 8x. Bởi, thế hệ trước được sinh ra trong nghèo đói và khổ cực, họ luôn có tinh thần chịu thương, chịu khó, chịu khổ, thậm chí là chịu nhục tốt hơn so với thế hệ trẻ.

Ông cũng gợi ý người trẻ có thể trải nghiệm ở môi trường công sở Hàn Quốc hay Nhật Bản, nơi thử thách sức chịu đựng, chịu khổ gấp rất nhiều lần so với Việt Nam, đồng thời cho rằng người trẻ cần phải cố gắng nỗ lực hơn rất nhiều.

Nhân viên đòi nghỉ việc ngay và luôn khi bị sếp mắng, Shark Bình ứng dụng binh pháp giải quyết mẫu thuẫn - Ảnh 2.

Shark Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Next Tech. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Đối với người làm sếp, Shark Bình nêu quan điểm rằng do ảnh hưởng bởi văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, người sếp rất coi trọng yếu tố "thể diện" hay "bộ mặt" của mình.

Trong mối quan hệ với cấp dưới, có người sếp sẽ chọn phong cách "lạm phát lời khen", tức từ việc nhỏ nhất cũng khen nhân viên; hay ngược lại, có người lại theo phong cách "tiết kiệm lời khen", tức chỉ làm thật sự tốt thì khen. Hai phong cách này đều có điểm tích cực, tiêu cực và không có cái nào là hoàn toàn đúng.

Vì vậy, dựa vào Binh pháp Tôn tử rằng con người "phải uyển chuyển như dòng nước", tùy thời thế mà áp dụng linh hoạt, Shark Bình chỉ ra rằng người làm sếp phải biết khen chê đúng người, đúng thời điểm. Đặc biệt, nếu có trách mắng nhân viên, các sếp cũng nên giữ thể diện cho họ, hoặc là ở một nơi ít người hay ở các buổi nói chuyện riêng tư.

Tường Vy