Sếp Goldman Sachs nghỉ việc sau khi kiếm hàng triệu USD từ Dogecoin
Các nguồn tin cho biết ông Aziz McMahon, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận bán sản phẩm thị trường mới nổi ở Goldman Sachs đã từ chức sau khi lãi lớn từ Dogecoin, đồng tiền mã hóa vốn được tạo ra như một trò đùa.
Giá Dogecoin đã tăng vũ bão trong vài tháng gần đây nhờ sự ủng hộ của những người nổi tiếng như CEO Elon Musk của Tesla, rapper Snoop Dogg và tay bass Gene Simmons của nhóm nhạc Kiss, tờ The Guardian cho biết.
Tuần trước, Dogecoin đã tăng trên 0,74 USD trong sự phấn khích của nhà đầu tư trước sự xuất hiện của Elon Musk trên chương trình Saturday Night Live. Nhưng trái với kỳ vọng, giá Dogecoin lại lao dốc sau khi Elon Musk lên sóng. Trong tuần này Dogecoin mất hơn 30%, xuống còn 0,5 USD, theo Coindesk. Tuy nhiên hiện giá đồng tiền này vẫn cao hơn 1.000% so với đầu năm.
Ít người biết chính xác ông McMahon kiếm được bao nhiêu tiền nhờ đánh cược vào Dogecoin. Việc ông rời khỏi Goldman Sachs sau 14 năm làm việc trong ngân hàng được thông báo trên trang web efinancialcareers.
Ông McMahon không trả lời yêu cầu bình luận của The Guardian. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết họ tin rằng ông McMahon đã kiếm được khoản lãi đáng kể.
Ông McMahon được cho là đã tự đầu tư Dogecoin bằng tài khoản cá nhân và không tham gia vào việc giao dịch tiền mã hóa của Goldman Sachs.
Được tạo ra vào năm 2013 bởi hai kỹ sư phần mềm của IBM và Adobe, Dogecoin bắt đầu như một trò đùa nhại lại bitcoin. Nhưng kể từ đó giá Dogecoin đã nhảy vọt nhờ làn sóng đầu cơ tiền mã hóa, được thúc đẩy nhờ mạng xã hội và mục tiêu duy trì trò đùa bằng việc thổi giá của nó lên cao.
Một số nhà đầu tư sớm của Dogecoin được cho là đã kiếm được cả một gia tài khi giá đồng tiền này lên cao. Wall Street Journal đưa tin rằng một chủ sở hữu ẩn danh có số Dogecoin trị giá hơn 2 tỷ USD.
Các ngân hàng đầu tư và công ty quản lý tài sản ngày càng chú ý về tiền kỹ thuật số. Tuần trước, Goldman Sachs mở quầy giao dịch bitcoin, đi ngược lại quyết định tránh xa thị trường tiền mã hóa hồi năm 2018.
Một số nhà đầu tư tin rằng tiền mã hóa có thể phòng vệ lạm phát, lo ngại rằng tiền pháp định – ví dụ như USD hay euro – có thể mất giá khi kinh tế toàn cầu tăng tốc trong năm nay nhờ đại dịch phần nào được đẩy lùi.
Nhưng cũng có nhiều chuyên gia cảnh báo rằng giá tiền mã hóa chỉ được duy trì bởi những kẻ đầu cơ. Tuần trước, ông Andrew Baily, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh phát đi cảnh báo rằng người mua tiền mã hóa có thể mất sạch tiền.
"Tiền mã hóa không có giá trị nội tại. Nhưng chúng vẫn được mọi người gán cho một cái giá vì chúng có thể có giá trị bên ngoài. Nhưng tiền mã hóa không có giá trị nội tại".
"Tôi sẽ thẳng thắn nhắc lại lần nữa: Chỉ nên mua tiền mã hóa nếu bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần mất sạch tiền đầu tư", Thống đốc Baily nói.