|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau tổ hợp '3D', định giá cao ngất là rủi ro mới của giới tỷ phú toàn cầu

19:38 | 05/02/2022
Chia sẻ
Trong quá khứ, tổ hợp "3D" là rủi ro lớn nhất đối với khối tài sản của các tỷ phú thế giới. Song giờ đây, một loại rủi ro khác đã xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng đến túi tiền của những người giàu có nhất hành tinh.

Đối với những người giàu nhất thế giới, trước đây chỉ có ba rủi ro là có thể "thổi bay" khối tài sản khổng lồ của họ. Đó chính là tổ hợp "3D" gồm death (cái chết), default (vỡ nợ) và divorce (ly hôn).

Tuy nhiên, một rủi ro mới vừa xuất hiện. Giờ đây, định giá cao ngất trời của các tập đoàn công nghệ cũng có thể khiến giới tỷ phú điêu đứng vì hàng chục tỷ USD bỗng biến mất trong phút chốc.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Sharmin Mossavar-Rahmani - trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Goldman Sachs, nhận định: "Kiểu biến động sẽ còn thường xuyên xảy ra khi định giá của các gã khổng lồ công nghệ cao ngất như thế này".

Sau tổ hợp '3D', định giá cao ngất là rủi ro mới của giới tỷ phú toàn cầu - Ảnh 1.

Khối tài sản của Mark Zuckerberg bốc hơi tới 31 tỷ USD trong phiên 3/2. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 3/2, khối tài sản của Mark Zuckerberg - người sáng lập Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook, WhatsApp và Instagram), đã bốc hơi tới 31 tỷ USD, đánh dấu mức giảm tài sản lớn thứ ba trong một ngày kể từ khi chỉ số Bloomberg Billionaires Index ra đời vào năm 2012.

Hai đồng sáng lập khác của Meta Platforms - Eduardo Saverin và Dustin Moskovitz, cũng chứng khiến khối tài sản hao hụt đáng kể. Khi cổ phiếu của Meta Platforms (tên cũ là Facebook) giảm 26%, tài sản ròng của hai ông lần lượt mất 4,6 tỷ và 3,1 tỷ USD.

Trước đó, ngày 2/2, Meta Platforms đã gây sốc cho nhà đầu tư khi thông báo số lượng người dùng hoạt động hàng ngày quý IV/2021 suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy mức giảm không lớn nhưng đây lại là bằng chứng cho thấy Facebook không thể cứ mãi tăng trưởng số người dùng.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quý IV cũng thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích và giảm so với cùng kỳ 2020. Mark Zuckerberg cho biết việc Apple thay đổi chính sách bảo mật đã gây ảnh hưởng tới hoạt động quảng cáo của Facebook và cảnh báo doanh thu năm 2022 có thể thiệt hại 10 tỷ USD.

Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng mạng xã hội mới như TikTok cũng khiến Facebook khó thu hút thêm người dùng mới.

Sau tổ hợp '3D', định giá cao ngất là rủi ro mới của giới tỷ phú toàn cầu - Ảnh 2.

Elon Musk - CEO của hãng xe điện Tesla, là người thường xuyên chứng kiến khối tài sản bốc hơi nghiêm trọng. (Ảnh: Tesla).

Tương tự Mark Zuckerberg, ông Daniel Ek - CEO của nền tảng stream nhạc Spotify, cũng chứng kiến khối tài sản trồi sụt đáng kể. Tính từ đầu năm đến nay, tài sản ròng của vị CEO này đã giảm 1,1 tỷ USD xuống còn 2,7 tỷ USD.

Tài sản của CEO Spotify bốc hơi hơn 1 tỷ USD có liên quan đến tranh cãi xoay quanh podcaster Joe Rogan. Đầu tuần này, một loạt ca sĩ, nhạc sĩ cũng như người nổi tiếng khác đã hưởng ứng lời kêu gọi của ca sĩ Neil Young, yêu cầu Spotify gỡ bỏ sản phẩm của họ khỏi nền tảng này nếu Spotify không loại bỏ tài khoản của Joe Rogan.

Trước đó, Rogan đã đưa ra một số phát ngôn gây hiểu nhầm về đại dịch và vắc xin. Podcaster này đã lên Spotify thúc giục người trẻ không nên đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhưng lại kêu gọi sử dụng thuốc ivermectin, hoạt chất dùng để trị ký sinh trùng ở động vật để điều trị COVID.

Ban đầu, CEO Daniel Ek dường như đã lên tiếng bênh vực Joe Rogan, khiến cổ phiếu của Spotify lao dốc. Sau đó, Spotify mới nhượng bộ bằng cách tuyên bố sẽ gắn cờ các nội dung liên quan đến đại dịch để tránh lan truyền tin giả.

Trước kia, một số tỷ phú cũng từng mất đến 11 chữ số trong khối tài sản nhưng không phải quá thường xuyên và chủ yếu liên quan tới tổ hợp "3D". Một ví dụ nổi tiếng gần đây là vụ ly hôn bạc tỷ của Jeff Bezos vào năm 2019.

Thời điểm cựu CEO Amazon.com ly hôn bà Mackenzie Scott, khối tài sản của ông đã bốc hơi đến 36 tỷ USD, đứng đầu trong danh sách sụt giảm tài sản trong một ngày của Bloomberg Billionaires Index.

Song, giờ đây, biến động về khối tài sản của các tỷ phú thế giới dường như đã trở thành một thông lệ, câu chuyện của CEO Tesla Elon Musk là ví dụ điển hình.

Người giàu nhất hành tinh đã mất 35 tỷ USD trong một ngày vào tháng 11 năm ngoái, khi cổ phiếu Tesla cắm đầu sau một cuộc thăm dò của Musk trên Twitter. CEO Tesla đã khảo sát người hâm mộ xem ông có nên bán ra 10% cổ phần trong hãng xe điện này hay không.

Khả Nhân