Sau sự cố đường ống Nord Stream, NATO chật vật tìm cách bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển
Theo tờ Bloomberg, quy mô rộng lớn và độ sâu dưới biển của các tài sản như đường ống dẫn khí đốt hoặc cáp quang internet đang làm gia tăng thách thức đối với chính phủ các nước châu Âu, trong trường hợp các công trình này bị tấn công.
Hơn nữa, do hầu hết cơ sở hạ tầng đều thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, việc chứng minh chính phủ nước ngoài đã tài trợ hoặc nhúng tay vào bất kỳ cuộc tấn công nào thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn.
Bà Kristine Berzina, thành viên cấp cao tại Quỹ German Marshall, cho hay: “Về mặt lý thuyết, chúng tôi từng lo ngại rằng các hệ thống dưới biển có thể rất dễ bị tổn thương nhưng cho đến khi xảy ra vụ việc với Nord Stream, chúng tôi chưa từng thấy một sự cố nào lớn như vậy...”
“Bây giờ, vụ việc khiến mọi người lo lắng không yên, không rõ loại cơ sở hạ tầng nào có thể bị nhắm đến trong tương lai”, bà Berzina nói tiếp.
Kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra và phương Tây tung ra nhiều đòn trừng phạt, Nga đã thể hiện thái độ giận dữ và thực hiện một số động thái đáp trả nhằm hạn chế nguồn cung năng lượng của châu Âu.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể nhắm vào các hệ thống quan trọng dưới biển như đường ống Nord Stream giúp cung ứng hơn 20% lượng khí đốt của châu Âu hoặc một số trong khoảng 400 sợi cáp quang giúp dẫn truyền khoảng 98% dữ liệu internet trên khắp thế giới.
Đến nay, nguyên nhân hư hỏng của đường ống Nord Stream vẫn chưa được xác định. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã lên án rằng đây là hành động phá hoại, nhưng chỉ Ba Lan trực tiếp đổ lỗi cho Nga.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các đường ống đã bị tấn công bởi “người Anglo-Saxon”. Ông tuyên bố: “Các lệnh cấm vận vẫn chưa đủ cho bọn Anglo-Saxon, thế là bọn chúng chuyển sang phá hoại”. Anglo-Saxon là từ để chỉ các nước gồm các nước gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia.
Theo Bloomberg, giới chức Đan Mạch, Thuỵ Điển và Đức vẫn đang điều tra nguyên nhân và có thể mất nhiều tuần. Các nhà nghiên cứu trước đây từng cảnh báo rằng Nga có cả năng lực quân sự và hiểu biết về nơi đặt các cơ sở hạ tầng và cáp ngầm dưới biển.
Ví dụ, các tàu quân sự của Nga từng được nhìn thấy gần các đường dây cáp quang hoặc đường ống khi chúng được hạ thuỷ.
Thiếu công cụ
Các nước thành viên NATO đã và đang gấp rút triển khai tàu cũng như máy bay quân sự để giám sát Biển Baltic và Biển Bắc nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào khác.
Ngoài ra, Na Uy đã tăng cường tuần tra các cơ sở năng lượng sau khi phát hiện thấy số lượng máy bay không người lái tăng cao bất thường gần các địa điểm này. Hải quân Italy cũng đang ra sức bảo vệ các tuyến đường ống chiến lược xuyên Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh của Na Uy thiếu các công cụ cần thiết để ngăn chặn hành vi phá hoại đối với các cơ sở năng lượng của nước này, trong khi rủi ro đã tăng lên, đài truyền hình NRK dẫn lời lãnh đạo quân sự cấp cao Hedvig Moe cho hay.
Ông Moe nói lực lượng an ninh có thể ngăn chặn và điều tra các mối đe doạ khủng bố bằng cách sử dụng phương pháp xâm lấn, chẳng hạn như nghe lén và khai thác dữ liệu, nhưng không thể dùng các phương tiện này để ngăn chặn hành vi phá hoại.
Tại một cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng NATO năm 2020, liên minh quân sự đã đưa ra một báo cáo, nhấn mạnh các lỗ hổng liên quan tới cáp quang và tầm quan trọng của việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển.
Chiến tranh hỗn hợp
“Cần phải hiểu rằng hầu hết các cáp quang đều thuộc sở hữu tư nhân và người thường cũng biết chúng đặt ở đâu”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu năm 2020. “Điều đó khiến chúng dễ bị tổn thương”.
Ông Wojciech Lorenz, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Ba Lan, cho biết thiệt hại trên đường ống Nord Stream cho thấy các dấu hiệu điển hình của chiến tranh hỗn hợp.
“Ngay cả khi chúng ta không biết ai đứng sau cuộc tấn công, Nga vẫn có thể sử dụng nó cho mục đích riêng”, ông Lorenz cho hay.
Vị chuyên gia nói thêm rằng Moscow có thể tận dụng vụ tấn công để gây áp lực lên một số quốc gia không ủng hộ các lệnh trừng phạt cũng như chuyển hướng chú ý ra khỏi việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Vụ việc với Nord Stream diễn ra khi quân đội Ukraine đang tiếp tục phản công. Theo bà Berzina, đây là một dẫn chứng khác cho thấy có thể Nga đứng sau vụ tấn công, bởi Moscow có thể đang tìm cách đánh lạc hướng công chúng khỏi những thất bại trên chiến trường.
Phản ứng của NATO đối với sự cố của Nord Stream có thể sẽ hạn chế phần nào, vì các quan chức Thuỵ Điển và Đan Mạch đã lưu ý rằng thiệt hại trên đường ống xuất hiện tại các khu kinh tế chứ không phải trực tiếp trong lãnh hải của họ.
Thay vào đó, các thành viên của liên minh quân sự có thể thực hiện các động thái khác như trừng phạt Nga hoặc viện trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine trong trường hợp Moscow đứng sau vụ tấn công, một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ.
Phản ứng của NATO có thể sẽ khác nếu Nga tấn công vào một cơ sở trong lãnh hải của một trong các thành viên. Khi đó, các điều khoản phòng vệ tập thể trong Điều 5 của hiệp ước NATO có thể được kích hoạt, bà Berzina cho hay.