Sau năng lượng, kim loại sẽ trở thành mặt trận mới cho cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây
Phương Tây ở thế bất lợi
Theo Reuters, cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ chuyển trọng tâm từ nhiên liệu hóa thạch sang kim loại và nguyên liệu thô.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm lộ rõ rủi ro của việc phụ thuộc năng lượng vào một đất nước khó đoán như Nga.
Sắp tới, các nhà sản xuất phương Tây sẽ tập trung vào việc giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô cần thiết cho nền kinh tế xanh.
Cho đến năm 2050, châu Âu sẽ cần chi tổng cộng 5.300 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các kế hoạch này đòi hỏi sản lượng đồng, lithium, than chì, niken và một số loại đất hiếm tăng gấp 6 lần vào năm 2040.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại thống trị việc chế biến nhiều thành phần công nghiệp quan trọng. Đất nước này tinh chế 58% lượng lithium, 65% lượng cobalt cùng với hơn 30% lượng đồng và niken được khai thác trên toàn thế giới.
Trung Quốc cũng có vai trò đáng nể trong việc khai thác kim loại. Nga cũng là cường quốc về niken, palladium và cobalt.
Trong khi đó, châu Âu nhập khẩu từ 75% đến 100% hầu hết các kim loại, và do đó có vẻ cực kỳ dễ bị tổn thương.
Giải pháp tốn kém
Để đối phó, doanh nghiệp phương Tây có thể ký kết hợp đồng với các nhà cung ứng tại những quốc gia thân thiện, mở mỏ khai thác ở nước nhà hay tăng cường tái chế.
Biện pháp đầu tiên là dễ nhất và đã được triển khai. Dữ liệu từ Fitch Solutions cho thấy trong năm 2022, các nhà sản xuất ô tô đã đẩy mạnh hợp tác với các mỏ và đầu tư trực tiếp vào các dự án khai thác.
Ví dụ, General Motors đã mua cổ phần trong công ty Queensland Pacific Metals của Australia để đảm bảo nguồn cung niken và cobalt cho những chiếc SUV thân thiện với môi trường.
Phát triển mỏ khai thác mới trong nước có vẻ là lựa chọn an toàn nhưng lại tốn nhiều thời gian hơn. Ví dụ tiêu biểu là lithium, nguyên liệu quan trọng để chế tạo pin cho xe điện.
Hiện tại, châu Âu hầu như không thể khai thác được lithium, còn Mỹ chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu toàn cầu. Nhưng tình hình đang thay đổi.
Tập đoàn khai thác và chế biến kim loại Sibanye Stillwater đang nhắm đến việc vận hành mỏ lithium đầu tiên ở Phần Lan vào năm 2025. Công ty Imerys của Pháp dự kiến sẽ khai thác 34.000 tấn lithium hydroxide mỗi năm từ một mỏ sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.
Một nhà khai thác mỏ của châu Âu cho biết nếu toàn bộ các dự án khai thác lithium của châu Âu chính thức đi vào hoạt động, chúng có thể cung cấp 240.000 tấn lithium carbonate mỗi năm, tương đương 40% nhu cầu dành cho hợp chất này vào năm 2030.
Mỹ chỉ nắm giữ 3% trữ lượng lithium trên toàn thế giới, nhưng cũng đã ban hành luật trợ cấp cho việc khai thác các nguyên liệu quan trọng trong nước, tờ Reuters cho biết.
Cả hai biện pháp trên đều có những bất cập. Việc khai thác mỏ tại những nước phát triển có thể vấp phải sự chỉ trích của những công dân quan tâm đến môi trường. Các nhà sản xuất kim loại thiết yếu cũng có thể gây khó dễ cho người mua bằng cách liên minh với nhau.
Như vậy, lựa chọn tốt nhất của các nước phương Tây là tái chế kim loại từ thiết bị đã qua sử dụng. Một số công ty như Umicore và Redwood Materials đã nắm trong tay công nghệ để tái sử dụng pin và smartphone. Châu Âu đang tái chế 17% sản lượng pin trên toàn cầu. Fitch Solution ước tính tỷ lệ này sẽ tăng lên 48% vào năm 2025.
Đáng tiếc rằng tái chế là hoạt động tốn kém. Nhưng khi thế giới ngày càng chia rẽ, việc bảo vệ các ngành công nghiệp của phương Tây cần được ưu tiên và xứng đáng với cái giá cao hơn.