Sau khó khăn trong hai năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang phục hồi trở lại
Tại họp báo kỷ niệm 25 năm thành lập Manulife Việt Nam, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã cập nhật một số dữ liệu về ngành bảo hiểm cũng như đánh giá triển vọng ngành trong tương lai.
Theo chia sẻ của ông, ngành bảo hiểm Việt Nam bắt đầu từ năm 1993 khi Bảo Việt thành lập phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, là tiền thân công ty bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt ra đời vào năm 1996. Quy mô phí thị trường vào thời điểm này trên dưới 1 tỷ đồng.
Sau khi có thêm nhiều công ty gia nhập vào thị trường như Manulife, Prudential, Dai Ichi Life, AIA, đến nay quy mô phí thị trường gần 200.000 tỷ đồng/năm.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên toàn thị trường khoảng 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 721.284 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khoảng 159.889 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 600.110 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Hàng năm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả quyền lợi cho khách hàng trên 50.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm vừa qua, các doanh nghiệp chi trả 30.966 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó Manulife Việt Nam đã chi trả hơn 3.800 tỷ đồng.
“1996 chưa được gọi là thị trường, phải đến năm 1999 khi có sự tham gia của khối ngoại thì mới được gọi là thị trường hoàn chỉnh. Các công ty nước ngoài đã đưa vào Việt Nam công nghệ mới, kỹ năng quản trị, sản phẩm…, từng bước xây dựng thị trường như hiện nay”, ông Dũng nói về thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Đối với câu chuyện trong năm 2024, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phải tập trung, nỗ lực thực hiện các quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các Nghị định, hướng dẫn sau đó với nhiều quy định sẽ được áp dụng, có hiệu lực trong năm nay. Những quy định mới này hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có những bước chuẩn bị, thay đổi chính mình sau những câu chuyện ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng ở những năm 2022 và 2023.
“Đơn cử sản phẩm có bảng tóm tắt các điều khoản bảo hiểm, cải thiện bộ hợp đồng bảo hiểm đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu hơn cho khách hàng, công cụ tra cứu phải nhanh và thuận tiện. Hay tư vấn viên được xây dựng chương trình đào tạo từng cấp bậc, kết hợp với nhiều ứng dụng.
Ngoài ra, tăng cường đa kênh bán bảo hiểm, cũng như các giai đoạn thẩm định, quản lý và chi trả quyền lợi hợp đồng bảo hiểm. Đây là bức tranh rất rõ nét và ngày càng rõ nét hơn trong năm 2024. Các doanh nghiệp phải thực sự chủ động trong việc nâng cấp này, bao gồm cả sản phẩm, quy trình nghiệp vụ ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đến thời điểm này, có hơn 11,7 triệu hợp đồng đang có hiệu lực và khoảng 10% dân số người Việt tham gia bảo hiểm nhân thọ, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng tham gia nhiều hơn.
Ông Dũng đánh giá tiềm năng của thị trường còn rất lớn, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đưa ra nghị quyết riêng về chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, mục tiêu đến năm 2025, 15% người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 18%.
“Những mục tiêu này còn khá khiêm tốn so với các nước phát triển khác nhưng đối với Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp. Sau những sự kiện khủng hoảng 2022 - 2023, trong ngắn hạn, thậm chí là năm nay, doanh thu bảo hiểm có thể vẫn giảm nhưng về dài hạn sẽ ổn định, những khách hàng thực sự hiểu được ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ sẽ gắn bó lâu dài hơn.
Tương tự đối với đội ngũ bán hàng, những người trụ được với nghề đều được đào tạo bắt buộc. Hiện tại thị trường có khoảng 700.000 nhân viên bán bảo hiểm nhưng sắp tới có thể chỉ còn 300.000 người”, ông Dũng lưu ý.