Sắp mất gần 20 tỉ, doanh nhân bán thảo dược giải rượu thoát hiểm nhờ tham gia các chương trình truyền hình
Nhìn hàng nghìn thùng hàng chất đống trong kho, Nguyễn Văn Mết hiểu rằng nếu không thể thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen và suy nghĩ về thuốc giải rượu, anh sẽ thất bại. Tuy nhiên, ông chủ Met Foods cũng nhận định anh phải tìm đúng đối tượng cần sản phẩm nhất.
Met Foods thay đổi khách hàng mục tiêu
Xác định không thể tiếp tục với đối tượng đại chúng, Mết quyết định hướng tới giới doanh nhân - những người thường xuyên phải dự tiệc để mở rộng quan hệ và tìm đối tác, có ý thức bảo vệ sức khỏe.
Doanh nhân Nguyễn Văn Mết trong một chương trình truyền hình. Ảnh: VTV1
Thay vì tới các nhà thuốc, cửa hàng, quán bia để tiếp thị nước giải rượu, Mết dành thời gian tham gia các sự kiện, hội thảo dành cho doanh nhân, rồi giới thiệu và tặng sản phẩm để mọi người dùng thử. Sau vài tháng, tình hình dần trở nên khả quan hơn và doanh số tăng dần.
Năm 2016, Mết nảy ra ý tưởng tham gia các chương trình truyền hình dành cho doanh nhân để tiếp cận giới kinh doanh cả nước. Anh tìm hiểu kĩ từng chương trình rồi đăng kí tham gia. Mỗi khi có cơ hội lên sóng truyền hình, anh tích cực đưa video về chương trình lên trang web, mạng xã hội, YouTube, Zalo để quảng bá bản thân và sản phẩm.
"Việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình giúp tôi trở nên tự tin hơn rất nhiều khi gặp gỡ doanh nhân, thuyết phục đối tác và các đại lí. Số lượng người tiêu dùng sản phẩm của Met Foods cứ tăng dần", anh kể.
Doanh số tăng vọt nhờ các chương trình truyền hình
Riêng trong năm 2016, Met Foods bán 250.000 chai nước giải rượu ở thị trường Việt Nam và chỉ một năm sau, con số đã tăng lên gấp đôi với 500.000 sản phẩm.
Đến cuối năm 2017, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ trong nước, mà nhiều nhà bán lẻ ở nước ngoài cũng liên hệ với Met Foods với nguyện vọng trở thành nhà phân phối. Họ biết tới nước giải rượu của Met Foods nhờ những video mà Mết đưa lên mạng.
"Hiện nay, sản phẩm của Met Foods đã hiện diện ở 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ các cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, mà ngay cả quán karaoke, trạm dừng chân xe khách cũng bán sản phẩm của chúng tôi. Doanh thu của công ty tăng hơn 20% mỗi năm", anh Mết tiết lộ.
Dù là nhà phân phối sản phẩm của CJ Healthcare tại nhiều nước ở Đông Nam Á, nhưng Met Foods vẫn chưa có hướng phát triển nhiều ra thị trường Camphuchia và Thái Lan. Trong tương lai gần, công ty vẫn chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Không chỉ các cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, mà ngay cả quán karaoke, trạm dừng chân xe khách cũng bán sản phẩm của Met Foods. Ảnh: VTV1
Tự sản xuất sẽ là chiến lược lâu dài
Trong thời gian tới, chiến lược của Met Foods là tiếp tục đưa các dòng sản phẩm nước chăm sóc sức khỏe đến với người tiêu dùng Việt Nam. Trước khi phân phối sản phẩm mới, Mết khẳng định công ty sẽ kiểm tra chất lượng sản phẩm thật kỹ, bảo đảm rằng sản phẩm phù hợp với người Việt.
"Ngoài ra, tôi đang xây dựng dòng sản phẩm riêng bằng việc gia công sản xuất tại Hàn Quốc bằng các chất liệu thảo dược của Việt Nam rồi đưa về thị trường Việt Nam. Đây là chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững của Met Foods", anh Mết nói.
Về kế hoạch phát triển thị trường, Met Foods không phát triển thương hiệu một cách ồ ạt, mà sẽ chú trọng vào việc tương tác giữa khách hàng với sản phẩm, để khách hàng có cơ hội trải nghiệm sản phẩm trước khi ra quyết định mua.
"Chẳng hạn, trong tháng 3/2018, công ty đã tặng khách hàng 54.000 chai để họ dùng thử. Đưa sản phẩm tới tận tay khách hàng để họ sử dụng là cách nhanh nhất để thành công", anh bình luận.