Doanh nghiệp Nhật Bản chen chân vào thị trường chăm sóc sức khỏe, thể hình tại Campuchia và Việt Nam
Gunze Sports khai thác phân khúc phòng tập cho khách hàng trung lưu và giàu tại Campuchia
Nhà sản xuất dụng cụ thể thao Mizuno và công ty đồng hương ít tiếng tăm hơn, Gunze Sports, đã gây dựng chỗ đứng tại Campuchia và Việt Nam khi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là thể dục thể hình, tại hai quốc gia Đông Nam Á. Mức tăng trưởng thường niên của hai công ty đạt hơn 50%.
Gunze đang vận hành hai phòng tập thể hình ở Campuchia, nơi giới chuyên gia dự đoán thị trường chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trưởng 60% lên hơn 460 triệu USD vào năm 2023 so với năm 2015, theo công ty nghiên cứu Euromonitor ở Anh.
Gần như không hiện diện bên ngoài biên giới Nhật Bản, Gunze đã mở phòng tập thể hình đầu tiên tại khu dân cư cao cấp ở Phnom Penh vào tháng 6/2017 nhằm "nhảy vào cuộc cạnh tranh ở thị trường nước ngoài", theo ông Kazuhiro Norihide, Phó chủ tịch của chi nhánh Gunze tại Campuchia.
Một khu vực trong phòng tập thể hình của Gunze tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Nikkei Asian Review đưa tin Gunze cũng đã khai trưởng phòng tập thể hình thứ hai tại Phnom Penh vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, phòng tập của Gunze không dành cho tất cả mọi người. Trong khi cơ sở tập luyện tại các công viên công cộng chỉ tính mức phí 1 USD/ngày, thẻ thành viên của Gunze lại dao động từ 80 đến 90 USD/tháng. Mức giá ấy chỉ phù hợp với khách hàng trung lưu hoặc có thu nhập cao.
Mặc dù vậy, dường như rất nhiều khách hàng có ý thức về chăm sóc sức khỏe ở thủ đô của Campuchia sẵn lòng chi trả mức phí tương đối cao, ngang bằng với các phòng tập của Gunze tại Nhật Bản.
"Tôi đến đây mỗi ngày để làm mới bản thân", bà Khouth Nearylyvan, một người nội trợ 56 tuổi, chia sẻ. Bà không có nhiều lựa chọn bởi hiện tại, chỉ có một số đối thủ cạnh tranh có cơ sở tương tự như Gunze, chẳng hạn như bể bơi và studio.
Hệ thống phòng tập thể hình sẽ thu hút nhiều khách hơn trong tương lai. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (trực thuộc chính phủ) cho thấy chi tiêu liên quan đến sức khỏe bình quân đầu người ở Campuchia là khoảng 53 USD/tháng, trong khi con số ở Indonesia chỉ khoảng 37 USD/tháng.
30% tổng số cơ sở tập thể hình tại ASEAN nằm ở Việt Nam
Người dân Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến tập thể hình và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác khi thói quen ăn uống thay đổi và dấu hiệu của bệnh béo phì xuất hiện.
Việt Nam hiện chiếm 30% tổng số cơ sở tập thể hình trong số 6 thành viên chính của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm ưu thế vượt trội so với 5 nước còn lại.
California Fitness & Yoga, một chuỗi phòng tập do một doanh nghiệp Mỹ thành lập, có khoảng 100.000 thành viên, chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội. Cùng lúc đó, các cơ sở khác cũng đang mọc lên trên khắp đất nước.
"Tôi nghĩ rằng người Việt Nam quan tâm nhiều đến thể thao để duy trì sức khỏe tốt", ông Eitaro Kojima, giám đốc Phòng Nghiên cứu ở nước ngoài của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), nhận định.
Chính phủ Việt Nam dường như đồng thuận với quan điểm của ông Kojima và đang nắm bắt cơ hội để thay đổi thói quen tập thể dục của trẻ em.
Lần đầu tiên trong khoảng 40 năm qua, chương trình giảng dạy tại trường học ở Việt Nam được đánh giá lại với mục đích cân bằng bài giảng trên lớp với giáo dục thể chất cho trẻ tiểu học.
Mizuno thiết kế chương trình thể thao cho trẻ em Việt Nam để quảng bá thương hiệu
Mizuno đang tận dụng ý thức cấp bách về sức khỏe để nâng cao độ nhận diện thương hiệu tại Việt Nam, thông qua chương trình thể thao dành cho trẻ em có tên Hexathlon. Chương trình này - bao gồm chạy nước rút, nhảy bật xa và các hoạt động khác - dự kiến khởi động tại khoảng 15.000 trường tiểu học công lập từ tháng 9 tới.
Công ty đã thiết kế chương trình Hexathlon cho các trường tiểu học nhỏ ở Việt Nam, phần lớn trong số này không có chỗ để xây dựng sân thể thao.
Cả Mizuno và Gunze Sports đều hi vọng nỗ lực của họ sẽ được đền đáp bằng doanh số từ sản phẩm và dịch vụ liên quan khi thị trường chăm sóc sức khỏe ở Campuchia và Việt Nam tiếp tục phát triển.