|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sản xuất Avatar 2 chỉ hết vài trăm triệu USD, tại sao doanh thu phòng vé cần đạt 2 tỷ USD thì Disney mới hòa vốn?

11:34 | 11/01/2023
Chia sẻ
Dù được dự báo sẽ đem về 2 tỷ USD, Avatar 2 nhiều khả năng vẫn sẽ chỉ giúp Disney hòa vốn bởi kinh phí sản xuất đắt đỏ, cách thức phân chia lợi nhuận không phù hợp và những chi phí khác như marketing, lãi suất, tỷ giá, ....

James Cameron là đạo diễn của những kỷ lục. Trong số 10 bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử, ba bộ phim thuộc về vị đạo diễn này. Trong số đó, Avatar và Titanic đã mang về doanh thu trên 2 tỷ USD. 

Avatar 2 đã thu về 1,7 tỷ USD, sắp đạt đến mục tiêu "hòa vốn" của đạo diễn Cameron. Bộ phim có doanh thu cao thứ hai của ông James Cameron đang là Titanic. 

Avatar: Dòng chảy của nước (Avatar: The Way of Water) là phần tiếp theo của bộ phim Avatar từng được công chiếu vào năm 2009. Theo đạo diễn Cameron, Avatar 2 sẽ phải thu về ít nhất 2 tỷ USD để hòa vốn. Hiện tại, Avatar 2 đã kiếm được 1,7 tỷ USD.

Avatar 2 là một bộ phim đắt đỏ, nhưng toàn bộ chi phí sản xuất cũng không thể nào vượt quá 500 triệu USD. Theo một số ước tính, bộ phim có kinh phí từ 250 triệu USD cho tới 460 triệu USD.

Bộ phim Điệp viên 007: Spectre có chi phí là 300 triệu USD, và chỉ cần 650 triệu USD doanh thu phòng vé để hòa vốn. Avengers: Endgame tốn 400 triệu USD để sản xuất, và chỉ cần từ 1,1 đến 1,2 tỷ USD để hòa vốn.

Hay nói cách khác, bất chấp việc có ngân sách tương tự hoặc thấp hơn Endgame, Avatar 2 cần phải kiếm được gấp đôi để bắt đầu có lợi nhuận. Đạo diễn Cameron cũng thừa nhận rằng Avatar 2 không hợp lý từ góc độ tài chính. Ông gọi bộ phim này là “phi vụ kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh”.

Vậy, vì sao Avatar 2 phải kiếm nhiều tiền đến vậy để Disney hòa vốn?

Chia sẻ doanh thu

Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận của Avatar 2 là việc chia sẻ doanh thu phòng vé với các rạp chiếu phim. 

Tỷ lệ phân chia lợi nhuận được thiết lập nhằm mang lại lợi ích nhiều nhất cho cả hai bên. Thông thường, trong hai tuần đầu tiên, hãng phim sẽ nhận được nhiều tiền hơn, còn từ tuần thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi, rạp chiếu phim sẽ hưởng nhiều hơn.

Tỷ lệ phân chia này hợp lý bởi hầu hết các bộ phim đều có doanh thu khủng trong hai tuần đầu tiên. Do vậy, các rạp chiếu có thể duy trì mức phân chia thấp hơn trong giai đoạn đầu, vì suất chiếu thường kín chỗ, và khán giả sẵn sàng mua nhiều bỏng ngô, nước ngọt.

Tuy nhiên, trong những tuần sau, rạp chiếu cần mức phân chia lợi nhuận cao hơn, do người xem không còn nhiều như trước. Tương tự, các hãng phim sẽ nhận được doanh thu lớn nhất trong hai tuần đầu, và chấp nhận mức phân chia thấp hơn để phim được chiếu lâu hơn.

Thông thường, các hãng phim sẽ nhận được 55 đến 60% doanh thu trong những tuần đầu, và dần giảm xuống còn 40 đến 45% ở những tuần tiếp đó. Đôi khi, tỷ lệ phân chia của hãng còn giảm xuống 30%.

Cách phân chia này không có lợi cho Avatar 2. Khác với các phim của Marvel như Avengers: Endgame, Avatar là kiểu phim không có tuần mở đầu rầm rộ, doanh thu cao. 

Trong tuần đầu tiên, Endgame mang về cả trăm triệu USD mỗi ngày, còn tuần đầu tiên của Avatar 1 thì chỉ khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, càng về cuối, cán cân doanh thu của hai bộ phim này càng đảo ngược. Tới ngày thứ 51, Avatar vẫn duy trì doanh thu hàng chục triệu USD mỗi ngày, còn Endgame lại không đạt nổi 1 triệu USD. 

Doanh thu của Avatar 1 ổn định trong suốt nhiều tuần, không tập trung vào tuần đầu tiên như Avengers. Doanh thu không tính ngày mở màn.  

Về tổng thể, doanh thu của Avatar lớn hơn Endgame, nhưng hãng phim có thể sẽ thu về ít hơn, do phần lớn doanh thu đến từ những tuần tiếp theo. Trên thực tế, trong hai tuần đầu tiên, Avatar 1 chỉ mang lại 38% doanh thu phòng vé. Trong khi với Endgame, tỷ lệ này lên tới 77%.

Trong những phần tiếp theo, hãng phim sẽ phải chịu tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận thấp hơn, từ đó kiếm được ít tiền hơn. Nói cách khác, doanh thu của Avatar 2 cần cao hơn những bộ phim có chi phí sản xuất tương tự để hòa vốn.

Thuế

Một trở ngại khác mà Disney phải đối mặt là thuế. Avatar 2 sẽ phải chịu mức thuế giải trí từ 2% đến 50% tại các quốc gia. Ở Ấn Độ, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Cameron phải chịu mức thuế tới 50%, còn tại Anh là 20%. Tất nhiên, khách hàng sẽ là người cuối cùng trả mức thuế suất này, nhưng hãng phim cũng sẽ phải san sẻ một phần. 

Với phần đầu của Avatar, 1/4 doanh thu phòng vé đến từ Mỹ, trong khi 2 tỷ USD từ những quốc gia khác. Để duy trì thành công như phần 1, Avatar 2 sẽ phải có giá hợp lý, ngay cả sau khi chịu mức thuế khổng lồ lên tới 50%.

Kết quả là, tỷ lệ doanh thu của Disney trên doanh thu phòng vé trên thị trường quốc tế chắc chắn sẽ  thấp hơn tại Mỹ. Với mức hòa vốn là 2 tỷ USD như tuyên bố của đạo diễn Cameron, và tỷ lệ doanh thu nội địa (Mỹ)/quốc tế đang là 30/70, chúng ta có thể đưa ra những ước lượng sau:

Khi đạt mục tiêu của ông Cameron, doanh thu toàn cầu sẽ là 1,4 tỷ USD, doanh thu ở Mỹ là 600 triệu USD. Nếu cho rằng tại Mỹ, tỷ lệ doanh thu hãng phim nhận được là 50%, còn ở quốc tế là 40%, thì Disney sẽ bỏ túi khoảng 860 triệu USD.

Tất nhiên, con số này chỉ là ước tính sơ bộ, và tỷ lệ phân chia phòng vé, thuế, doanh thu của hãng phim thường là bí mật kinh doanh.

Tuy vậy, 860 triệu USD vẫn cao hơn nhiều 460 triệu USD - mức chi phí sản xuất ước tính lớn nhất của Avatar 2. Vậy, 400 triệu USD còn lại đã đi đâu?

Những chi phí khác

Phần đầu tiên của Avatar ước tính đã tiêu tốn khoảng 150 triệu USD cho hoạt động marketing. Và Avatar 1 khi đó là một bộ phim không có nhiều tên tuổi, ra mắt vào 2009, trước Avatar 2 khoảng 13 năm. Với phần hai, nhiều khả năng Disney sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho quảng cáo. 

Bảng hiệu quảng cáo 3D cho Avatar 2: The Way of Water. (Ảnh: 20th Century Studios Philippines).

Các hãng phim thường tài trợ cho hoạt động sản xuất phim bằng nợ. Avatar 2 nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ. Avatar 2 đã được lên ý tưởng từ năm 2012-2013, và bắt đầu bấm máy vào năm 2017. 

Mãi đến đầu cuối năm 2022, bộ phim mới được ra rạp. Do vậy, chi phí đi vay sẽ có nhiều thời gian để tích lũy, chưa kể việc Fed nâng lãi suất những tháng gần đây. Nhiều khả năng, chi phí lãi vay của Avatar 2 có thể lên đến cả trăm triệu USD.

Một vấn đề khác là tỷ giá hối đoái. Với việc USD đang mạnh lên so với những đồng tiền khác, chắc chắn Disney sẽ chịu thiệt hại khi quy đổi doanh thu quốc tế. Disney cũng sẽ phải chịu những chi phí như bán hàng, phân phối ....

Tất cả những chi phí trên cộng lại có thể sẽ bào mòn doanh thu của Disney thêm khoảng 300-400 triệu USD nữa. Do vậy, tuyên bố của đạo diễn James Cameron rằng Avatar 2 cần 2 tỷ USD để hòa vốn không phải là thổi phồng.

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.