|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến streaming liệu có đáng để Netflix, Apple, Disney,... chi cả núi tiền để cạnh tranh?

07:39 | 14/02/2022
Chia sẻ
Các nhà đầu tư lo ngại rằng phần thưởng cho người chiến thắng trong cuộc đua streaming có thể không hấp dẫn như kỳ vọng.

Trong khi Disney sẽ kỷ niệm cột mốc 100 năm hoạt động vào năm tới, công ty này đang trải qua nhiều thay đổi lớn khi tái tổ chức hoạt động kinh doanh trị giá 260 tỷ USD xoay quanh một dịch vụ streaming mới chỉ trên dưới hai năm tuổi, theo Economist. Cho tới thời điểm hiện tại, dịch vụ streaming Disney+ của Disney vẫn được xem là một thành công.

Disney kỳ vọng có 60 triệu người dùng đăng ký Disney+ cho tới thời điểm năm 2024. Dù vậy, Disney+ hoàn thành mục tiêu này trong chưa đầy 12 tháng sau khi đi vào hoạt động. Đến nay, Disney nâng con số người dùng đăng ký kỳ vọng vào năm 2024 lên tới 260 triệu.

Ông Bob Chapek, người nhận ghế CEO Disney ngay trước khi đại dịch bùng phát, cho rằng tương lai của Disney nằm ở việc phân phối nội dung trực tiếp đến người xem và dịch vụ streaming là "kim chỉ nam" của ông.

Cuộc chiến streaming liệu có đáng để Netflix, Apple, Disney chi 'tiền tấn' cạnh tranh? - Ảnh 1.

(Đơn vị: triệu). (Nguồn: Empere/Economist, Việt hoá: Thái Sơn).

Disney+ phát triển mạnh song không có gì đảm bảo nó nằm trong số những dịch vụ tồn tại được sau thời kỳ cạnh tranh tàn khốc của các dịch vụ streaming. Bên cạnh đó, người ta cũng hoài nghi về phần thưởng mà người chiến thắng nhận được.

Mỗi năm, Disney và các đối thủ đều cam kết sẽ dành rất nhiều đầu tư cho nội dung, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng người dùng đăng ký có dấu hiệu chững lại. 

Một thực tế không thể phủ nhận rằng nhiều công ty truyền thông truyền thống đang chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền hình cáp béo bở sang một lựa chọn ít màu mỡ hơn. 

Giữa lúc cổ phiếu của nhiều "ông lớn" công nghệ lung lay, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi Disney công bố báo cáo tài chính quý của mình vào ngày 9/2 trong sự run sợ, Economist nhận định. Điều này càng đúng với ông Chapek khi hợp đồng của ông sẽ kết thúc trong vòng một năm nữa.

Tháng trước, thị trường hoảng sợ khi Netflix, dịch vụ streaming dẫn đầu thị trường, dự đoán rằng hãng sẽ chỉ có thêm 2,5 triệu người đăng ký mới trong quý I/2022. Đây là con số tăng trưởng theo quý chậm nhất kể từ năm 2010 của Netflix, thời điểm phần lớn người dùng Netflix vẫn nhận những chiếc đĩa DVD qua thư.

Quý trước, Disney+ cũng báo cáo chỉ có thêm 2,1 triệu người đăng ký mới, thấp nhất trong lịch sử của dịch vụ này. Mặc dù có một vài ngoại lệ, tăng trưởng chậm lại nhìn chung có thể quan sát thấy được trên toàn ngành.

Cuộc chiến streaming liệu có đáng để Netflix, Apple, Disney chi 'tiền tấn' cạnh tranh? - Ảnh 2.

Lượng người dùng đăng ký của Netflix sụt giảm trong vài năm trở lại đây. (Đơn vị: triệu). (Nguồn: Statista, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Các công ty đều đổ lỗi cho các khó khăn tạm thời: đại dịch COVID-19 phức tạp, sản xuất nội dung đình trệ, và trong trường hợp của Apple TV+ là đợt sụt giảm người dùng khi giai đoạn dùng thử miễn phí kết thúc. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cũng thừa nhận rằng mức "trần" tăng trưởng người dùng đăng ký dịch vụ với nhiều dịch vụ streaming thấp hơn so với kỳ vọng.

Morgan Stanley giảm mức dự đoán số lượng người dùng đăng ký Netflix vào năm 2024 giảm xuống còn 260 triệu từ con số trước đó là 300 triệu. Bên cạnh đó, giữa lúc nhiều dịch vụ tìm thấy cơ hội tăng giá ở các thị trường thu nhập cao, điều này rất khó ở các thị trường tăng trưởng nhanh nhưng thu nhập thấp hơn.

Ở Ấn Độ, mới đây, Netflix giảm giá gói dịch vụ cơ bản từ 6,6 USD xuống còn 2,6 USD/tháng. Morgan Stanley hiện kỳ vọng doanh thu của Netlix sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 10%/năm trong trung hạn, thay vì con số 15% trước đó đưa ra.

Giữa lúc tăng trưởng doanh thu chậm lại, chi phí hoạt động lại tăng lên. Các công ty truyền thông sẽ đầu tư hơn 230 tỷ USD vào nội dung video trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với con số của một thập niên trước, theo Ampere Analysis. 

Kết quả kinh doanh u ám của Netflix được công bố trong bối cảnh hãng vẫn đầu tư lớn vào nội dung và nhiều nội dung được yêu thích trên toàn thế giới như Squid Games. Trong khi đó, 3 năm trước, Disney nói rằng sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào nội dung streaming vào năm 2024. Mới đây, ông Chapek nói con số này sẽ là hơn 9 tỷ USD.

Cuộc chiến streaming liệu có đáng để Netflix, Apple, Disney chi 'tiền tấn' cạnh tranh? - Ảnh 3.

(Nguồn: Antenna/Economist, Việt hoá: Thái Sơn).

Đầu tư tăng lên một phần là bởi chi phí sản xuất phim cũng tăng lên, trong khi đó yêu cầu của người dùng cũng tăng lên.

Hầu hết người dùng chỉ huỷ dịch vụ truyền hình cáp khi họ chuyển nhà, ông Doug Shapiro, cựu giám đốc chiến lược của Turner Broadcasting System, chia sẻ. Thế nhưng, hiện nay, ông nhận định rằng người dùng có xu hướng chuyển qua lại giữa các dịch vụ streaming tuỳ theo chất lượng nội dung.

Apple TV+ đang gặp vấn đề giữ chân người dùng lớn nhất khi để mất tới 10% khách hàng mỗi tháng, theo Antenna.

Thực tế nêu trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính kinh tế của các dịch vụ streaming. Netflix, công ty streaming thành công nhất tới thời điểm này, kỳ vọng lợi nhuận hoạt động giảm trong năm 2022, lần đầu tiên trong ít nhất 6 năm, xuống còn 19%. Netflix nói rằng đầy là kết quả của chi phí sản xuất cao hơn. Thực tế đằng sau có thể còn u ám hơn.

Giống nhiều dịch vụ streaming khác, Netflix tính toán chi phí nội dung san đều trong vài năm, trong khi đó phần lớn các nội dung đều chỉ được xem nhiều trong vài tuần. (Về phần mình, Netflix khẳng định cách tính toán này dựa trên thói quen xem của người dùng).

Việc streaming không thực sự mang lại lợi nhuận béo bở còn là thực tế khó chấp nhận hơn với những công ty giàu truyền thống như Disney khi nó từng thu về rất nhiều lợi nhuận từ dịch vụ truyền hình cáp. Năm ngoái, dịch vụ truyền hình cáp của Disney có biên lợi nhuận 30%. 

Bên cạnh đó, Disney cũng "hy sinh" doanh thu phòng vé bằng cách đưa nhiều nội dung mới lên dịch vụ Disney+. Dù vậy, chiến lược streaming là một cuộc chơi sẽ duy trì vì các dịch vụ như truyền hình cáp sẽ không quay trở lại. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đang thực hiện chiến lược bán các dịch vụ streaming kèm theo gói dịch vụ khác.

Niềm hy vọng với các "ông lớn" streaming là cuộc cạnh tranh này sẽ khiến nhiều "tay chơi" bỏ cuộc và đến thời điểm, những người còn tồn tại có thể tăng giá dịch vụ và giảm chi phí phát triển nội dung. Dù vậy, với những cái tên như hiện tại đủ cho thấy đây vẫn sẽ là một cuộc chiến dài hơi.

Thái Sơn