|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì COVID-19

05:00 | 19/11/2020
Chia sẻ
Zambia có thể thanh toán 42,5 triệu USD lãi suất coupon cho trái phiếu chính phủ vào ngày 13/11, song họ từ chối thanh toán để có thể đối xử bình đẳng với các chủ nợ. Sau vụ việc, Zambia quyết định tuyên bố vỡ nợ và đang tìm giải pháp cho vấn đề.
Quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Zambia quyết định tuyên bố vỡ nợ. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Theo Reuters, sau khi không thanh toán 42,5 triệu USD lãi suất coupon vào ngày 13/11, Zambia trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ do đại dịch COVID-19.

Trước đó, chính phủ Zambia đã yêu cầu hoãn thanh toán lãi suất đến tháng 4 năm sau, song các trái chủ của quốc gia châu Phi này không đồng ý. Phía trái chủ chỉ trích Zambia vì không cung cấp đầy đủ thông tin về các khoản nợ cũng như tình hình tài chính của nước này, khiến việc thanh toán nợ ngắn hạn bất thành.

Trước tác động của đại dịch COVID-19 và nền kinh tế yếu kém, Thống đốc Christopher Mvunga của Ngân hàng Trung ương Zambia (BoZ) cho biết chính phủ đang tìm cách xóa nợ trên diện rộng. Một trong các phương án mà Zambia nhắm tới là tham gia chương trình hoãn thanh toán nợ do nhóm G20 hậu thuẫn.

"Một trong các điều kiện là chúng tôi phải đối xử bình đẳng với tất cả chủ nợ. Không phải chúng tôi không thể thanh toán, chỉ là nếu chúng tôi trả tiền cho một chủ nợ thì chúng tôi phải thanh toán luôn cho tất cả", ông Mvunga cho hay trong một cuộc họp báo hôm 18/11.

Hôm 13/11, Bộ Tài chính Zambia cho biết họ đang đàm phán cùng Quĩ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) để tìm ra giải pháp đối với tất cả chủ nợ. Trong cuộc họp báo mới nhất, Thống đốc BoZ cũng lặp lại thông tin trên.

Cũng tại đó, ông Mvunga cho biết BoZ quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt ở mức 8% tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất.

Theo Reuters, lạm phát của Zambia đã tăng từ 15,7% hồi tháng 9 lên lên 16% trong tháng 10 vừa qua. Dự kiện, lạm phát trung bình của Zambia trong quí IV năm nay sẽ rơi vào khoảng 16,7%.

Nguy cơ vỡ nợ của Zambia vốn đã được cảnh báo từ lâu. Các khoản nợ của nhà sản xuất đồng lớn thứ hai châu Phi đã liên tục tăng kể từ năm 2012, khi BoZ liên tục nới lỏng chính sách tài khóa và chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng dù nền kinh tế tăng trưởng kém và đồng nội tệ mất giá.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).