Quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vẫn chỉ là ‘bình mới rượu cũ’
Doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp xong đất đai đi thì hãy cổ phần hóa, thoái vốn! |
Tại tọa đàm: “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây. Đánh giá về năng lực quản trị của doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: “Quản trị sau CPH thì rất nhiều DN không làm tốt được, vẫn bình mới rượu cũ.”.
Từ thực tế trên, ông Tiến khuyến nghị doanh nghiệp sau CPH phải lên thị trường chứng khoán để cộng đồng các nhà đầu tư, Nhà nước và xã hội giám sát thì họ phải hoạt động hiệu quả hơn. Chính phủ phải quyết liệt và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải đi đầu để nhận sự hỗ trợ theo quy luật của thị trường.
Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thiết kế các tiêu chuẩn quản trị theo đúng yêu cầu của quốc tế. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi CPH, thoái vốn thì năng lực quản trị rất tốt như Vinamilk. Tuy nhiên, đây là các DN lớn được các nhà đầu tư quan tâm và thị trường giám sát.
Cùng tại buổi tọa đàm, ông Phùng Văn Hùng (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) chia sẻ, việc bắt buộc DNNN sau cổ phần phải niêm yết trên thị trường chứng khoán là quan trọng. Khi đã niêm yết thì tính công khai minh bạch được nhấn mạnh.
Trên thị trường chứng khoán, sức khoẻ của doanh nghiệp được đo đếm công khai, giám sát bởi các cơ quan Nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào DN đó. Đây là kinh nghiệm của thế giới mà ta hội nhập thì phải tuân thủ.
Khách mời tại tọa đàm: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”. Ảnh: Nhật Bắc |
Việc nhiều doanh nghiệp không muốn niêm yết là hoạt động không bình thường. Các doanh nghiệp không công khai trong việc trao đổi mua bán cổ phiếu, chỉ muốn làm trong một nhóm thì đây là việc Chính phủ cần phải xem xét từng DN không niêm yết để có giải pháp kịp thời. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nguyên tắc thị trường mà Chính phủ đã đề ra, ông Hùng phân tích.
Vừa qua Bộ Tài chính rà soát lại việc niêm yết của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tính tới thời điểm ban hành Nghị định số 126 thì có hơn 700 DNNN sau CPH chưa niêm yết. Trong đó, gần 300 DN đã đăng ký công ty đại chúng, gần 200 DN đăng ký giao dịch và niêm yết. Nhiều doanh nghiệp qua kiểm tra hiệu quả hoạt động kém quả, không đủ điều kiện là công ty đại chúng vì cổ đông không đủ theo quy định.
Về thực trạng doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định “Minh bạch, thông tin mập mờ không làm đúng quy định là căn bệnh cố hữu của DNNN, lần này nếu không minh bạch, cải cách quản trị không thành công”.