|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lùm xùm sai phạm cổ phần hoá, lối thoát nào cho Cảng Quy Nhơn?

14:33 | 18/09/2018
Chia sẻ
Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh – theo VAFI

Không thể phát triển Cảng Quy Nhơn theo mô hình cũ

Hôm qua (17/9/2018), Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn Bản kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lựa chọn đối tác chiến lược và bán thỏa thuận 75% vốn nhà nước cho công ty Hợp Thành và Cảng Quy Nhơn sẽ trở thành doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ đa số thông qua đại diện là Vinalines.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định bày tỏ mong muốn Cảng Quy Nhơn phải do Nhà nước nắm chi phối vì lý do an ninh quốc phòng, vì Cảng Quy Nhơn có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của Bình Định, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

lum xum sai pham co phan hoa loi thoat nao cho cang quy nhon
VAFI nhấn mạnh không thể phát triển Cảng Quy Nhơn theo mô hình cũ với vai trò chi phối của Vinalines

Trao đổi với báo chí sáng nay (18/9), đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, mong muốn của UBND tỉnh Bình Định là không mới khi mà Cảng Quy Nhơn đã hoạt động theo mô hình DNNN được 37 năm, mô hình CTCP mà Nhà nước nắm giữ đa số được 3 năm nhưng không có nhiều đổi mới.

Bên cạnh đó lại còn tồn tại nhiều bất cập và tiêu cực trong công tác quản lý doanh nghiệp như cơ chế xin cho trong công tác tuyển dụng lao động và cán bộ quản lý dẫn đến bộ máy quản lý cồng kềnh, năng lực yếu kém, nguồn nhân lực lao động quá đông nhưng năng suất thấp. Suất đầu tư rất cao so với khu vực tư nhân, nhiều khoản đầu tư cao gấp đôi lần so với đầu tư tư nhân.

Tình trạng “hoa hồng” tồn tại trong ký kết hợp đồng bốc xếp. Có tình trạng cửa quyền trong công tác xếp dỡ hàng hóa do Cảng Quy Nhơn ở vị thế “tương đối độc quyền” cộng với cơ chế quản lý theo kiểu DNNN. Doanh thu lợi nhuận dưới thời DNNN thấp, chi phí cao không tương xứng với thực trạng của cảng này.

Theo VAFI, Công ty Hợp Thành không phải đối tác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh quản lý cảng biển nhưng ở giai đoạn Hợp Thành doanh thu và lợi nhuận tăng lên chủ yếu do tình trạng tiêu cực giảm.

“Nói như vậy không phải là VAFI chấp nhận những đối tác chiến lược như kiểu Hợp Thành mà VAFI nhấn mạnh rằng không thể phát triển Cảng Quy Nhơn theo mô hình cũ với vai trò chi phối của Vinalines”, đại diện hiệp hội này nhấn mạnh.

Phải thúc Cảng Quy Nhơn nhanh chóng niêm yết

Theo đánh giá của VAFI, Vinalines gần đây tuy có một số tiến bộ nhỏ so với trước kia nhưng vẫn thể hiện là một tập đoàn yếu kém về nhiều mặt, bộ máy quản lý cồng kềnh cộng với cơ chế quản trị yếu kém. Vinalines vừa hoàn tất “sơ bộ” cổ phần hóa nhưng hầu như không thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

VAFI cho rằng, việc nhà đầu tư quay lưng với Vinalines không phải vì tập đoàn này không hấp dẫn hay không có tiềm năng phát triển mà vì công tác quản trị doanh nghiệp và định hướng phát triển không có nhiều thay đổi, dĩ nhiên là nhà đầu tư không thể mạo hiểm bỏ vốn vào trừ khi Vinalines chỉ ra những thay đổi căn bản sau cổ phần hóa.

Cũng theo VAFI thì các đơn vị cảng hiện do Vinalines quản lý đều có năng suất lao động thấp, hiệu quả sinh lời của đồng vốn thấp. Chẳng hạn như khu vực các cảng tại Hải Phòng, CTCP Cảng Hải Phòng (trực thuộc Vinalines) là đơn vị nắm giữ và sở hữu nhiều cầu cảng nhất, ở các vị trí khai thác thuận lợi nhất nhưng doanh thu, lợi nhuận, sản lượng hàng thông qua cảng đều thua xa các đơn vị tư nhân ít cầu cảng như Gemadept, Viconship….Điều này nói lên rằng không phải cứ Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là đảm bảo an ninh quốc phòng, là đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế.

Chính vì vậy, Hiệp hội này khẳng định, Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh.

Theo đó, phải thúc Cảng Quy Nhơn nhanh chóng niêm yết để thực hiện minh bạch tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tiếp theo là tổ chức bán đấu giá công khai 75% cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài.

“Trong Kết luận của Thanh Tra Chính phủ có nêu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm tiến trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên đừng chỉ quan tâm đến tiến trình kiểm điểm mất rất nhiều thời gian mà cần xúc tiến ngay công tác cải tổ phương thức quản trị tại Cảng Quy Nhơn bằng việc niêm yết và đấu giá cổ phần”, đại diện VAFI nhấn mạnh.

Bích Diệp

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.