Bài 1: Vì sao thoái vốn 'gấp rút'?
Cảng Quy Nhơn thay đổi hầu hết nhân sự hội đồng quản trị | |
Bán đấu giá tài sản 1 thành viên của nhà đầu tư cảng Quy Nhơn |
Cảng Quy Nhơn, nằm trên đầm Thị Nại, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), là cảng biển có tầm chiến lược ảnh hưởng đến cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, hạ Lào, Đông bắc Campuchia và cả Đông bắc Thái Lan.
Đồng thời, là cảng biển gần hải phận quốc tế trên Biển Đông nhất. Tháng 9/2015, toàn bộ 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn đã được thoái hết vốn sau khi bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của Cảng Quy Nhơn có một số tồn tại khiến dư luận nghi ngờ có những vấn đề không thỏa đáng, uẩn khúc trong quá trình thực hiện. Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ thu hồi lại vốn, giữ quyền chi phối Cảng Quy Nhơn về cho nhà nước quản lý.
Phóng viên TTXVN đã làm việc với nhiều bên liên quan để làm rõ hơn những vấn đề này.
Bài 1: Vì sao thoái vốn "gấp rút"?
Quá trình thoái hết toàn bộ vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn để chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành đang được dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Tô Tử Thanh, là người kiên trì theo đuổi các vấn đề tại cảng Quy Nhơn. Chính ông là người đã gửi tâm thư kiến nghị lên Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư về 9 vấn đề của tỉnh Bình Định; trong đó, nổi cộm nhất là quá trình thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra cảng Quy Nhơn từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017.
Sau thời gian kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về các vấn đề mà ông Tô Tử Thanh đã nêu. Ông Tô Tử Thanh nói: “Riêng các vấn đề về cảng Quy Nhơn, điều cốt lõi mà tôi muốn làm rõ là: ai chủ trương bán 100% cổ phần của cảng Quy Nhơn cho tư nhân. Thứ hai là tại sao xác định giá trị cảng Quy Nhơn chỉ có 404 tỷ đồng, giá này chỉ vừa đủ cho hai cần cẩu và thương hiệu “Cảng Quy Nhơn”. Ba là có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?”.
Từ tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục tiến hành thanh tra toàn diện cảng Quy Nhơn. Vấn đề dư luận đặt ra nghi vấn là tại sao tiến trình thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn diễn ra “gấp rút” như vậy.
Theo quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; trong đó, cảng Quy Nhơn nằm trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa (nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ) nhằm mục tiêu phát triển lĩnh vực khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Từ đó, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Vậy nhưng, vào ngày 4/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc ký văn bản số 1115/UBND-KT đề nghị giảm vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ tại cảng Quy Nhơn xuống còn 49%. Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 2900/BGTVT-QLDN gửi Chính phủ về cùng nội dung đề nghị cho phép giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn còn 49%.
Ngày 27/5/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ký quyết định số 747/TTg-ĐMDN về việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm 51%.
Ngày 2/8/2013, Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành) được công nhận là nhà đầu tư chiến lược thông qua nghị quyết số 2141/NQ-HHVN của Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines. Sau đó, Hội đồng quản trị Công tư cổ phần cảng Quy Nhơn đã thông qua phương án chuyển nhượng 26,01% vốn điều lệ cho cổ đông sáng lập.
Ngày 20/9/2013, Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn và Công ty Hợp thành ký hợp đồng mua cổ phần lần đầu số 01/CĐCL/CQN-HT và thực hiện thành công giao dịch với số lượng 4,041 triệu cổ phần với giá 12.792 đồng/cổ phần, tổng giá trị hợp đồng gần 51,7 tỷ đồng.
Giao dịch này được thực hiện sau khi có thông báo kết quả đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn ngày 12/9/2013 của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Hình thức mua cổ phần phát hành lần đầu được tổ chức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ngày 25/2/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc ký tiếp văn bản số 628/UBND-TH gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bán hết phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Đến ngày 8/9/2014, Chính phủ đã có văn bản cho phép bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Ngày 26/2/2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines và Công ty Hợp Thành đã ký và thực hiện thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐCNCP với 10.510.627 cổ phần được giao dịch theo giá mua bán là 13.500 đồng/cổ phần; tổng giá trị hợp đồng này gần 142 tỷ đồng.
Vào ngày 24/4/2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines có công văn gửi Công ty Hợp Thành về việc nhận chuyển nhượng 49% vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình tại cảng Quy Nhơn. Cùng ngày, Công ty Hợp Thành đã có công văn số phản hồi đồng ý nhận chuyển nhượng 49% số cổ phần này của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines.
Ngày 13/7/2015, trước thời điểm về hưu, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định ký tiếp văn bản số 1062 gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Văn bản này không được thông qua Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Đến ngày 6/8/2015, Vinalines và Công ty Hợp Thành đã ký và thực hiện thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 02/HĐCNCP, hoàn thành việc chuyển nhượng 19.801.635 cổ phần với giá mua 13.800 đồng/cổ phần; tổng giá trị hợp đồng là hơn 273 tỷ đồng. Qua đó, chính thức nắm giữ 86,23% vốn điều lệ của Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn.
Khi giải trình trước Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định khóa XIX, ông Lê Hữu Lộc cho biết, đã ký 2 văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lần lượt thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn sau khi được trao đổi rất kỹ của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Thiện.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn Lê Hồng Thái, Công ty Hợp Thành đầu tư vào cảng Quy Nhơn theo đúng quy định. Công ty đã cùng tham gia với rất nhiều nhà đầu tư đấu giá trên sàn và đấu giá thành công đúng với giá thị trường 100% khi Công TNHH MTV cảng Quy Nhơn bán cổ phần lần đầu. Việc thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần từ Vinalines khi thoái vốn đã triển khai đúng theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra là tại sao lãnh đạo tỉnh Bình Định thời điểm đó lại “sốt sắng” đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn và tại sao Vinalines và Công ty Hợp Thành hoàn thành việc đề nghị nhận chuyển nhượng cũng như đồng ý nhận chuyển nhượng 49% cổ phần cảng Quy Nhơn chỉ trong vòng một ngày (24/4/2015).
Ông Nguyễn Văn Thiện cho rằng, việc ông hối thúc ông Lê Hữu Lộc ký hai văn bản và tự mình ký một văn bản đề nghị giảm và bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là vì “nhu cầu bức thiết để mở rộng, nâng cấp cảng Quy Nhơn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Bởi lúc đó, hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng nhanh, cảng bị quá tải không đáp ứng được tốc độ phát triển của tỉnh"!.
Mặc dù các bên liên quan đều có những ý kiến giải trình, song rõ ràng thời gian thực hiện gấp rút cũng khiến dư luận không khỏi thắc mắc liệu quá trình thực hiện có nhất thiết phải vội đến như vậy? nhất là đối với "vận mệnh" của cảng biển có vai trò rất quan trọng như cảng Quy Nhơn?
Được biết, những vấn đề liên quan đến quá trình triển khai cổ phần hóa cảng Quy Nhơn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ để sớm có câu trả lời thỏa đáng.