|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quan hệ Nhật - Trung nguội lạnh, cơ hội cho Việt Nam và Đông Nam Á

14:46 | 16/08/2020
Chia sẻ
Sau khi đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc cho các hãng xe hơi và chế tạo của Nhật Bản thiếu hụt nghiêm trọng, Tokyo quyết định công bố một gói hỗ trợ khẩn cấp 220 tỉ yen để đưa dây chuyền từ Trung Quốc về quê nhà và thêm 23,5 tỉ yen khác để chuyển sang các nước thứ ba như Việt Nam.

Tại cuộc họp ngày 5/3 của Hội đồng Đầu tư cho Tương lai Nhật Bản (CIF), Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: "Đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và Nhật Bản phải phụ thuộc nhiều vào một nước duy nhất, chúng ta sẽ chuyển dây chuyền về quê nhà".

"Còn các sản phẩm không rơi vào nhóm này, chúng ta sẽ tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang nhiều nước khác, trong đó có ASEAN", Thủ tướng Abe nói tiếp.

Ngày 17/7, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay 87 doanh nghiệp sẽ nhận hỗ trợ tổng cộng 70 tỉ yen (tương đương 653 triệu USD), trong đó 30 công ty sẽ đa dạng hóa sản xuất sang Đông Nam Á và 57 công ty còn lại chuyển về Nhật Bản.

Lợi ích của doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc lung lay

CIF chủ yếu quan tâm đến việc giải quyết các khó khăn không lường trước do đại dịch COVID-19 gây ra cho doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản.

Bỏ qua các tác động đột ngột của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế dài hạn khác. Chẳng hạn, xuất khẩu của Nhật Bản giảm do thương chiến Mỹ - Trung và tăng trưởng GDP cũng như thương mại toàn cầu chững lại.

Ngoài ra, chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang tăng lên do nhu cầu tiền lương cao hơn và qui định về môi trường làm việc được thắt chặt.

Đến khi đại dịch bùng phát, doanh nghiệp Nhật Bản vận hành chuỗi cung ứng ở Trung Quốc lại hoang mang về tương lai và chuyển sang chế độ quan sát. Đến tháng 2/2020, vận mệnh của thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Trung Quốc kí với Mỹ trở nên khó đoán khi tác động tiêu cực to lớn của đại dịch lộ rõ.

South China Morning Post (SCMP) trích dẫn một cuộc khảo sát trên 2.600 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc trong cùng tháng 2 cho thấy 37% đang tìm kiếm các nhà cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố trong tháng 4 cho thấy trong 8.852 doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc, 7,1% muốn giảm qui mô hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường này.

Tuy nhiên, sáng kiến trị giá 220 triệu yen của ông Abe hoàn toàn không có nghĩa là doanh nghiệp Nhật Bản có ý định rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy 40,1% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động tại đất nước tỉ dân.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và các công ty Nhật Bản rót tiền vào thị trường này cũng không còn chủ yếu vì mục đích sản xuất hàng hóa để xuất khẩu nữa.

Hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay đều hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu hàng công nghiệp và tiêu dùng ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, viễn thông, bán buôn và thực phẩm.

Khi thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc tăng, các hãng bán lẻ và dịch vụ của Nhật Bản đã sẵn sàng chen chân cùng các nhà sản xuất đồng hương làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, dung hòa lợi ích của doanh nghiệp Nhật Bản với lợi ích địa chính trị và chính trị của nước này trong thời đại căng thẳng leo thang đang là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan.

Quan hệ Nhật - Trung đã khó quay đầu

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không muốn sáng kiến mới của ông làm tổn hại mối quan hệ chính trị song phương vừa chớm nở sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Tokyo hồi tháng 5/2018.

Thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào tháng 3/2018 và ông Lý Khắc Cường đến thăm Tokyo vào tháng 5 để thu hút Nhật Bản tham gia các thỏa thuận đầu tư và thương mại mới khi quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Mỹ đang xấu đi.

Quan hệ Nhật - Trung nguội lạnh, cơ hội cho Việt Nam và Đông Nam Á - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc gặp mặt vào năm 2019. (Ảnh: AP)

Tháng 10/2018, ông Abe đến thăm Bắc Kinh và đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình về một chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Ông Abe cam kết sẽ dốc sức xây dựng một "kỉ nguyên mới, thúc đẩy hợp tác thay vì cạnh tranh" với Trung Quốc.

Sau khi trở về Tokyo, ông Abe háo hức chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước sắp diễn ra của ông Tập và phớt lờ những biến động xoay quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước tranh chấp chủ quyền.

Đề cập đến rủi ro chính trị trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói Tokyo "không thể xem thường" các hành vi vi phạm lãnh hải Nhật Bản thường xuyên của phía Bắc Kinh.

Đồng thời, ông Kono nhận định Bắc Kinh cần "nỗ lực hơn" để cải thiện tình hình, "ngược lại chuyến thăm của ông Tập sẽ gặp nhiều trở ngại".

Để tạo thiện cảm với Trung Quốc, ông Abe tiếp tục cho phép du khách từ Trung Quốc (ngoại trừ những người đến từ Vũ Hán) nhập cảnh vào Nhật Bản mà không cần cách li bắt buộc sau khi Bắc Kinh ban bố lệnh phong tỏa vào ngày 23/1. Chính sách này tạo ra làn sóng chỉ trích từ người dân và chính phủ Nhật Bản.

Thái độ của ông Abe từ năm 2018 đến nay cũng không phù hợp với sự thay đổi trong nhận thức của người dân Nhật Bản về Trung Quốc. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Genron về nhận thức chung của công chúng năm 2019, nhìn chung 84,7% người dân Nhật Bản có ấn tượng "không tốt" với Trung Quốc, chỉ 15% có ấn tượng "tốt".

Trong giai đoạn tháng 3 - 4/2020, thế giới còn lên tiếng chỉ trích phản ứng chống dịch của Trung Quốc khi COVID-19 mới bùng phát và cáo buộc Bắc Kinh thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để che giấu thông tinh dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thậm chí còn cho rằng WHO nên được gọi là "Tổ chức Y tế Trung Quốc". Chiến lược "ngoại giao chiến lang" mà Trung Quốc sử dụng để tạo hình ảnh đẹp trong đại dịch khiến tờ Japan Times hôm 26/5 xuất bản một bài xã luận mang tựa đề: "Trung Quốc là kẻ thù của chính họ".

Đến ngày 5/3/2020, chính phủ Nhật Bản thông báo hoãn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình do đại dịch và yêu cầu cách li 14 ngày đối với tất cả các du khách Trung Quốc. Cuối cùng, ông Abe công bố thêm các gói trợ cấp để giúp doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Ngày 28/5, Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo dự luật an ninh quốc gia Hong Kong. Ngay ngày hôm sau, hai diễn đàn chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản dành cho các vấn đề đối ngoại đã gửi thư cho ông Abe, kêu gọi ông hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc và ngăn Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia Hong Kong.

Nhật Bản dựa vào hợp tác kinh tế tích cực với Trung Quốc để vun đắp tình hữu nghị và tăng cường quan hệ song phương cùng có lợi. Tuy nhiên, mối quan hệ này cuối cùng chỉ dựa trên nhu cầu vốn, hàng hóa và công nghệ Nhật Bản của Trung Quốc.

Theo thời gian, quan hệ song phương Nhật - Trung cũng yếu dần khi Bắc Kinh nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn ở phương Tây.

Đồng thời, thái độ thù địch về chính trị và chiến lược của Trung Quốc với Nhật Bản, bắt nguồn từ quá khứ và quan hệ đồng minh của Tokyo với Washington không hề yếu đi, bằng chứng là Trung Quốc đang tăng cường điều động quân sự xung quanh các đảo của Nhật Bản, SCMP cho hay.

Hàm ý cho Việt Nam và Đông Nam Á

Khi Nhật Bản ngày càng chủ động giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và duy trì vị thế hiện tại trong khu vực cũng như trên thế giới, nước này sẽ tìm cách tăng cường hợp tác và tương tác với ASEAN vì hai bên có chung mối quan tâm.

Rõ ràng, khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Nhật Bản có thể sẽ quan tâm đến kế hoạch tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các nước ASEAN.

Hoặc Nhật Bản sẽ khởi động các cuộc thảo luận tập trung vào chủ đề đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao sức hấp dẫn của ASEAN như một nền tảng tích hợp cho chuỗi cung ứng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Quan hệ Nhật - Trung nguội lạnh, cơ hội cho Việt Nam và Đông Nam Á - Ảnh 2.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tiếp ông Takeo Nakajima, đại diện JETRO tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Trung/Báo Đầu tư)

Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 7 tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima - đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), xác nhận 15 trong 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

"Có rất nhiều lí do, mỗi doanh nghiệp lại có lí do khác nhau. Tuy nhiên, khi nói đến khu vực ASEAN, Việt Nam hiện nay là điểm sáng trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19", ông Nakajima cho hay.

Theo ông Takeo Nakajima, chi phí đất đai và sản xuất thấp tại Việt Nam là một trong những lí do để các doanh nghiệp xem xét chọn nước ta.

Đại diện JETRO cho biết, tùy theo qui mô từng dự án, mỗi doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nhận hỗ trợ ít nhất là 100 triệu yen và tối đa 5 tỉ yen để đầu tư vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực an ninh hàng hải và quản trị khu vực theo trật tự dựa trên luật pháp, Nhật Bản chắc chắn sẽ hoan nghênh tuyên bố của Việt Nam - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về "giải quyết tranh chấp hòa bình, hoàn toàn tôn trọng luật pháp và các tiến trình ngoại giao mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)".

Ngoài ra, hậu COVID-19, tăng cường hợp tác an ninh phi truyền thống nhằm ngăn ngừa và kiểm soát các dịch bệnh trong tương lai giữa ASEAN và Nhật Bản có thể là một sáng kiến mới, quan trọng.

Khả Nhân