Jetro: 15 doanh nghiệp Nhật không 'dịch chuyển' sản xuất sang Việt Nam
Mới đây trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima - đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản xác nhận, 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến.
Tuy nhiên, trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội nhấn mạnh, 15 doanh nghiệp Nhật Bản không dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam như một số phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian qua.
Thay vào đó, 15 doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam lần này nhằm mở rộng và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
"Mục đích của chương trình này là mở rộng chuỗi cung ứng, hay đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Không phải là việc chuyển sản xuất từ nước này sang nước kia", ông Takeo Nakajima khẳng định.
Theo ông Takeo Nakajima, chuyển và mở rộng sản xuất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Dịch chuyển có nghĩa là trước kia tôi sản xuất 100 cái ở nước A, nay tôi mang việc sản xuất 100 cái đó sang nước B.
"Điều này không nằm trong đối tượng của chương trình hỗ trợ này", đại diện Jetro nói thêm.
Tại sao doanh nghiệp Nhật lại chọn Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng?
Cũng trong họp báo, ông Takeo Nakajima đã chia sẻ những lí do tại sao các doanh nghiệp Nhật Bản lại lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, mở rộng chuỗi cung ứng lần này.
"Có rất nhiều lí do, mỗi doanh nghiệp lại có lí do khác nhau. Tuy nhiên, khi nói đến khu vực ASEAN, Việt Nam hiện nay là điểm sáng trong việc kiểm soát COVID-19", đại điện Jetro chia sẻ.
Theo ông Takeo Nakajima, chi phí thấp tại Việt Nam là một trong những lí do để các doanh nghiệp cân nhắc chọn Việt Nam.
Tại châu Á, các doanh nghiệp Nhật Bản đã hình thành chuỗi cung ứng như ở các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),… nhưng tại đây chi phí ngày càng đắt đỏ, do đó rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất sang các nước Đông Nam Á.
Xét trong các quốc gia Đông Nam Á thì chi phí sản xuất tại Việt Nam và Myanmar đang là rẻ nhất, nếu so với với các nước như Malaysia, Singapore hay Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, theo đại diện Jetro tại Việt Nam, trong thời gian tới điều này có thể cũng sẽ không còn là lợi thế của thị trường Việt Nam, khi chi phí đất đai, chi phí nhân công đang tăng lên mỗi năm.
"Do đó, Việt Nam cần phải tạo cho mình những lợi thế khác ngoài chi phí giá rẻ", ông Takeo Nakajima nói.
"Một lợi thế khác biệt mà không một quốc gia nào trong khu vực có thể so sánh được đó là Việt Nam có đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật. Đây là một phần lí do khiến các công ty Nhật Bản sẵn sàng vào Việt Nam", ông Takeo Nakajima chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo ông Takeo Nakajima , trong số 15 doanh nghiệp mở rộng sản xuất sang Việt Nam có quá nửa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ.
Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều công ty dệt may có năng lực, uy tín. Vì vậy, đây cũng là một trong những lí do doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam lần này.
Qui mô dân số, thị trường tiêu dùng lớn, cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng được đánh giá là những lí do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các công ty nước ngoài.
Mỗi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam được hỗ trợ 5 tỉ yên
Đại diện Jetro cho biết, mỗi doanh nghiệp sẽ nhận hỗ trợ thấp nhất là 100 triệu yên và tối đa 5 tỉ yên khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tỉ lệ hỗ trợ phụ thuộc vào qui mô từng dự án.
Số tiền hỗ trợ nhằm bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt trang thiết bị sản xuất, giúp các doanh nghiệp Nhật xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Để nhận được khoản hỗ trợ này, doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy và được kiểm duyệt trước tháng 3/2025, với lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế hạn chót là tháng 3/2023.
Ông Takeo Nakajima cũng nói thêm rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế thuộc nhóm ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Ngoài 30 doanh nghiệp kể trên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, 57 doanh nghiệp khác cũng sẽ nhận được hỗ trợ để mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc trong thời gian tới.
Tổng số tiền mà các công ty này nhận được lên tới 57,4 tỉ yên, tương đương 536 triệu USD tiền trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản.
Trước bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng leo thang căng thẳng và cuộc chiến thương mại dai dẳng chưa có hồi kết, các quốc gia đang tính chuyện hỗ trợ doanh nghiệp rời Trung Quốc, đa dạng hoá nguồn cung để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó hồi tháng 4/2020, Nhật Bản đã khởi động dự án "thoát Trung" trị giá nhiều tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước, hoặc sang các quốc gia khác.