Hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản lo sốt vó vì Mỹ cấm dùng sản phẩm của Huawei
Các công ty không được kí kết, hay gia hạn hợp đồng với các công ty sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của Huawei Technologies, ZTE, nhà sản xuất máy ảnh Hangzhou Hikvision Digital Technology, Zhejiang Dahua Technology và công ty sản xuất radio Hytera Communications.
Washington gọi các công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia, nhấn mạnh nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm cho Bắc Kinh.
Khi lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 13/8, các công ty đấu thầu hợp đồng liên bang phải chứng minh họ không sử dụng các sản phẩm mà Washington cấm. Chính phủ Mỹ ước tính chi phí tuân thủ đầy đủ lệnh cấm mới sẽ đạt mức hơn 80 tỉ USD.
Theo Nikkei Asian Review, động thái của Nhà Trắng buộc các doanh nghiệp phải chọn lựa giữa việc hợp tác với Mỹ - nước có khoản chi mua hàng khoảng 580 tỉ USD trong năm tài khóa 2019 – và các nhà cung cấp lớn.
Lệnh cấm của Washington đẩy nhanh tốc độ tách rời mối liên hệ giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Hơn 800 công ty Nhật Bản gồm các công ty con ở Mỹ có hợp đồng trực tiếp với chính phủ liên bang, và các doanh nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản hợp tác với công ty Mỹ hoạt động tại quốc gia Đông Á này.
Riêng năm tài khóa 2019, chính phủ Mỹ đã chi tổng cộng 1,5 tỉ USD để mua thiết bị từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các "ông lớn" Nhật Bản tất bật thay đổi để vừa lòng Mỹ
Hãng viễn thông có doanh thu lớn thứ 4 toàn cầu, Nippon Telegraph & Telephone (NTT), hiện đang sử dụng một số thiết bị mà họ mua từ 5 công ty Mỹ áp dụng lệnh cấm cho các thị trường bên ngoài Nhật Bản. Tập đoàn tuyên bố họ sẽ thay thế tất cả các thiết bị theo qui định trước khi lệnh cấm ở Mỹ có hiệu lực, đồng thời khẳng định họ không có ý định sử dụng lại trong tương lai.
Đại diện công ty con NTT Data có chi nhánh tại Mỹ làm việc với các hệ thống của chính phủ nước này, cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra với các hợp đồng [liên bang]".
Hãng viễn thông SoftBank cũng đang rục rịch thay mới các thiết bị viễn thông nhập từ Huawei và ZTE khỏi mạng lưới thiết bị kết nối mạng không dây thế hệ thứ tư của họ.
Song, Softbank vẫn giữ lại các dòng điện thoại thông minh tích hợp công nghệ 5G do ZTE cung cấp.
Một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản, Kajima, công bố thay thế một số thiết bị cũ do Huawei sản xuất bằng các sản phẩm khác đúng qui định vào cuối năm 2020. Kajima gọi đây là một phần đợt nâng cấp. Dù Washington tăng cường gây áp lực khiến các công ty tuân thủ lệnh cấm này sớm nhất có thể, Nikkei dự báo các đơn hàng của Kajima sẽ không chịu ảnh hưởng lớn.
Mặt khác theo Nikkei, cách chính phủ Mỹ dụng từ trong lệnh cấm "sử dụng" các sản phẩm có vấn đề khá mơ hồ, có thể khiến các công ty chi nhiều hơn mức cần thiết khi họ trầm trọng hóa lệnh cấm hơn mức độ thực sự mà Mỹ muốn.
Ông Ryo Okubo - Đồng giám đốc chi nhánh New York công ty luật Nagashima Ohno & Tsunematsu – nhận xét: "Hiện chúng tôi vẫn chưa biết các doanh nghiệp sẽ cần phải đi bao xa để đảm bảo không sử dụng các sản phẩm từ 5 công ty cấm". Ông nhấn mạnh rằng các công ty Nhật Bản cần phải đề cao cảnh giác trong thời gian nhạy cảm này.